Tài chính là ngành thanh tra, kiểm tra nhiều nhất, vậy làm thế nào để thực hiện được yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, thưa ông?
Thanh tra ngành tài chính bao gồm Thanh tra Tài chính trực thuộc Bộ Tài chính và cơ quan thanh tra chuyên ngành trực thuộc Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Tổng cục Dự trữ nhà nước; Kho bạc Nhà nước; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
Phó chánh Thanh tra Bộ Tài chính, ông Trần Huy Trường.
Chỉ riêng 3 quý đầu năm 2017, thanh tra ngành tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 67.200 cuộc, nên để tránh trùng lặp giữa thanh tra ngành tài chính với nhau và giữa thanh tra ngành tài chính với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra chuyên ngành do các bộ, ngành khác thực hiện không hề đơn giản.
Tuy nhiên, chúng tôi đảm bảo thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là với mỗi doanh nghiệp, nếu phải thanh tra, kiểm tra thì thực hiện tối đa 1 lần/năm; tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch đã phê duyệt; nội dung thanh tra giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra.
Làm thế nào để bảo đảm được yêu cầu này?
Ngay từ tháng 9 năm trước, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước chủ trì xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán năm sau.
Sau khi có định hướng, các bộ, ngành, trong đó có thanh tra ngành tài chính xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong nội bộ của mình.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành, nếu có trùng lắp như một doanh nghiệp được 2-3 cơ quan thanh tra chuyên ngành thanh tra, kiểm tra thì Thanh tra Chính phủ sẽ điều phối, bảo đảm khi kế hoạch thanh tra năm được công bố (trước ngày 25/11 năm trước) không có sự trùng lặp, chồng chéo và không bỏ sót đối tượng, lĩnh vực cần phải thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra trong lĩnh vực tài chính chủ yếu là thanh tra thuế. Trong 3 quý đầu năm, toàn ngành tài chính thực hiện khoảng 67.200 cuộc thanh tra, kiểm tra thì thanh tra thuế đã chiếm 57.935 cuộc, nhưng cũng chỉ thanh tra, kiểm tra được một phần rất nhỏ trong số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, thanh tra thuế phải tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh có độ rủi ro cao, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn, doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thanh tra chống chuyển giá)… Chỉ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng và khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Kết quả xử lý tài chính (truy thu, truy hoàn, phạt, giảm lỗ, giảm khấu trừ) sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Thưa ông, điều này có thể hiểu là vi phạm pháp luật càng ngày càng tăng?
Kết quả xử lý tài chính sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tăng không đồng nghĩa với mức độ vi phạm, phạm vi vi phạm các quy định của Nhà nước ngày càng tăng.
Kết quả xử lý tài chính tăng, theo tôi, một phần là do các cơ quan quản lý nhà nước tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực có mức độ rủi ro cao; tập trung vào doanh nghiệp có quy mô lớn và quy mô của doanh nghiệp cũng tăng dần qua từng năm.
Phần khác là do chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dần được nâng cao cùng với việc hoàn thiện quy trình, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán - điều này được minh chứng là khiếu nại, khiếu kiện kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ít khi xảy ra.
Xử lý tài chính tăng, nhưng tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước trên kết quả xử lý tài chính lại không tăng, vì sao vậy, thưa ông?
Sau khi có kết luận của đoàn thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra cần phải có thời gian để chuẩn bị nguồn lực tài chính mới thực hiện được.
Đơn cử, trong 3 quý đầu năm, các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra đã nộp vào ngân sách nhà nước 8.928.553 triệu đồng, nhưng số tiền này không phải là toàn bộ kiến nghị xử lý tài chính trong 3 quý đầu năm (13.608.274 triệu đồng) mà có một phần thực hiện kết luận từ năm 2016 chuyển sang.
Tương tự, một phần kết luận xử lý tài chính năm 2017 sẽ được doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước vào năm 2018.
Về cơ bản doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, nghiêm túc kiến nghị, kết luận của thanh tra ngành tài chính, đặc biệt là kết luận của thanh tra thuế.
Cụ thể là kết luận giảm khấu trừ, giảm lỗ sẽ được thực hiện ngay sau khi có kết luận thanh tra, vì đây thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế.
Theo tôi được biết, trong 11 tháng của năm nay (tính đến ngày 22/11), sau khi tiến hành hơn 83.700 cuộc thanh tra, kiểm tra, thanh tra thuế đã giảm khấu trừ hơn 1.510 tỷ đồng, giảm lỗ gần 30.209 tỷ đồng.
Còn đối với khoản truy thu, truy hoàn, phạt vi phạm hành chính thuế, nếu doanh nghiệp không nộp ngay vào ngân sách nhà nước sẽ bị trả tiền chậm nộp là 0,03%/ngày.
Quá thời hạn mà doanh nghiệp không thực hiện kết luận sẽ bị cơ quan thuế cưỡng chế thi hành theo Luật Quản lý thuế.