Phiếu biểu quyết tại ĐHCĐ có phải bổ sung “ý kiến khác”?

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư băn khoăn, trong phiếu biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp chỉ ghi đồng ý và không đồng ý, mà không có phần ý kiến khác có đúng quy định của luật hay không.

Trong phiếu biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của doanh nghiệp có ghi đồng ý và không đồng ý, như vậy có đúng quy định của luật không, phiếu biểu quyết có phải bổ sung “ý kiến khác” hay không?

Ông Đinh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Tư vấn quản trị doanh nghiệp, CTCK FPT (FPTS): Pháp luật hiện hành không có quy định về nội dung và hình thức của Phiếu biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, theo Khoản 5, Điều 142 – Thể thức tiến hành họp và biểu quyết ĐHĐCĐ Luật Doanh nghiệp 2014, trong trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác thì thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành như sau: “ĐHĐCĐ thảo luận và biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình.

Việc biểu quyết được tiến hành bằng cách thu thẻ biểu quyết tán thành nghị quyết, sau đó thu thẻ biểu quyết không tán thành, cuối cùng kiểm phiếu tập hợp số phiếu biểu quyết tán thành, không tán thành, không có ý kiến”.

Vì vậy, công ty nên có quy định cụ thể trong điều lệ, quy chế tổ chức đại hội; quy chế biểu quyết bầu cử về cách thức biểu quyết bầu cử cũng như mẫu phiếu; ngoài ra, công ty nên đăng tải mẫu phiếu biểu quyết lên website (theo quy định tại Khoản 3 và 4, Điều 139 – Mời họp ĐHĐCĐ, Luật Doanh nghiệp 2014) để cổ đông có thể tham khảo và đóng góp ý kiến trước ngày khai mạc đại hội. Phiếu biểu quyết nên có 3 phương án biểu quyết: tán thành, không tán thành và không có ý kiến theo đúng thuật ngữ được sử dụng trong Luật Doanh nghiệp 2014. 

Trong trường hợp cổ đông lớn đề nghị bổ sung nội dung này vào phiếu biểu quyết tại cuộc họp, chủ tọa ĐHĐCĐ có bắt buộc phải chấp thuận hay không, nếu có thủ tục sẽ như thế nào?

Ông Đinh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Tư vấn quản trị doanh nghiệp, CTCK FPT (FPTS): Trong trường hợp cụ thể này, phiếu biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ của doanh nghiệp có ghi đồng ý và không đồng ý, cổ đông lớn đề nghị bổ sung nội dung “ý kiến khác” vào phiếu biểu quyết tại cuộc họp.

Theo quy định tại Điều 138 – Chương trình và nội dung họp ĐHĐCĐ, Luật Doanh nghiệp 2014,  nếu cổ đông lớn gửi kiến nghị bằng văn bản về vấn đề này một cách đầy đủ và hợp lệ, chậm nhất trong vòng 3 ngày làm việc trước ngày khai mạc, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác, thì chủ tọa nên chấp nhận và chuẩn bị mẫu phiếu theo ý kiến đóng góp của cổ đông.

Trường hợp, cổ đông lớn kiến nghị vấn đề này ngay tại ĐHĐCĐ, Khoản 4, Điều 142 – Thể thức tiến hành họp và biểu quyết ĐHĐCĐ, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rằng: “Chủ tọa có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết và hợp lý để điều khiển cuộc họp một cách có trật tự, đúng theo chương trình đã được thông qua và phản ánh được mong muốn của đa số người dự họp”.

Do đó, chủ tọa sẽ xem xét dựa trên điều lệ công ty, quy chế tổ chức, quy chế biểu quyết bầu cử đã được ĐHĐCĐ thông qua, đề xuất của cổ đông lớn, cũng như mong muốn của đa số cổ đông dự họp và đưa ra phương án xử lý phù hợp để đảm bảo cuộc họp vẫn diễn ra thuận lợi, tuân thủ đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật, không gây mất thời gian, chi phí cho các cổ đông.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục