Trong bài thuyết trình của mình, ông Quang kể về Singapore cách đây 50 năm và ngày nay, nói về Uber, Starburks, Nike… để nói về nền sản xuất của Việt Nam nói chung và của Masan nói riêng.
“Chúng ta đang thiếu những thương hiệu mạnh, dù thương hiệu thì luôn luôn có”, ông Quang nhận định.
“Nếu Việt Nam sở hữu các thương hiệu mạnh thì GDP của Việt Nam ngày sẽ là 640 tỷ USD, gấp 3 lần ngày hôm nay, hoặc có thể cao hơn như niềm tin của Masan”, theo ông Quang, các thương hiệu mạnh, các doanh nghiệp lớn sẽ giúp khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nông nghiệp, khai khoáng,... tốt hơn; sẽ làm cho việc sử dụng nguồn nhân lực trong hơn 90 triệu dân hiệu quả hơn; sẽ giúp các nguồn tài chính trở lên mạnh mẽ hơn. Từ đó tạo ra nhiều giá trị, của cải và cơ hội nhiều hơn trong tương lai của quốc gia.
“Đây không phải là phát kiến của Masan, mà của tỷ phú hàng đầu thế giới Warren Buffett là ‘mua hàng hóa và bán thương hiệu’, đây là điều mà Masan đã, đang và sẽ tiếp tục làm để xây dựng Masan thành thương hiệu mạnh”
Khi nói về Masan, ông Quang khẳng định với các cổ đông: “Chúng ta phải tiếp tục duy trì cách tiếp cận mang tính kỷ luật trong hoạt động xây dựng doanh nghiệp của Tập đoàn. Chúng ta phải duy trì sự tập trung để phát triển quy mô và vị thế dẫn đầu. Chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng môi trường văn hóa có thể truyền cảm hứng cho nhân tài nhằm dẫn dắt thay đổi để kiến tạo giá trị thông qua sự sáng tạo và có được lý tưởng sống”.
“Nếu chúng ta khát vọng khám phá và đáp ứng những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn, chúng ta sẽ có cơ hội lớn để đạt được mục tiêu năm 2020: là và được công nhận trên toàn cầu là niềm tự hào của Việt Nam thông qua việc tạo dựng một mô hình kinh doanh thành công độc đáo ở châu Á”, ông Quang nói.
Dự kiến đạt 1.900 – 2.000 tỷ lợi nhuận 2016
Theo báo cáo của Masan, năm 2015, các sáng kiến của Masan trong những năm qua, bao gồm sự tập trung lớn hơn vào các cơ hội trong ngành hàng tiêu dùng, đã bắt đầu mang lại những lợi ích đáng kể. Tính cho cả năm 2015, doanh thu thuần của Masan tăng lên 30.628 tỷ đồng từ mức 16.120 tỷ đồng năm 2014, tăng 90%.
Những lợi ích từ quy mô lớn và năng suất cải thiện, cùng với sự đóng góp từ mảng kinh doanh đạm động vật, lợi nhuận gộp tăng 52,9% từ 6.417 tỷ đồng năm 2014 lên 9.809 tỷ đồng năm 2015. Lợi nhuận thuần tăng từ 2.037 tỷ đồng năm 2014 lên 2.527 tỷ đồng (tăng 24,1%). Lợi nhuận thuần sau thuế đạt 1.478 tỷ đồng.
Theo dự kiến năm 2016, Tập đoàn Masan sẽ đạt tổng doanh thu từ 42.000-45.000 tỷ đồng, lợi nhuận thuần sau thuế từ 1.900 – 2.000 tỷ đồng (tăng tương ứng từ 29-35%) so với năm 2014.
Tại Đại hội, Masan cũng xin ý kiến cổ đông về việc không chia cổ tức dù lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31/12/2015 là hơn 8.500 tỷ đồng. Đồng thời, Masan cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần theo chương trình ESOP cho người lao động với 10 triệu triệu cổ phần, tương ứng với 1,34% cổ phần đang lưu hành.
“Hiện hơn 90% mỗi gia đình Việt Nam đã sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan, gần đạt được mục tiêu là mỗi gia đình ít nhất có 1 sản phẩm của Masan. Chúng ta phải đặt áp lực cho mình, trong 5 năm tới cần phải hướng tới mục tiêu mỗi gia đình trong ‘Inland Asean’ gồm 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, thị trường gồm 250 triệu người, mỗi gia đình sẽ có ít nhất 1 sản phẩm của Masan”, ông Quang nói.