Phiên sáng 8/2: KLF bị chốt lời, HVG hồi sinh

(ĐTCK) Sau chuỗi 3 phiên tăng trần liên tiếp và ngấp nghé phiên trần thứ 4 sáng nay, KLF đã bị chốt lời mạnh, trong khi nỗ lực bền bỉ để "cứu" HVG  đã thành công, giúp mã này hồi sinh sau 4 phiên giảm sàn liên tiếp.
Phiên sáng 8/2: KLF bị chốt lời, HVG hồi sinh

Sau phiên tăng mạnh ngày giao dịch đầu tiên của năm Đinh Dậu, thị trường đã quay đầu điểm chỉnh và có 2 phiên giảm liên tiếp, tuy nhiên, chỉ số VN-Index vẫn giữ vững mốc 700 điểm.

Sang phiên 7/2, dù có những bước khởi đầu thiếu tích cực khiến thị trường rung lắc nhưng lực cầu trở lại đã giúp VN-Index bật tăng mạnh về cuối phiên sáng cùng thanh khoản tăng vọt. Đà tăng có phần chùng xuống trong phiên chiều do áp lực chốt lời đã trở lại tại một số mã bluechip có tính dẫn dắt.

Với diễn biến sôi động của dòng tiền trong phiên hôm qua khiến nhiều công ty chứng khoán đã nhận định nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên 8/2. Tuy nhiên, đà tăng dần thu hẹp trong phiên chiều qua với diễn biến biến khá giằng co cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đang phân vân trước xu hướng tăng trong ngắn hạn của thị trường.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (8/2), dù đà tăng tiếp tục được duy trì nhưng tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến dòng tiền tham gia hạn chế, biên độ tăng khá hẹp.

Nhóm cổ phiếu bluechip phân hóa nhẹ và không hỗ trợ nhiều cho thị trường, trong đó, một số trụ cột như VIC, BID, GAS, MSN, CTG… quay đầu giảm điểm trong đợt khớp kệnh liên tục khiến chỉ số VN-Index có thời điểm quay đầu giảm điểm.

Mặc dù thị trường nhanh chóng hồi phục trở lại nhưng biên độ tăng khá hẹp khiến nhà đầu tư chưa mấy yên tâm. Các cổ phiếu lớn không mấy phát huy tác dụng khi hầu hết đều biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Trong khi đó, thị trường vẫn nổi lên những điểm nóng. Điển hình VHG, sau chuỗi ngày giảm sâu đã từng bước hồi phục nhẹ trong 4 phiên liên tiếp vừa qua và chính thức khoác áo tím ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay nhờ lực cầu gia tăng mạnh.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, VHG tăng 6,6% lên mức giá 2.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thành công 1,13 triệu đơn vị và dư mua trần 1,24 triệu đơn vị.

Hay CDO, sau 34 phiên giảm sàn liên tiếp đã đảo chiều tăng trần. Ghi nhận phiên tăng trần thứ 7, CDO hiện đang đứng giá 4.930 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 0,64 triệu đơn vị và dư mua trần 1,67 triệu đơn vị.

Thiếu sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip, đặc biệt là các mã ngân hàng khiến thị trường giao dịch thiếu tích cực trong phiên 8/2. Chỉ số VN-Index rung lắc nhẹ và liên tục đổi màu.

Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,01%) đứng tại mức 701,85 điểm, với tổng khối lượng giao dịch đạt 93,36 triệu đơn vị, giá trị 1.467,37 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 20,19 triệu đơn vị, giá trị 218,26 tỷ đồng.

VN30-Index giảm 0,18 điểm (-0,03%) xuống 656,3 điểm khi có 12 mã tăng, 16 mã giảm và 2 mã đứng giá.

Các mã bluechip tăng điểm như VNM, FPT, HSG, MBB, KDC… đều biến động khá hẹp với mức tăng chưa tới 500 đồng, đã không hỗ trợ nhiều cho đà hồi phục của thị trường khiến chỉ số VN-Index có những nhịp rung lắc.

Trong khi đó, các trụ cột như VIC, GAS, MSN không thoát khỏi mức giá đỏ. Đặc biệt, các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng giao dịch thiếu tích cực, là một trong những tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống.

Cụ thể, BID giảm 0,88% chốt tại mức 16.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị; CTG giảm 0,28% chốt tại mức 18.100 đồng/CP và khớp 1,1 triệu đơn vị; STB giảm hơn 0,7% chốt tại mức 9.800 đồng/CP và khớp 1,86 triệu đơn vị. Một trong những cổ phiếu lớn đầu ngành là VCB đi ngang, thậm chí có thời điểm lùi về dưới mốc tham chiếu.

Cặp đôi cổ phiếu lớn ngành bia SAB và BHN cũng rung lắc khá mạnh và chốt phiên trái ngược nhau. Trong khi BHN đảo chiều thành công sau 4 phiên giảm liên tiếp, với mức tăng 1,7% lên mức giá 119.000 đồng/CP và khớp 18.790 đơn vị thì SAB thất bại về cuối phiên khi giảm 0,5% đứng tại mức 215.000 đồng/CP và khớp 18.870 đơn vị.

Trong khi các cổ phiếu lớn giao dịch thiếu tích cực thì dòng tiền đầu cơ vẫn chảy khá mạnh, giúp nhiều mã vừa và nhỏ khởi sắc và tăng trần như VHG, VID, UDC, MCG, CDO, ATG…

FLC vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn với 7,73 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Tiếp đó, các mã đầu cơ như HAG khớp 3,85 triệu đơn vị, HQC khớp 3,2 triệu đơn vị, ITA khớp 2,57 triệu đơn vị, KBC khớp 2,39 triệu đơn vị…

Thông tin điều chỉnh lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ từ mức lãi hơn 300 tỷ đồng thành lỗ gần 50 tỷ đồng sau kiểm toán khiến HVG liên tiếp giảm sàn 4 phiên. Tuy nhiên, đột biến đã xẩy ra trong phiên sáng nay khi HVG đảo chiều thành công, thậm chí có thời điểm tăng trần. Chốt phiên, HVG tăng 3,6% lên mức 6.990 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thành công hơn 1,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc xanh chỉ kịp le lói ở giữa phiên nhưng nhanh chóng bị đánh mất do áp lực bán gia tăng. Chỉ số HNX-Index nới rộng đà giảm điểm về cuối phiên, thậm chí có lúc rơi xuống dưới mốc 85 điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 50 mã tăng và 73 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,22%) xuống mức 85,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,16 triệu đơn vị, giá trị 171,32 tỷ đồng; giao dịch thỏa thuận chỉ đạt gần 6 tỷ đồng.

Cổ phiếu trong nhóm ngân hàng ACB cũng không giữ được mốc tham chiếu và quay đầu giảm gần 1% xuống mức 23.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác như PVC, PVS, CEO, PLC… cũng tạo gánh nặng lên thị trường.

Cổ phiếu thị trường KLF có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt hơn 4,4 triệu đơn vị. Diễn biến cổ phiếu KLF rung lắc khá mạnh trong phiên sáng nay. Sau gần nửa phiên tăng nhẹ, KLF quay đầu giảm mạnh và lui về mức giá sàn, tuy nhiên, đà giảm có phần thu hẹp về cuối phiên. Chính thức chia tay sắc tím sau 3 phiên tăng trần liên tiếp, KLF chốt phiên giảm 3,7% đứng tại mức giá 2.600 đồng/CP.

Trên sàn UPCoM

Mặc dù phần lớn thời gian, sàn UPCoM đều giao dịch trong sắc xanh, tuy nhiên, áp lực bán gia tăng cuối phiên đã đẩy thị trường lùi về dưới mốc tham chiếu. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,16%) xuống 54,8 điểm. Thanh khoản trên sàn khá thấp với khối lượng giao dịch chỉ đạt 1,29 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 26,43 tỷ đồng.

Mặc dù các mã lớn như HVN, MCH, MSR đều tăng nhưng đà tăng chưa đủ mạnh để giúp thị trường bảo toàn sắc xanh.

Bộ đôi TIS và TVB có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn, đều đạt hơn 160.000 đơn vị. Tuy nhiên, diễn biến giá 2 mã này trái ngược nhau, trong khi TIS tăng nhẹ 1 bước giá và chốt phiên tại mức 9.400 đồng/CP thì TVB lùi về mức giá thấp nhất ngày 19.100 đồng/CP, giảm hơn 9,9%.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục