Phiên sáng 5/11: OGC tiếp tục nổi sóng, VN-Index điều chỉnh vì cổ phiếu lớn

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn khiến thị trường không thể giữ được sắc xanh, trong khi OGC tiếp tục nổi sóng, dù thanh khoản không còn lớn như phiên đột biến trước đó.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Mặc dù vẫn còn những nhịp rung lắc nhưng thị trường đã lấy lại đà tăng điểm trong tuần qua sau 4 tuần liên tiếp giảm sâu.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường hiện vẫn diễn biến khá khó lường,

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDirect cho rằng, trong bối cảnh này, chiến thuật hợp lý nhất là phòng thủ hơn là mạo hiểm kiếm lợi nhuận, bởi rủi ro thua lỗ sẽ cao hơn khả năng kiếm lợi nhuận khá mỏng ở giai đoạn này. Điều này đồng nghĩa với việc nên dự phòng nhiều tiền mặt và sở hữu tỷ trọng thấp cổ phiếu và cổ phiếu nắm giữ nên thiên về các cổ phiếu cơ bản có tính phòng thủ cao.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, cùng với sự đảo chiều sụt giảm mạnh của chứng khoán châu Á, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trở lại tâm lý thận trọng sau 1 tuần khá hứng khởi. 

Chỉ số VN-Index nhanh chóng bị đẩy xuống dưới mốc 920 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Sau đó, dù lực cầu gia tăng đã giúp thị trường lấy lại thăng bằng và le lói sắc xanh sau hơn 30 phút giao dịch, nhưng áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn đã nhanh chóng nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, trong nhóm VN30 chỉ còn 3 mã tăng nhẹ và trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất chỉ còn duy nhất VHM xanh nhạt, đây là những tác nhân chính khiến VN-Index đi xuống.

Trong khi các mã lớn đa số chìm trong sắc đỏ, thì một số mã nhỏ lại có giao dịch tích cực. Đặc biệt, sau phiên giao dịch đột biến cuối tuần trước, OGC tiếp tục duy trì sắc tím trong phiên sáng nay lên 3.010 điểm với hơn 5 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE và còn dư mua trần.

Cũng có mức tăng tốt với giao dịch sôi động là FIT, HNG, HAG, HHS, JVC... Trong khi tân binh FIR tiếp tục có phiên tăng trần thứ 13 liên tiếp kể từ ngày chào sàn lên 32.150 đồng.

Lực bán tiếp tục gia tăng về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, các chỉ số lần lượt bị đẩy lùi sâu hơn.

Chốt phiên sáng 5/11, sàn HOSE có 154 mã giảm và 102 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 7,7 điểm (-0,83%) xuống 917,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,88 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị gần 1.703 tỷ đồng, giảm 42,12% về lượng và 25,77% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,85 triệu đơn vị, giá trị 371,78 tỷ đồng.

Tương tự, sàn HNX có 59 mã giảm và 39 mã tăng, HNX-Index giảm 1,39 điểm (-1,31%) xuống 104,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,82 triệu đơn vị, giá trị 231,67 tỷ đồng, giảm 12% về lượng nhưng tăng nhẹ 1,48% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 2/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 4,17 triệu đơn vị, giá trị 41,77 tỷ đồng, trong đó NVB thỏa thuận 3,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 33 tỷ đồng.

Dòng bank sau tuần giao dịch khởi sắc đã trở lại điều chỉnh khi hầu hết đều đứng dưới mốc tham chiếu như VCB giảm 0,9% xuống 55.700 đồng/CP, CTG giảm 1,3% xuống 23.200 đồng/CP, BID giảm 1,8% xuống 31.850 đồng/CP, STB giảm 1,2% xuống 12.250 đồng/CP, MBB giảm 0,9% xuống 21.600 đồng/CP, HSB giảm 2,5% xuống 32.650 đồng/Cp, hay trên sàn HNX, ACB giảm 2,3% xuống 29.700 đồng/CP, SHB giảm % xuống 1,3% xuống 7.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã vốn hóa lớn giảm khá mạnh như VNM giảm 3% xuống 115.000 đồng/CP, SAB giảm 1,5% xuống 218.700 đồng/CP, GAS giảm 2,4% xuống 100.200 đồng/CP. Ngoài ra, các mã khác như MSN, ROS, NVL, MWG… cũng đều giao dịch trong sắc đỏ.

Trái lại, VIC vẫn giữ được sắc xanh nhạt 0,2% lên 96.200 đồng/CP và “người anh em” VRE tăng 2,9% lên 30.500 đồng/CP. Đáng kể, HSG say 3 phiên liên tiếp giảm sâu đã đảo chiều bật tăng 3,4% lên 8.490 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, OGC và FIT chốt phiên trong sắc tím với lượng dư mua trần khá lớn. Trong đó, OGC tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với 5,64 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã nhỏ khác cũng đi ngược xu hướng thị trường như HNG, HHS, GTN, DLG, ATG…

Trên sàn HNX, bên cạnh cặp đôi cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã lớn cũng giảm khá sâu, tác động xấu tới thị trường như PVI giảm 1,3% xuống 31.400 đồng/CP, PVS giảm 1,6% xuống 18.400 đồng/Cp, NTP giảm 7,7% xuống 40.600 đồng/CP, DGC giảm 1,7% xuống 47.200 đồng/Cp, VCG giảm 0,5% xuống 18.300 đồng/CP…

Top 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm ACB khớp hơn 2 triệu đơn vị, tiếp đó là PVS và SHB cùng khớp hơn 1,6 triệu đơn vị, NVB khớp 1,32 triệu đơn vị, VGC khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Ương tự, trên sàn HNX, sắc tím cũng tô điểm cho những mã tí hon như VIG, ORS, NHP, MEC, LCS, PCN, PCT, VMS…

Không chỉ ở sàn niêm yết, lực bán cũng khiến sàn UPCoM giảm sâu về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,6%) xuống 51,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,47 triệu đơn vị, giá trị 68,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ 2,65 tỷ đồng.

Các cổ phiếu dầu khí giao dịch thiếu tích cực, trong khi POW đứng giá tham chiếu thì BSR và OIL giảm tương ứng 1,85% xuống 15.900 đồng/CP và 2,1% xuống 14.000 đồng/CP. Trong đó, BSR dẫn đầu thanh khoản với chỉ 522.000 đơn vị được giao dịch.

Còn lại các mã trên sàn UPCoM chỉ giao dịch khá thấp. Đứng ở vị trí thứ 2 là MPC với khối lượng giao dịch 255.700 đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như ACV, HVN, VEA, DVN, VOC… đều giảm.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục