Trong phiên ngày hôm qua, tâm lý thận trọng cao độ sớm xuất hiện, dòng tiền vào thị trường hết sức dè dặt, trong khi áp lực bán luôn trực chờ khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ.
Càng về cuối phiên, lực cầu hoạt động giao dịch trở nên tích cực hơn, thanh khoản theo đó cũng tăng. Dẫu vậy, việc mua vào không thực sự rõ rệt, chủ yếu tập trung vào một số cổ phiếu nên không tạo phục hồi mạnh, qua đó, VN-Index vẫn ghi nhận một phiên giảm về dưới 890 điểm.
Theo nhận định của BVSC thì tương quan cung cầu trên thị trường đang ở vào trạng thái cân bằng sau giai đoạn biến động mạnh.
Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang có sự thận trọng và hạn chế giao dịch trước biến động không rõ ràng về mặt xu hướng. Thị trường đang có dấu hiệu bước vào nhịp biến động tích lũy sau khi hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ 855-865 điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 9/1, VN-Index tăng khá mạnh, vọt lên trên 890 điểm từ sớm. Dòng tiền đổ vào thị trường có dấu hiệu cải thiện, tuy nhiên do sự thận trọng còn ở mức cao, khiến chỉ số rung lắc khá mạnh trên vùng giá cao này, trước khi bật mạnh và tiến đến thử thách ngưỡng 895 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Điểm sáng trong phiên sáng nay chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi đồng loạt tăng khá mạnh, trong đó, BID và MBB tăng hơn 2%, TCB và CTG tăng hơn 3,3%, nhóm VPB, HDB, STB, tăng hơn 1,5%, và đặc biệt là TPB khi + gần 5%.
Ngoài ra thì một số bluechip khác cũng đang có đà tăng tốt hỗ trợ thị trường là VNM, GAS, PLX, MSN, VRE, HPG…
Ngược lại thì bộ đôi cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC và VHM lại đang tỏ ra thiếu tích cực, khi giao dịch dưới tham chiếu, là lực cản đối với đà đi lên của chỉ số.
Cổ phiếu đáng chú ý NVL hiện vẫn giảm mạnh xuống gần mức giá sàn, mặc dù có thông tin một lãnh đạo của UBND TP.HCM cho biết sau một ngày rà soát, Sở Tài nguyên Môi trường đã báo cáo nhanh "hiện không có cơ sở pháp lý nào quy định việc ngưng các giao dịch của người dân tại 7 dự án bị tạm dừng chuyển mục đích sử dụng của NVL .
Do vậy, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo sở này gỡ bỏ "chủ trương", để người dân thực hiện các giao dịch cấp sổ, chuyển nhượng, thế chấp... bình thường.
Sau khi chinh phục thành công ngưỡng 895 điểm, chỉ số VN-Index tiếp tục đi lên, nhưng đà tăng sau đó bị chững lại do các bluechip không duy trì được phong độ. Dù vậy, đây vẫn là một phiên sáng khá tích cực trong thời gian gần đây, khi thanh khoản đã trở lại mạnh mẽ và dòng tiền lan tỏa khá đều.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 175 mã tăng và 77 mã giảm, VN-Index tăng 9,35 điểm (+1,05%), lên 896,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 95 triệu đơn vị, giá trị 1.683,38 tỷ đồng, tăng 96% về khối lượng và 85% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19 triệu đơn vị, giá trị 402,2 tỷ đồng.
Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực lớn dẫn dắt thị trường, với VCB +1,6% lên 55.900 đồng; BID +2,8% lên 32.900 đồng; TCB +3,2% lên 25.900 đồng; CTG +2,8% lên 18.400 đồng; VPB +1,3% lên 19.400 đồng; MBB +3,2% lên 19.450 đồng; HDB +1,8% lên 29.000 đồng; EIB +2,5% lên 14.350 đồng; TPB +4,1% lên 20.500 đồng.
Bên cạnh nhóm ngân hàng, khá nhiều bluechip khác cũng đồng loạt tăng khá mạnh như VRE +5,1% lên 29.000 đồng; HPG +3% lên 29.700 đồng; PLX +2% lên 55.200 đồng; GAS +1,8% lên 89.900 đồng; VNM +1,5% lên 132.000 đồng; cùng sắc xanh tại MSN, MWG, FPT, PNJ, CTG, REE…
2 mã vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC và VHM đã hãm được đà giảm. Kết phiên VIC chỉ mất 0,3% xuống 100.700 đồng, trong khi VHM còn đảo chiều từ sắc đỏ, chốt phiên tăng 0,13% lên 74.300 đồng.
Ngược lại, giảm đáng kể như ROS -2,4% xuống 35.050 đồng, và NVL -2,6% xuống 56.200 đồng, tuy nhiên đây có lẽ là tín hiệu đáng mừng hơn đối với NVL, khi mã này ở mức giá sàn trong phần lớn thời gian giao dịch.
Về thanh khoản, khớp lệnh cao nhất là CTG với hơn 3,8 triệu đơn vị; MBB có 3,63 triệu đơn vị; HSG có 1,9 triệu đơn vị và tăng mạnh 4,8% lên 6.750 đồng; ROS có 1,85 triệu đơn vị, STB có 1,8 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu thị trường đáng chú ý trên bảng điện tử là diễn biến trái ngược của 2 mã thanh khoản tốt là DLG và IDI.
Trong khi IDI tiếp tục có thêm một phiên tăng kịch trần +7% lên 7.600 đồng, khớp hơn 1,79 triệu đơn vị và trắng bên bán, thì DLG lại giảm 2,7%, thậm chí có lúc giảm sàn, khớp lệnh cao nhất HOSE với 8,42 triệu đơn vị.
Một cổ phiếu khác thu hút nhà đầu tư là SRC, sau liên tiếp 5 phiên tăng mạnh gần đây, trong đó có 1 phiên tăng trần hôm qua với thanh khoản được cải thiên đáng kể qua từng phiên thì sáng nay cổ phiếu này vẫn duy trì được sắc tím +6,9% lên 17.700 đồng, khớp lệnh có hơn 253.000 đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến tích cực chung của thị trường cũng đã kéo chỉ số HNX-Index xanh từ sớm và duy trì đà đi lên trong suốt phiên.
Đa số các mã lớn đều tăng như ACB +1,4% lên 28.900 đồng; SHB +1,4% lên 7.100 đồng; NVB +1,2% lên 8.400 đồng; SHS +0,8% lên 12.500 đồng; PVS +2,8% lên 18.400 đồng; VCS +0,2% lên 65.900 đồng; CEO +2,4% lên 13.000 đồng; HUT +2,6% lên 3.900 đồng…
Đáng tiếc là các mã VCG, VGC, MBS, ART, VC3 lại chỉ có thể đứng ở mức giá tham chiếu.
Khớp lệnh tốt nhất sàn là PVS với hơn 3,16 triệu đơn vị; SHB có 2,8 triệu đơn vị; ART có 1,48 triệu đơn vị; VCG có 1,34 triệu đơn vị; ACB có 1,27 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 50 mã tăng và 31 mã giảm, HNX-Index tăng 0,88 điểm (+0,87%), lên 102,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,64 triệu đơn vị, giá trị 219,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,22 triệu đơn vị, giá trị 20,8 tỷ đồng.
Trên UpCoM, diễn biến tương tự như 2 sàn chính, khi chỉ số UpCoM-Index cũng bật tăng từ sớm và kết phiên tại sát mức giá cao nhất đạt được.
Nhóm cổ phiếu lớn tăng tốt hỗ trợ có HVN, BSR, VEA, VGT, LPB, NTC, OIL, ACV, DVN, VGI, KOS, VTP…trong khi giảm điểm chỉ còn VIB, LTG, MCH là đáng kể.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,72%), lên 52,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,62 triệu đơn vị, giá trị 90,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 0,2 triệu đơn vị, giá trị 10,2 tỷ đồng.