Sau chuỗi ngày phục hồi khá tốt trong tháng 8, thị trường đã đối mặt với áp lực bán khá lớn ngay trong phiên đầu tiên của tháng 9 khiến Vn-Index đón nhận phiên giảm điểm. Trong đó, sức ép lớn đến từ các cổ phiếu bluechip là tác nhân chính khiến thị trường suy giảm và dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Bên cạnh đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng tác động khá lớn đến thị trường khi các phiên bán ròng mạnh liên tiếp diễn ra và tháng 8 cũng ghi nhận là tháng bán ròng kỷ lục nhất của khối này kể từ đầu năm, giá trị bán ròng lên tới 74,5 triệu USD. Một thông tin thiếu tích cực nữa là theo Blooomberg, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài dường như đang giảm xuống, lần đầu tiên sau 10 năm khối này bán ròng chứng khoán Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, việc các quỹ ETF thực hiện cơ cấu danh mục định kỳ với dự báo sẽ bán ra nhiều cổ phiếu lớn khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích Khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt, cho biết, lần cơ cấu tháng 9 này khá đặc biệt khi mà VNM dự kiến sẽ được bổ sung vào rổ ETF với tỷ trọng lớn nhất và sẽ gây biến động mạnh về tỷ trọng với những cổ phiếu đang có trong rổ. Do đó, sự giằng co và biến động của VN-Index, do sự chi phối bởi hoạt động mua, bán các cổ phiếu này, có thể sẽ có biên độ lớn hơn những kỳ cơ cấu trước đó.
Bước vào phiên giao dịch sáng 5/9, dòng tiền vẫn chưa mấy nhập cuộc bởi dư âm của kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh, tuy nhiên, lực đỡ từ một số mã lớn như MSN, VNM, FPT, KDC đã giúp thị trường có được sắc xanh nhạt khi mở cửa.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng nhẹ 0,11 điểm (-0,02%) đứng ở mức 669,3 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,47 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 86,14 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, trong khi lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng thì áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến đà giảm của các mã nới rộng, một số mã lớn như VNM, FPT, GAS đảo chiều giảm điểm, khiến thị trường chuyển sang sắc đỏ, chỉ số Vn-Index giảm sâu, rơi xuống dưới ngưỡng 655 điểm.
Đáng chú ý nhóm cổ phiếu ngân hàng đang bị chốt lời mạnh, tiêu biểu, cổ phiếu đầu ngành VCB từ mốc tham chiếu tới xuống mức 50.500 đồng/CP, giảm 3,8%; BID giảm 1,22%, CTG giảm 0,58%.
Trong khi đó, MSN cùng các cổ phiếu ngành thép vẫn đóng vai trò hỗ trợ tốt cho thị trường. Đáng chú ý, HSG sau thông tin được thêm vào rổ danh mục cơ cấu trong kỳ này của quỹ ETFs đã tăng khá mạnh ngay từ đầu phiên. Sau hơn 1 giờ, HSG đang tăng 800 đồng (+1,82%) và khớp gần 2 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.
Trên sàn HNX, “ngôi sao” PVX tiếp tục tỏa sáng khi dòng tiền ồ ạt đổ vào giúp sắc tím được củng cố. Hiện PVX tăng 9,09% lên mức giá trần 2.400 đồng/Cp với khối lượng khớp hơn 5 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường và dư mua trần 1,13 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 4,55 điểm (-0,68%) xuống 664,64 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 59,63 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.553,15 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,28 triệu đơn vị, trị giá 81,36 tỷ đồng. Vn30-Index giảm 2,78 điểm (-0,42%) xuống 656,31 điểm với 8 mã tăng, 3 mã đứng giá và có tới 19 mã giảm.
Trên sàn HNX, bên cạnh những điểm nhấn từ nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ như KLF, PVX, lực đỡ từ một số cổ phiếu lớn như PVS, DBC, VCG đã giúp thị trường hồi xanh về cuối phiên.
Với mức tăng 0,19 điểm (+0,23%), HNX-Index đứng ở mức 84,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,36 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 248,52 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,76 điểm (+0,5%) lên 154,12 điểm với 8 mã tăng, 9 mã đứng giá và 13 mã giảm giá.
Diễn biến 2 mã HSG và VNM vẫn trái chiều nhau, trong khi HSG duy trì đà tăng tích cực 1.000 đồng (+2,27%) lên 45.000 đồng/CP và khớp 3,26 triệu đơn vị thì VNM tiếp tục giảm điểm, tuy nhiên, đà giảm đã hãm khá mạnh, với mức giảm 1.000 đồng (-0,65%) xuống 153.000 đồng/CP và khớp 2,52 triệu đơn vị.
Trong khi đó, VCB vẫn giảm mạnh 1.500 đồng (-2,86%) xuống 51.000 đồng/CP nhưng lực cầu hấp thụ khá tích cực với khối lượng khớp lệnh đạt 3,14 triệu đơn vị.
Điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ với nhiều mã tăng ấn tượng. Cụ thể, sau diễn biến giằng co dưới mốc tham chiếu, lực cầu tăng mạnh giúp FLC tăng hết biên độ 5,66% lên mức giá trần 5.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn đạt 5,15 triệu đơn vị.
Cổ phiếu mới chào sàn trước dịp nghỉ lễ Quốc Khánh và có liên quan đến Chủ tịch HĐQT FLC – ông Trịnh Văn Quyết cũng có được sắc tím. Với mức tăng 6,3% lên 13.400 đồng/CP, ROS đứng ở mức giá 13.400 đồng/CP và khớp 0,34 triệu đơn vị, ghi nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp.
Trên sàn HNX, bên cạnh “ngôi sao” PVX, thị trường còn đón nhận điểm sáng trong nhóm cổ phiếu đầu cơ là KLF. Chốt phiên, KLF tăng 9,5% lên mức giá trần 2.300 đồng/CP và khớp gần 1,3 triệu đơn vị; trong khi đó, PVX giữ giá trần 2.400 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu đạt 5,16 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.