Nhóm cổ phiếu bluechips vẫn được dùng như động cơ chính... nhưng là để đè chỉ số. Tuy nhiên, với cầu bắt đáy mạnh mẽ nên thị trường tránh được một phiên giảm sâu.
Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã phần nào ổn định trở lại, nhất là từ sau ảnh hưởng của Thông tư 36.
Điểm trừ trong phiên giao dịch này chính là việc thanh khoản thị trường tiếp tục giữ ở mức thấp do tâm lý thận trọng bao trùm toàn thị trường trong phần lớn thời gian giao dịch. Ngoài ra, việc bán ròng rất mạnh của khối ngoại trên HOSE trong phiên 27/11 cũng là tín hiệu không mấy khả quan.
Về phía các CTCK, với những diễn biến mà thị trường đã trải qua từ phiên đầu tuần, thì nhiều CTCK đã có cái nhìn lạc quan hơn trong phiên cuối tuần này.
Bước vào phiên giao dịch sáng 28/11, VN-Index tiếp tục khởi đầu trong sắc đỏ với hoạt động giao dịch thận trọng, thanh khoản theo đó chỉ ở mức trung bình thấp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 2,28 điểm (-0,4%) xuống 570,61 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,22 triệu đơn vị, trị giá 57,81 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm điểm vẫn là một số mã lớn như GAS, PVD, KDC... giảm mạnh ngay từ đầu. GAS giảm 2.000 đồng, KDC giảm 1.500 đồng, PVD giảm 2.500 đồng...
Tương tự, HNX-Index cũng giảm điểm ngay khi mở cửa. Đà giảm của chỉ số này dần nới rộng khi đa phần các mã bluechips giao dịch dưới tham chiếu.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường tiếp tục rung lắc trên mốc hỗ trợ mạnh 570 điểm khi sự thận trọng vẫn được duy trì, hoạt động giao dịch diễn ra khá chậm.
Các cổ phiếu trong nhóm VN30 không đồng thuận, nên chỉ số VN30 diễn biến lình xình. Trong đó GAS và PVD là 2 nhân tố chính đè chỉ số khi nới rộng đà giảm.
Trong khi đó, nhóm bất động sản vẫn giữ được sự tích cực khi dư âm về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua.
FLC chỉ lình quanh tham chiếu với chỉ 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi các mã khá HQC, OGC, ITA, KBC, DIG, DXG... lại có được sắc xanh. Trong đó, HQC dẫn đầu thanh khoản trong nhóm này với 4,46 triệu đơn vị khớp lệnh. Còn OGC và ITA đều khớp trên 2,5 triệu đơn vị.
Trên HNX, mã SCR cũng bắt theo nhịp khi tăng điểm ngay từ đầu phiên và có thanh khoản cao nhất sàn với 3,29 triệu đơn vị khớp lệnh. VCG cũng tăng khá và khớp trên 1,5 triệu đơn vị.
Ngoại trừ PLC đang tăng mạnh 1.100 đồng, nhóm dầu khí đang đồng loạt giảm điểm và là lực cản chính khiến HNX chưa thể thu hẹp đà giảm.
Trạng thái lình xình tiếp tục diễn ra trước sự thận trọng của nhà đầu tư. Có thời điểm thị trường giảm sâu về sát mốc 565 điểm dưới áp lực bán gia tăng trên diện rộng.
Cũng như phiên trước, mốc 565 cho thấy là mốc hỗ trợ rất mạnh của thị trường ở thời điểm hiện tại, nên khi lao qua mốc này, lực cầu mạnh đã được tung vào kéo chỉ số tăng trở lại, tuy nhiên chưa thể về được đến tham chiếu. Thanh khoản theo đó cũng được cải thiện đáng kể so với phiên sáng hôm trước.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,29 điểm (-0,23%) xuống 571,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 78 triệu đơn vị, giá trị 1.298,43 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn chỉ 1,23 triệu đơn vị, giá trị 57,45 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 752.000 cổ phiếu DCL trị giá 37,45 tỷ đồng.
Tương tự HOSE, áp lực bán mạnh trong khi lực cầu tỏ ra thận trọng khiến chỉ số HNX cũng lùi về gần mốc 87 điểm, trước khi hồi trở lại về sát mốc tham chiếu khi nhận thấy tín hiệu tích cực trên HOSE.
Kết phiên sáng, HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) xuống 87,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 52 triệu đơn vị, giá trị 725,49 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 47,29 tỷ đồng, đáng chú ý có 3 triệu cổ phiếu PVL được thỏa thuận trị giá 12,3 tỷ đồng.
Trên HOSE, nỗ lực đẩy giá tập trung vào nhóm bluechips là rất tốt, nhưng do GAS và PVD vẫn giảm rất mạnh nên chỉ số chưa thể hồi về tham chiếu.
Tại nhóm VN30, số mã tăng giá đã gấp đôi mã giảm giá với 16 mã, trong đó VIC tăng mạnh nhất 800 đồng lên 49.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản không cao. Ngoài ra, các mã khác như VCB, STB, MBB, HAG, DPM cũng đều tăng điểm.
Ngược lại, GAS và PVD tiếp tục kìm hãm chỉ số khi giảm lần lượt 3.500 đồng và 4.000. Có thời điểm, 2 mã này đã giảm 4.000 đồng và 4.500 đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì phong độ. Ngoài “anh cả” VIC, các mã khác như ITA, OGC, HQC, KBC, DIG, DXG, HAR... đều tăng khá mạnh và thanh khoản tốt.
HQC tăng 400 đồng lên 8.300 đồng/CP và khớp 6,68 triệu đơn vị. OGC và ITA khớp lần lượt 3,8 triệu và 4,2 triệu đơn vị.
Riêng FLC vẫn lình xình quanh tham chiếu và khớp trên 8,87 triệu đơn vị.
Trên HNX, SCR và VCG là 2 mã bất động sản nổi bật nhất khi tăng mạnh lần lượt 600 đồng và 1.000 đồng. SCR khớp tới 8,6 triệu đơn vị, còn VCG khớp 3,6 triệu đơn vị. Nhiều mã trong nhóm HNX30 tăng điểm, giúp HNX-Index về gần mốc tham chiếu. Mã AAA có phiên giao dịch đột biến trên 3 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng mạnh 1.200 đồng lên 17.900 đồng/CP.
Ngược lại, nhóm dầu khí đa phần vẫn giảm điểm, ngoại trừ PLC với việc Tổng công ty Xây lắp dầu khí thoái vốn, đã tăng mạnh 1.800 đồng lên 35.300 đồng/CP.
Mã KLF giảm 100 đồng xuống 13.700 đồng và khớp 6,1 triệu đơn vị.