Phiên sáng 31/10: Dòng tiền mạnh dạn nhập cuộc, VN-Index trở lại mạnh mẽ

(ĐTCK) Sau chuỗi giảm mạnh liên tiếp, thị trường đã có phiên hồi phục ấn tượng sáng nay nhờ tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa khi chứng khoán toàn cầu khởi sắc.
Phiên sáng 31/10: Dòng tiền mạnh dạn nhập cuộc, VN-Index trở lại mạnh mẽ

Trong phiên hôm qua (30/10), nhờ lượng cung giá thấp tiết giảm, VN-Index có lúc đã hồi phục tốt trở lại, nhưng do lực cầu còn thận trọng, nên chỉ số này không giữ được sắc xanh khi chốt phiên.

Theo VCSC, nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh sẽ có 3 tình huống dành cho nhà đầu tư. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì ở những phiên rớt mạnh có thể bắt đáy những cổ phiếu có sẵn trong danh mục để lướt sóng.

Đối với nhà đầu tư còn tiền mặt thì đây là cơ hội tích luỹ dần cổ phiếu tốt, chờ sóng cuối năm.

Còn với nhà đầu tư đang sử dụng ký quỹ (margin) cao thì không nên bắt đáy, bởi điều này sẽ càng tăng thêm rủi ro, thậm chí thị trường hồi phục là cơ hội hạ tỷ trọng nợ vay margin.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay ngày 31/10, trái ngược so với phiên đỏ khi mở cửa sáng hôm qua, VN-Index đã thẳng tiến lên 900 điểm khá nhanh chóng, nhờ đà tăng vọt của các cổ phiếu lớn.

Trong đó, VHM, BID và MSN gây ấn tượng mạnh, khi tăng hơn 3%, VHM còn vọt hơn 4%.

Nhóm cổ phiếu lớn khác bao gồm các mã ngân hàng VCB, TCB, VPB, CTG cũng đang tăng khá, ngoài ra là cặp đôi dầu khí GAS và PLX dắt tay nhau đi lên ủng hộ thị trường.

Bên cạnh đó VJC sau báo cáo kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu xấp xỉ 12.713 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 1.709 tỷ đồng, tăng 59% cũng thu hút nhà đầu tư, cộng thêm hơn 3%.

Tuy nhiên thì trên bảng điện tử, một số cổ phiếu đang gặp khó là cặp đôi ngành thép HSG và NKG. HSG có thanh khoản cao nhất HOSE, với gần 10 triệu đơn vị khớp lệnh chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch và có thời điểm đã rơi xuống mức giá sàn. Trong khi đó, NKG lại bị đẩy xuống giá sàn và trắng bên mua từ sớm.

Còn lại dòng tiền vẫn đang tập trung vào một số các mã thị trường hoặc các bluechip có thị giá vừa như ASM, HQC, FLC, PVD, JVC, AAA, DXG, STB, MBB…

Sau khi nỗ lực tăng lên trên vùng 900 điểm, VN-Index bị đẩy nhẹ xuống và giao dịch giằng co cho đến khi về gần cuối phiên, dòng tiền chảy mạnh đã kéo chỉ số bật hẳn lên nhờ vào sự trở lại của một số cổ phiếu lớn lấy lại đà đi lên đi kèm thanh khoản thị trường hồi phục khá mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 191 mã tăng và 77 mã giảm, VN-Index tăng 14,27 điểm (+1,61%), lên 902,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 101,9 triệu đơn vị, giá trị 2.105,45 tỷ đồng, tăng hơn 53% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,6 triệu đơn vị, giá trị 533,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn là lực đỡ chính của thị trường khi đồng loạt tăng, thậm chí một số còn tăng ấn tượng như BID tăng kịch trần +6,9% lên 29.500 đồng; VHM + 4,2% lên 64.700 đồng; MSN +3,6% lên 80.800 đồng; TCB +3,5% lên 26.700 đồng; CTG +2,9% lên 22.850 đồng; VCB +2,2% lên 55.400 đồng; VIC cũng đã hồi lên +0,1% lên 96.700 đồng…

Không chỉ các cổ phiếu ngân hàng lớn nêu trên tăng mạnh, mà các mã còn lại khác cũng đi lên với VPB +2,5% lên 20.850 đồng; MBB +1,9% lên 21.750 đồng; STB +2,9% lên 12.300 đồng; TPB +2,8% lên 25.700 đồng. Chỉ còn 2 mã giảm nhẹ là EIB -0,4% và HDB -1,1%.

Các bluechip khác cũng có đà tăng tốt còn có VJC +3,1% lên 129.900 đồng; VRE +3,3% lên 29.100 đồng; HPG +1,9% lên 39.450 đồng; PNJ +3,1% lên 94.400 đồng; MWG +2,4% lên 109.700 đồng; CTD +2,2% lên 143.100 đồng; SSI +2,4% lên 28.150 đồng, cùng sắc xanh tại BMP, DHG, REE, GDM, DPM…

Khá đáng tiếc là VNM -1,4% xuống 115.600 đồng cùng 2 ông lớn ngành bia SAB -1,1% xuống 219.700 đồng và BHN -1,6% xuống 83.500 đồng…

Đặc biệt là HSG, khi đón nhận thông tin kết quả quý cuối niên độ 2017-2018 lỗ 102 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi hơn 200 tỷ đồng, còn doanh thu vẫn tăng 23% so với cùng kỳ lên 8.566 tỷ đồng đã giảm 5,5% xuống 9.370 đồng, thậm chí mã này đã có thời điểm giảm về mức giá sàn. Khớp lệnh HSG cũng cao nhất HOSE với hơn 10,26 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ngành thép đáng chú ý khác là NKG, cũng với thông tin kết quả kinh doanh quý III/2018 gây sốc cho nhà đầu tư khi doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước về 3.472 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 733 triệu đồng, trong khi cùng kỳ còn có lãi 206 tỷ đồng. Cổ phiếu này chốt phiên sáng giảm sàn -6,9% xuống 9.960 đồng, khớp lệnh hơn 1,5 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ quen thuộc sáng nay cũng khởi sắc với đà tăng điểm của ASM, FLC, HAG, PVD, DXG, AAA, HHS, GEX…khớp lệnh từ khoảng 1 triệu đến 2,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, có sực tích cực chung từ thị trường, chỉ số HNX-Index cũng đã tăng tốt từ sớm và tương tự VN-Index khi đạt mức điểm cao nhất trong phiên khi nghỉ giờ trưa.

Đa số các mã đều tăng tốt với SHB +1,3% lên 7.600 đồng; ACB +3,5% lên 29.500 đồng; MBS +0,7% lên 15.100 đồng; SHS +1,5% lên 13.700 đồng; PVI +2,6% lên 31.800 đồng.

Nhóm dầu khí với PVS +2,2% lên 18.300 đồng; PVB +1,7% lên 18.100 đồng; PGS +2,3% lên 30.700 đồng…

Nhóm bất động sản, xây dựng với VGC +1,3% lên 15.400 đồng; VCG +1,6% lên 18.500 đồng; CEO +0,8% lên 12.500 đồng; VC3 +1,6% lên 18.500 đồng, đáng tiếc HUT lại đứng tham chiếu 5.500 đồng.

Một số sắc tím tại các cổ phiếu nhỏ như MBG, BII, DPS, MPT…

Khớp lệnh cao nhất là SHB với hơn 2,6 triệu đơn vị; ACB có 2,4 triệu đơn vị; PVS có 2,1 triệu đơn vị; ART có 1,2 triệu đơn vị, đứng giá tham chiếu 4.300 đồng; HUT có hơn 800.000 đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 59 mã tăng và 34 mã giảm, HNX-Index tăng 1,89 điểm (+1,86%), lên 103,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,3 triệu đơn vị, giá trị 250,07 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index mở cửa trong sắc đỏ, nhưng cũng nhanh chóng lên trên tham chiếu và đạt đỉnh sau ít phút giao dịch, mặc dù sau đó có bị đẩy nhẹ xuống, nhưng vẫn vững vàng sắc xanh khi chốt phiên.

Các cổ phiếu tăng điểm đang kể là các cổ phiếu dầu khí như BSR +3,2%; POW +1,5% và OIL +2,1% cùng VEA, VGT, HVN, QNS, ACV, VIB… giao dịch tích cực.

Giảm điểm chỉ còn VGI, GVR, CTR, cùng LPB, MPC và MSR đứng giá tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,49%), lên 51,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,78 triệu đơn vị, giá trị 76,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,47 triệu đơn vị, giá trị 108,7 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục