Doanh nghiệp niêm yết vào cuộc thực thi kế hoạch 2019

(ĐTCK) Với các doanh nghiệp niêm yết, chu kỳ mới năm 2019 đã bắt đầu với những thử thác và cơ hội đan xen. Một số doanh nghiệp ước thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2018 ở mức cao, nhưng vẫn thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2019.
AAA đặt mục tiêu đạt 510 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2019, tăng 150% so với ước tính năm 2018. AAA đặt mục tiêu đạt 510 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2019, tăng 150% so với ước tính năm 2018.

Tự tin với mục tiêu tăng trưởng

CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn (GMC) cho biết, trong năm 2019, Công ty sẽ nỗ lực duy trì doanh thu ở mức tối thiểu 2.000 tỷ đồng, tương đương với năm 2018 và lợi nhuận phấn đấu tăng trưởng khoảng 10% so với kế hoạch năm 2018.

Cũng theo lãnh đạo GMC, với đặc thù kinh doanh, nguồn thu của GMC chủ yếu đến từ xuất khẩu. Hiện các khách hàng xuất khẩu của Công ty đã có kế hoạch đặt may với sản lượng tăng thêm 20-30% cho năm 2019. Ngay cả những tháng thấp điểm năm sau cũng đã nhận đơn hàng gia công để hoạt động gần như hết công suất.

Theo đánh giá của GMC, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ làm dịch chuyển đầu tư trong ngành dệt may Việt Nam và đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp. Trên thực tế, Mỹ là thị trường xuất khẩu truyền thống của GMC, nên đây là cơ hội để GMC gia tăng hoạt động xuất khẩu trong năm 2019.

CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát (AAA) vừa lên kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu doanh thu đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 12% so với ước tính của năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế phấn đấu đạt 510 tỷ đồng, tăng tới 150% so với năm 2018.

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HÐQT AAA chia sẻ, năm 2019 sẽ đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho AAA. Cụ thể, diễn biến khó dự đoán của giá dầu đòi hỏi Công ty phải mở rộng hệ thống nhà cung cấp để tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu giá rẻ. Ðồng thời, tiếp tục áp dụng chính sách ký các đơn hàng ngắn hạn để giảm thiểu rủi ro biến động giá nguyên vật liệu.

Cũng theo đại diện AAA, bên cạnh những khó khăn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo cơ hội cho AAA đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cũng như sự chuyển dịch của các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2019, lãnh đạo AAA cho biết, Công ty sẽ tập trung tăng trưởng mạnh chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế từ việc cải thiện biên lợi nhuận và tái cơ cấu các danh mục sản phẩm của AAA, cụ thể là đẩy mạnh khai thác Khu công nghiệp kỹ thuật cao Anphat Complex, cải thiện hoạt động thương mại của An Thành Biscol và dự án bao bì công nghiệp An Vinh, mảng nhựa kỹ thuật An Trung...

CTCP Nafoods Group (NAF) cũng vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu 892 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 81 tỷ đồng, đều tăng trưởng  so với năm 2018. Ðể thuận tiện hơn cho hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy danh số bán hàng, cũng như tiếp cận với thị trường mới, NAF dự kiến sẽ mở văn phòng đại diện thương mại tại nước ngoài trong năm 2019.

Bên cạnh đó, HÐQT NAF cũng thông qua phương hoán đổi cổ phần thành phương án mua lại cổ phần của các cổ đông nhỏ lẻ tại CTCP Chanh leo Nafoods, CTCP Nafoods Tây Nguyên và CTCP Nafoods miền Nam để tăng sở hữu lên tại các công ty này lên 99,8%. 

Nhiều doanh nghiệp thận trọng với kế hoạch 2019

Với các doanh nghiệp thủy sản, sau một năm 2018 nhiều khởi sắc, việc duy trì "phong độ" trong năm 2019 cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HÐQT CTCP Tập đoàn Sao Mai An Giang (ASM) cho biết, năm 2018 là năm thành công ngoài mong đợi khi lợi nhuận cả năm ước vượt xa với kế hoạch đề ra. Ðược biết, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2018 của ASM đã đạt trên 1.100 tỷ đồng, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm 2017 và vượt 25% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Nhìn nhận về bức tranh ngành thủy sản năm 2019, ông Thuấn cho biết, bên cạnh cơ hội là không ít thách thức, khi hoạt động của ngành thủy sản nói chung, của ASM nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ tình hình địa chính trị thế giới, các chương trình thanh tra cá da trơn, thuế chống bán phá giá tôm, cá của của Mỹ, rào cản thương mại của EU, đến những vấn đề nội tại của ngành như dư lượng kháng sinh, giá thành nguyên liệu đầu vào cao...

Cũng theo ông Thuấn, nguồn thu của ASM chủ yếu đến từ hoạt động nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, bột mỡ cá, thức ăn cho cá và bất động sản, du lịch, nên Công ty sẽ cân đối các mảng hoạt động để có thể bổ trợ cho nhau tùy từng thời điểm.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên nuôi trồng, xuất khẩu cá tra cho hay, tuy đạt hiệu quả cao trong năm 2018, nhưng sang năm 2019, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Trước mắt là nguồn nguyên liệu cá tra nhập khẩu vào thị trường lớn nhất là Trung Quốc có xu hướng giảm, trong khi nước này bắt đầu áp dụng chiến lược nuôi cá tra nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu cá tra nguyên liệu cung ứng cho thị trường trong nước.

Ðể có thể tăng năng lực cạnh tranh trước các đối thủ trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp Việt cần thay đổi kế hoạch sản xuất, tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cá tra. Do đó, việc các doanh nghiệp trong ngành cá tra thận trọng khi đặt mục tiêu kinh doanh năm 2019 là điều dễ hiểu.

Ðối với doanh nghiệp ngành điện, năm 2018 cũng là một năm thuận lợi khi đa phần doanh nghiệp đều hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra, trong đó không ít đã về đích sớm.

Chẳng hạn, tại CTCP Nhiệt Ðiện Phả Lại (PPC), lợi nhuận sau thuế năm 2018 của PPC ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2017 và vượt hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tuy vậy, đại diện PPC cho biết, Công ty đang cân nhắc kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mức lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 600 tỷ đồng, tương đương với mức kế hoạch năm 2018 và thấp hơn đáng kể so với con số ước thực hiện năm 2018.

Theo PPC, năm 2019, bên cạnh nguồn thu từ hoạt động sản xuất điện, Công ty còn ghi nhận các nguồn từ thặng dư vốn cổ phần. Bên cạnh đó, với khoản dư nợ vay bằng JPY hơn 2,5 tỷ JPY, PPC dự kiến sẽ thanh toán trước thời điểm tháng 10/2019, nên tỷ giá không còn là nỗi lo trong thời gian tới.

Cũng theo PPC, nhu cầu tiêu thụ điện trong nước được dự báo tăng trưởng ở mức 10%/năm giai đoạn 2018-2020. Trong khi đó, rất ít nhà máy điện mới được đưa vào hoạt động trong giai đoạn này, khiến dự phòng điện giảm về mức thấp. Do đó, các nhà máy điện sẽ tiếp tục được huy động với cường độ cao trong các năm tới để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện ngày một tăng.

Ngoài ra, giá điện bán lẻ được dự báo sẽ vẫn trong xu hướng tăng và thị trường bán buôn điện chính thức vận hành kể từ năm 2019 cũng là điều kiện để các nhà máy phát điện có thể điều chỉnh tăng giá bán điện, qua đó phản ánh chính xác hơn chi phí sản xuất và cung cầu điện trên thị trường. 

Kỳ vọng từ các FTA

Báo cáo phân tích về triển vọng thị trường năm 2019, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, bức tranh thương mại toàn cầu năm 2019 đan xen giữa những gam màu sáng tối, với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại.

Ở chiều đối lập, điểm tích cực là sẽ có nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết và có hiệu lực. Nhờ vậy, Việt Nam có thể giành thị phần từ các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Lý do bởi Việt Nam có lợi thế chi phí nhân công rẻ, môi trường chính trị ổn định và chính sách thương mại mở, điều này có thể sẽ kéo dài làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam trong năm 2019.

Bên cạnh đó, VDSC kỳ vọng, với những hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực trong năm 2019 như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa Asian (ATIGA), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...,

Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Á, châu Âu, cũng như nhiều thị trường phát triển khác. Mặt khác, thuế nhập khẩu giữa các quốc gia tham gia hiệp định cũng sẽ giảm dần, giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng có thể chậm lại sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, sự cạnh tranh gia tăng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp năng động hơn để có thể tiếp tục phát triển.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ và môi trường cạnh tranh ngày một gay gắt, theo VDSC, chỉ những doanh nghiệp có nền tảng tài chính, tập trung mở rộng mạng lưới, tăng cường đầu tư vào công nghệ cao mới... có thể gặt hái được thành công. Tất nhiên, các công ty đầu ngành sẽ có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.

VDSC nhận định, do đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nên mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp tiêu dùng có thể sẽ thấp dần từ năm 2019, dù vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức hai con số.

Các doanh nghiệp được VDSC đánh giá cao thuộc lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng không thiết yếu, thực phẩm đồ uống (ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có khả năng tăng công suất, phát triển sản phẩm mới) như CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), CTCP Ðầu tư Thế giới di động (MWG), CTCP Tập đoàn Masan (MSN), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB), CTCP Ðường Quảng Ngãi (QNS)...

Ở chiều ngược lại, căng thẳng thương mại cũng như triển vọng tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu khiến VDSC quan ngại đối với các ngành mà Việt Nam không có nhiều lợi thế cạnh tranh như thép hay săm lốp.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục