Phiên sáng 4/11: Nhà đầu tư giữ tiền mặt, VN-Index chưa thể phục hồi

(ĐTCK) Sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu do tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến nhà đầu tư trong nước cũng tỏ ra rất thận trọng trong phiên giao dịch sáng nay. Đa số chọn cách giữ tiền mặt trong giai đoạn này, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh và VN-Index thiếu động lực để phục hồi.
Phiên sáng 4/11: Nhà đầu tư giữ tiền mặt, VN-Index chưa thể phục hồi

Diễn biến kịch tính từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên thị trường tài chính, cũng như chứng khoán toàn cầu trong những ngày qua. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thề khi có 1 phiên biến động mạnh trong ngày thứ Năm.

Có thời điểm, chỉ số đã test lại ngưỡng hỗ trợ mạnh 660 điểm, trước khi hồi phục trở lại trong ít phút cuối phiên. Mặc dù vậy, nhịp hồi này chỉ giúp VN-Index thu hẹp bớt đà giảm. Thanh khoản trong phiên cũng chưa có sự chuyển biến tích cực.

Với diễn biến trên, cũng như trong các phiên vừa qua, khá nhiều ý kiến cho rằng, rủi ro thị trường đang ở mức cao và các chỉ số có thể còn lùi sâu hơn về các ngưỡng hỗ dưới. Tuy nhiên, cũng không ít nhận định tích cực rằng, thị trường dường như đang giảm quá đà do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, cho nên sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại và dấu hiệu đầu tiên chính là nhịp hồi ở cuối phiên 3/11.

Bước vào phiên giao dịch sáng 4/11, nhịp hồi cuối phiên trước tiếp tục phát huy tác dụng và giúp VN-Index tăng điểm đầu phiên. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng trước những diễn biến khó lường của thị trường tài chính toàn cầu khiến các nhà đầu tư chọn cách giữ tiền mặt là chính, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, áp lực bán vẫn luôn hiện hữu, nhất là tại nhóm cổ phiếu bluechips, nên mỗi khi VN-Index nhích lên, lệnh bán lại được tung vào, kìm hãm đà hồi phục của chỉ số.

Các mã GAS, BID, MSN, PVD, SSI, MBB… giảm điểm từ đầu phiên, trong khi VNM, BVH, VCB, FPT, HPG, HSG… tăng điểm, còn VIC, MWG, REE, DPM… đứng giá tham chiếu. Chính sự không đồng thuận tại nhóm VN30 cũng là một phần nguyên nhân khiến VN-Index đuối sức.

Tình trạng phân hóa cũng diễn ra tương tự ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, khi FLC, HAG, HNG, HQC, HHS… có được sắc xanh, ngược lại sắc đỏ đang bao phủ lên DLG, FIT, ITA, VHG, TCH…

ROS đang chịu áp lực chốt lời mạnh khi đang giảm 3,6% về 90.600 đồng/CP.

Sàn HNX tiếp tục thể hiện sự yếu ớt khi chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa, khi nhóm bluechips trên sàn này đang là gánh nặng với mức giảm khá mạnh. Ngoại trừ sắc xanh ở một vài mã như PGS, VCE, VTV, còn lại đều giảm điểm hoặc đứng giá tham chiếu.

Về thanh khoản, vẫn như những phiên gần đây, dòng tiền vào thị trường rất yếu, nhưng đặc biệt thấp trong phiên sáng nay, khi sau 1,5 giờ giao dịch tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt chỉ nhỉnh hơn 500 tỷ đồng, mức rất thấp trong vòng nhiều năm qua.

Cả thị trường chỉ có 4 mã đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là HKB, FLC, HQC và ITA. Trong đó, HKB đang dẫn đầu thanh khoản với hơn 4 triệu đơn vị được khớp, song mã này tiếp tục giảm sàn về mức 3.600 đồng/CP.

Thị trường vẫn trầm lăng trong thời gian còn lại, song các chỉ số cũng đã thu hẹp bớt đà giảm khi một số mã bluechips có sự hồi nhẹ. Tuy nhiên, thanh khoản trên 2 sàn vẫn ở mức rất thấp, khi tổng giá trị giao dịch chỉ nhỉnh hơn 800 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 4/11, với 108 mã tăng và 107 mã giảm, VN-Index giảm 1,31 điểm (-0,2%) về 666,31 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 40,3 triệu đơn vị, giá trị 697,62 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,2 triệu đơn vị, giá trị gần 43 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 1,25 triệu cổ phiếu DLG, giá trị 6,525 tỷ đồng.

Tương tự, với 51 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index giảm 0, 1 điểm (-0,12%) về 80,56 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 11,5 triệu đơn vị, giá trị 121,4 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,59 tỷ đồng.

Sự hồi phục của 2 vốn hóa lớn MWG và CTG, bên cạnh sự ổn định của VNM, VCB, HPG, HSG, FPT… giúp VN-Index hãm bớt đà giảm. Ngược lại, MSN là tạo sức ì lớn khi giảm mạnh 1,7% về 64.200 đồng/CP.

Khá bất ngờ là thanh khoản của HSG đã vượt lên so với HPG, cũng như các largecap khác với 1,04 triệu đơn vị được khớp.

Tại nhóm đầu cơ, diễn biến cũng thiếu biến chuyển. Thanh khoản tốt vẫn chỉ tập trung tại một số mã như FLC, ITA, HQC, KBC, FIT, GTN. Trong đó, ITA đã quay đầu tăng điểm nhẹ, khớp lệnh 4,77 triệu đơn vị, còn KBC vẫn giảm điểm, khớp lệnh 1 triệu đơn vị.

FLC dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với 5,09 triệu đơn vị được khớp, tăng 0,5% lên 6.660 đồng/CP. Ngược lại, ROS chỉ kịp thoát mức sàn trước giờ nghỉ, giảm 5% về 89.500 đồng/CP và khớp 1,21 triệu đơn vị.

HKB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với, đồng thời cũng là mã duy nhất trên sàn HNX khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, HKB vẫn giảm sàn.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục