Phiên sáng cuối tuần 4/3: VHG nổi sóng, VN-Index tiến vào vùng "gió mạnh"

(ĐTCK) Thị trường khởi đầu trong sắc đỏ, nhưng sau đó đã quay đầu tư điểm. VN-Index mở rộng đà tăng vào cuối phiên và đang trên đường chính phục ngưỡng 575 điểm và tiếp đến là 580 điểm. Đây được xem là vùng kháng cự mạnh của chỉ số này và dự báo sẽ có những rung lắc.
Phiên sáng cuối tuần 4/3: VHG nổi sóng, VN-Index tiến vào vùng "gió mạnh"

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 4/3, thị trường khởi đầu trong sắc đỏ. Nguyên nhân chính là do bên mua đồng loạt tung lệnh giá đỏ, nhất là tại nhóm cổ phiếu lớn.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,21 điểm (-0,04%) xuống 569,65 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 4,95 triệu đơn vị, giá trị 53 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, sắc đỏ tiếp tục được nới rộng khi bên mua vẫn thử thách bên cầm cổ bằng việc tiếp tục hạ thấp giá mua. Lúc này, nhóm cổ phiếu lớn hầu hết lình xình dưới mốc giá tham chiếu.

Trong khi đó, dưới ảnh hưởng của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí trên TTCK Việt Nam đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch sáng nay. Giá dầu thế giới phiên hôm qua 3/3 đã giảm trở lại, ngắt mạch 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.

Tuy nhiên, với tâm lý rất vững vàng, lực bán giá thấp sau đó được hấp thụ dần, giúp VN-Index đảo chiều và có sắc xanh.

Sức cầu khá tích cực khiến thị trường dần hồi phục. Những mã đầu ngành như VNM, VIC, VCB,… đều đang đứng giá tham chiếu, trong khi GAS, REE, BVH, ACB, PVS… còn tăng điểm dù không mạnh, nhưng cũng phần nào hỗ trợ các chỉ số.

Lực đỡ chính của thị trường đang đến từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó đáng chú ý có VHG, HNG và HAG.

VHG đang có đột biến về thanh khoản khi chỉ trong 1 giờ giao dịch, mã này đã khớp tới hơn 9 triệu đơn vị và tăng kịch trần lên 5.200 đồng/CP.

Trong khi đó, HNG lại gây “sốc” với thương vụ chi 1.650 tỷ đồng để mua Cao su Đông Dương, hoàn tất vào ngày hôm qua 3/3. Cao su Đông Dương thuộc quyền quản lý không phải ai xa lạ, chính là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh, 2 đối tác cũng đã chi tổng cộng đúng 1.652 tỷ đồng để mua 59 triệu cổ phần của HNG.

Hiện HNG đang tăng mạnh 400 đồng lên 7.900 đồng/CP và khớp được 5,3 triệu đơn vị. “Người họ hàng” HAG cũng được “thơm lây” khi cũng có được mức tăng 400 đồng lên 8.300 đồng/CP và khớp được 2,65 triệu đơn vị.

Về cuối phiên, ngoại trừ VHG, HNG và HAG, hoạt động giao dịch trên thị trường chung vẫn là khá trầm.

HNG tiếp tục giao dịch tốt trong thời gian còn lại của phiên khi khớp thêm gần 2 triệu, nâng tổng lượng khớp lệnh trong phiên sáng lên 7,14 triệu đơn vị, nhưng chỉ còn tăng 300 đồng, lên 7.800 đồng/CP.

Tương tự, HAG cũng chỉ còn tăng 300 đồng, lên 8.200 đồng/CP và khớp tổng cộng 3,4 triệu đơn vị.

Với VHG, do bên bán đã “găm hàng” nên thanh khoản chỉ nhích nhẹ, tổng lượng khớp đạt 9,2 triệu đơn vị, mạnh nhất thị trường và vẫn còn dư mua trần 2,54 triệu đơn vị. Giao dịch đột biến tại cổ phiếu VHG phiên sáng nay là khá bất ngờ, bởi hiện chưa có thông tin đột xuất nào liên quan đến cổ phiếu này xuất hiện trên thị trường.

Ngoài ra, các mã như SBT, BHS, FLC, KSA, OGC, HAI, ITA... tiếp tục duy trì mức thanh khoản tương đối cao, từ hơn 1-2 triệu đơn vị. Điểm số cũng khá tích cực.

Đối với các cổ phiếu lớn, các mã GAS, VIC, VNM, VCB, BVH… vẫn giữ được sắc xanh nhẹ, giúp duy trì sắc xanh của thị trường. SSI và MBB là 2 mã lớn có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nhưng không có mã nào tăng điểm.

Trên sàn HNX, đà tăng được duy trì khi nhóm dầu khí lớn có sự hồi phục, với sắc xanh tại các mã PVS, PLC, PGS. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của các bluechips khác như BCC, AAA, SHS, SHB…

SCR , SPI, DSP là 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên HNX, trong đó DPS giảm sàn xuống  9.800 đồng/CP. SCR khớp 1,5 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 2,94 điểm (+0,52%) lên 573,33 điểm với 112 mã tăng và 86 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,91 điểm (+0,33%) lên 581,02 điểm với 14 mã tăng và 8 mã giảm

Tổng giá trị giao dịch đạt 76,63 triệu đơn vị, giá trị 1.164,29 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7,6 triệu đơn vị, giá trị 203,33 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 3 triệu cổ phiếu TTF, giá trị 74,4 tỷ đồng; hơn 1 triệu cổ phiếu ABT, giá trị 52,38 tỷ đồng; 1,2 triệu cổ phiếu HSG, giá trị 34,92 tỷ đồng; 1,28 triệu cổ phiếu HDS, giá trị hơn 13 tỷ đồng…

Tương tự, với 79 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 0,15 điểm (+0,18%) lên 79,44 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,54 điểm (+0,39%) lên 140,81 điểm với 9 mã tăng và 7 mã giảm. Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 22,29 triệu đơn vị, giá trị 250,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận là không đáng kể.

Nguyễn Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục