PDB: Khuyến nghị mua vào
CTCP Pacific Dinco (mã PDB) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp bê tông tươi và cung cấp đá xây dựng tại khu vực Miền Trung.
Công ty hiện chiếm khoảng 25% thị phần cung cấp bê tông tại Đà nẵng và 40% tại Quảng Nam. Công ty đang có những lợi thế đáng kể so với những doanh nghiệp cùng ngành trên địa bàn các tỉnh miền Trung nhờ sở hữu 4 trạm bê tông lớn gồm: Cẩm Lệ, Thanh Vinh (Đà Nẵng); Chu Lai và Phong Thử (Quảng Nam) với tổng công suất 425 m3/h.
Với hệ thống máy thiết bị trộn và bơm bê tông hiện đại của Italia và Đức, sản phẩm công ty có chất lượng vượt trội so với các nhà cung cấp cùng ngành và giành được những hợp đồng lớn, có uy tín như Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (2011-2013), sân bay quốc tế Đà Nẵng (lớn thứ 3 cả nước), Cầu Rồng Đà Nẵng (2010-2012), Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Khách sạn Silver Shore, nhà máy Number One…
Mặt khác, một trong những điểm thuận lợi nhất của Công ty so với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành đó là việc công ty con của Công ty - Công ty cổ phần Khoáng sản Sơn Phước(PDB sở hữu 76%) có thể thể giúp PDB chủ động một phần lớn nguyên liệu đá đầu vào với chi phí rẻ hơn khoảng 5-7% so với mua ngoài. Công ty này hiện nay đang vận hành và khai thác 2 mỏ đá xây dựng tại mỏ Hố Chuồn và mỏ Hố Khế thuộc xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng với tổng trữ lượng lên đến 4.016.000m3, công suất khai thác 190.000m3/năm. Việc kinh doanh đá xây dựng cho các công trình cũng mang lại doanh thu đáng kể cho Công ty.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015, PDB có doanh thu đạt 343,43 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 27,65 tỷ đồng tăng trưởng lần lượt 80% và 241% so với cùng kỳ 2014. Nguyên nhân do sự phục hồi của ngành xây dựng, nhu cầu bê tông tươi trên thị trường tăng mạnh, nhất là các công trình nhà ở dân dụng, các gói thầu công trình đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và La Sơn – Túy Loan.
Ngoài ra, công ty có thêm doanh thu xây lắp từ việc thi công san lấp công trình đầu tư xây dựng bến cảng Sơn Trà – Đà Nẵng. Công ty cũng có thêm 2 công ty con là CTCP bê tông Dinco Chu Lai và CTCP khoáng sản Sơn Phước nên doanh thu hợp nhất năm 2015 bao gồm doanh thu của 2 công ty con.
Với các dự án đã được chuẩn bị và sẽ được thực hiện, năm 2016, PDB có thể đạt doanh thu hợp nhất khoảng 426 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 34.5 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước, tương đương mức EPS là khoảng 4.259 đồng/cp.
Năm 2016, PDB sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá cao nhờ nhu cầu bê tông cung cấp cho nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho APEC 2017 tại Đà Nẵng. Với mức PE hiện tại là 6,1 lần và dự báo triển vọng khả quan trong năm 2016, PE dự phóng đạt 6.5 lần thì giá hợp lý của PDB vào khoảng 27.684 đồng/CP. Do đó chúng tôi khuyến nghị Mua với PDB với thời gian đầu tư từ 6 đến 8 tháng.
HPG: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK Vietcombank (VCBS)
Kết thúc năm tài chính 2015, kết quả kinh doanh của HPG tiếp tục tăng trưởng tích cực với doanh thu thuần đạt 27.452 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm trước và hoàn thành 122% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 3.504 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm trước và hoàn thành 107,8% kế hoạch đã điều chỉnh.
Trong ngắn hạn, vị thế dẫn đầu trên thị trường thép cùng ưu thế về công nghệ sản xuất và yếu tố tăng công suất giúp cho HPG đủ sức duy trì đà tăng trưởng trước áp lực cạnh tranh đồng thời gia tăng thị phần.
Tuy nhiên, áp lực từ cạnh tranh trên thị trường thép năm 2016 được dự báo sẽ gay gắt hơn so với năm trước. Đồng thời, mảng sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ phải đương đầu với khó khăn khi hiệp định TPP đã được kí kết.
HPG là một trong những doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam với nền tảng kinh doanh vững vàng cùng triển vọng tăng thị phần trong năm tới. Do đó, chúng tôi đánh giá cao khả năng HPG có thể tiếp tục tăng trưởng nhẹ bất chấp khó khăn chung của toàn ngành. Với dự phóng cho năm 2016, doanh thu thuần đạt 29.576 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 3.719 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm trước; tương ứng với EPS đạt 5.073 đồng/cp. Chúng tôi duy trì khuyến nghị nắm giữ HPG.
HAH: Mảng bốc xếp tại cầu cảng không còn tiềm năng phát triển
CTCK FPT (FPTS)
Năm 2015, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH - HOSE) đạt doanh thu thuần đạt 524 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước, trong đó doanh thu từ hoạt động khai thác cảng đạt 350 tỷ đồng, tăng 21%, hoạt động khai thác tàu đạt 171 tỷ đồng, tăng 25%; lợi nhuận trước thuế đạt 182 tỷ đồng, tăng 36%.
Trong đó đáng lưu ý, ở mảng vận tải biển, năm 2015, HAH vận chuyển được 90.000 TEU tăng hơn gấp đôi so với năm 2014 – 43.000 TEU. HAH đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao nhờ: (1) Mảng container lạnh lưu kho tạm nhập tái xuất với biên lợi nhuận gộp cao (~50%) tăng cao, đặc biệt trong quý IV/2015. HAH đã đầu tư 600 ổ điện (gấp đôi so với quý III/2015) để phục vụ cho việc lưu bãi container lạnh. (2) Năm 2015 đưa vào hoạt động 1 tầu vận tải container nội địa là Hai An Time với tuổi tàu trung bình 15 tuổi, công suất 1,032 TEU, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 4 triệu USD.
Năm 2016, HAH đặt kế hoạch tổng sản lượng khai thác đạt 455,000 TEUs, tăng 3% so với năm trước, doanh thu thuần đạt 580 tỷ đồng, tăng 7,6%, trong đó mảng bốc xếp tại cảng Hải An đạt 348 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2015; vận tải container tăng 37%. HAH dự kiến trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30%.
Trong năm 2016, với lợi thế 3 tầu hoạt động trên tuyến Hải Phòng- T.p Hồ Chí Minh, HAH dự tính mở thêm tuyến Hải Phòng - Cái Mép nhờ dự báo sản lượng tăng trưởng nhanh tại khu vực cảng Cái Mép và tận dụng khoảng thời gian trống (khoảng 12 – 14 tiếng) để làm hàng chuyển tải.
Mảng bốc xếp tại cầu cảng không còn tiềm năng phát triển do cầu cảng của HAH đã hoạt động vượt công suất dự kiến 25% năm 2015; vị trí cảng HAH nằm cách chân cầu Bạch Đằng ~1 km, trong vùng an toàn chân cầu nên tàu lớn khó vào làm hàng
Bên cạnh đó, HAH mở rộng phát triển sang mảng vận tải biển nội địa. Trong đó, Tàu Hải An. Time sẽ hoạt động cả năm 2016 thay vì chỉ hoạt động 3 tháng cuối năm như trong năm 2015; tuyến vận tải mới giúp HAH tận dụng thời gian chạy vòng (round trip) từ T.p Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, giảm tỷ lệ chạy tàu rỗng.
Tuy nhiên rủi ro là cạnh tranh cao trong vận tải container nội địa và mảng vận tải biển có biên lợi nhuận gộp thấp so với khai thác cảng biển.