Nhiều kỳ vọng vào chứng khoán tháng 1

(ĐTCK) Chứng khoán trong nước “mở hàng” năm 2019 được 4 phiên thì có 2 phiên giảm mạnh và hai phiên hồi phục nhẹ.
Nhiều kỳ vọng vào chứng khoán tháng 1

Chỉ số VN-Index có lúc phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 884 điểm đã được thử thách 3 lần trong năm 2018. Điều gì có thể hy vọng thị trường ngừng giảm trong tháng 1 và có sự phục hồi?

Năm 2018 là một năm đầy khó khăn với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khi hầu hết các quỹ đầu tư cổ phiếu đều tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) âm. Diễn biến những phiên đầu năm 2019 khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại một kịch bản kém tích cực tiếp tục xảy ra trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn sâu vào thị trường, có thể thấy nhiều hy vọng cho đà khởi sắc của chỉ số chứng khoán trong tháng đầu năm.

Biểu đồ VN-Index (chart ngày). 

Xét theo tính chu kỳ, thị trường chứng khoán trong nước thường tăng vào tháng 1. Thống kê diễn biến thị trường chứng khoán trong 8 năm gần đây, có thể thấy, có tới 7 năm chỉ số VN-Index tăng trong giai đoạn này. Chứng khoán thế giới cũng đi theo quy luật này.

Đây là một điều rất đáng chú ý, xuất phát từ tâm lý khởi đầu một năm mới, ai cũng muốn “đầu xuôi đuôi lọt”. Hơn nữa, đầu năm là thời điểm các công ty công bố các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh cho cả năm tới và các chỉ tiêu kế hoạch thường phải cao hơn cùng kỳ năm trước khiến cho tâm lý thị trường hưng phấn hơn.

Năm 2019 được dự báo là một năm khó khăn của kinh tế toàn cầu với sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và chững lại của kinh tế Mỹ. Đây là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chính vì vậy, một kế hoạch kinh doanh thận trọng sẽ là hợp lý với các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ khó khăn hơn khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết tín dụng vào thị trường này và sức ép cạnh tranh trên thị trường cũng gia tăng. Nhưng khó khăn rất có thể sẽ là động lực để các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. 

 Biểu đồ kỹ thuật cổ phiếu GAS.

Tháng 1 cũng là mùa báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm trước của các doanh nghiệp. Với mức tăng trưởng GDP quý IV/2018 đạt 7,31%, giúp GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,69%, nhiều doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nhóm ngân hàng, bất động sản, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh vượt trội.

 Biểu đồ cổ phiếu VHM.

Khi kết quả kinh doanh tốt, định giá chứng khoán đã về mức hấp dẫn, dòng tiền trung và dài hạn sẽ nhập cuộc. Đây có thể là một trong những yếu tố then chốt giúp thị trường ổn định và kỳ vọng phục hồi.

Từ thời điểm cuối năm 2018, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng tăng lên đáng kể, nhưng hy vọng đây chỉ là động thái nhằm hấp dẫn tiền gửi để đảm bảo nhu cầu vốn gia tăng đột biến vào dịp cuối năm và cục bộ ở một số ngân hàng.

Điều kiện cần để thị trường chứng khoán tăng trưởng và ổn định là lãi suất phải ổn định. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang bất ổn mà lãi suất tiết kiệm tăng, dòng tiền chuyển sang kênh đầu tư an toàn và ổn định hơn là tiết kiệm ngân hàng rất có khả năng xảy ra.

 Một số chỉ báo kỹ thuật của các cổ phiếu lớn.

Với thị trường chứng khoán, yếu tố dòng tiền rất quan trọng, khi dòng tiền thêm mới chưa có mà dòng tiền cũ bị san sẻ qua các kênh đầu tư khác thì thị trường sẽ gặp khó.

Tuy nhiên, đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã công bố định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2019. Theo đó, cơ quan sẽ tiếp tục kiểm soát lạm phát dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 14% như năm 2018.

Một điều có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán sớm ổn định trở lại là khối ngoại đã quay trở lại mua ròng 7 phiên liên tiếp từ cuối năm 2018 cho đến phiên ngày 3/1/2019 và chỉ bán ròng nhẹ trong phiên 4/1/2019.

Thống kê diễn biến thị trường 8 năm gần đây, có tới 7 năm chỉ số VN-Index tăng   

Đặc biệt, gần đây, khối ngoại đã mua ròng trở lại HPG giúp cổ phiếu này không tiếp tục giảm và có thể tạo đáy quanh mốc 29.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu trước khi có báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2018. (Trước đó, HPG đã bị khối ngoại bán ra liên tục, khiến thị giá rơi một mạch từ 42.000 đồng/cổ phiếu về 28.000 đồng/cổ phiếu trong hơn 2 tháng qua). Hy vọng, trong tháng 1, khối ngoại sẽ trở lại mua ròng mạnh mẽ hơn.

Thông thường, khi khối ngoại mua ròng 3 - 4 tuần liên tiếp, thị trường sẽ tạo đáy. Với việc VN-Index giảm mạnh về mốc 880 điểm, rất nhiều cổ phiếu đã về vùng định giá tương đối hấp dẫn và những nhà đầu tư trung và dài hạn sẽ giải ngân mạnh ở vùng này. Khối nhà đầu tư nước ngoài có tầm nhìn sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Xét về các yếu tố bên ngoài, thông điệp mới nhất của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rằng Ngân hàng Trung ương nước này sẽ kiên nhẫn và linh hoạt hơn trong điều hành lãi suất đã giúp Phố Wall tăng điểm mạnh trở lại. Nếu Fed giảm bớt số lần tăng lãi suất trong năm 2019 thì dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại các thị trường mới nổi và Việt Nam là một trong các thị trường còn hấp dẫn.

Năm 2018 có thể nói là năm thị trường chứng khoán toàn cầu và thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, bên cạnh việc Fed tăng lãi suất 4 lần trong năm. Nhưng các động thái gần đây cho thấy cả Trung Quốc và Mỹ đã có những nhượng bộ nhất định. Nếu thị trường chứng khoán toàn cầu tăng trở lại chắc chắc giúp thị trường trong nước hồi phục.

Kịch bản lạc quan nhất là VN-Index hồi phục trong tháng 1 lên vùng 920 điểm với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và bất động sản. Kịch bản tệ hơn là VN-Index tiếp tục điều chỉnh về mốc 850 điểm, sau đó sẽ có nhịp hồi phục.

Việt Hùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục