Không để gây biến động trên TTCK
Liên quan đến tình hình phối hợp điều hành chính sách tài khóa và chính sánh tiền tệ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nói chung, phát triển TTCK nói riêng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ các bộ, ngành, không chỉ giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tăng cường công tác phối hợp điều phối vĩ mô. Điều này được thực hiện thông qua hình thức là các phiên họp của Chính phủ.
“Ngoài ra, Chính phủ có Tổ công tác điều hành vĩ mô do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, với các thành viên là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công thương. Chúng tôi tổ chức họp định kỳ và bàn những vấn đề cụ thể trong công tác hoạch định, điều hành chính sách của các bộ”, ông Hưng nói.
Trong điều hành vĩ mô, vừa qua, cá nhân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính trao đổi rất chặt chẽ nhằm điều tiết lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo giữ ổn định thanh khoản, ổn định lãi suất và không gây sức ép lên thị trường tiền tệ cũng như lạm phát, qua đó đạt được hiệu quả cao trong việc giữ ổn định các nền tảng vĩ mô.
“Trong quản lý hoạt động của TTCK, 2 bộ, ngành thường xuyên phối hợp với nhau trong điều hành tín dụng một cách nhất quán, kiểm soát chất lượng tín dụng, đặc biệt là tín dụng vào TTCK để không gây ra những biến động trên thị trường, qua đó giữ được ổn định luồng vốn đầu tư vào thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, sự phối hợp hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ đã giúp cho cơ cấu nhà đầu tư trên TTCK nói chung, thị trường trái phiếu Chính phủ nói riêng tiếp tục có thêm diễn biến tích cực.
Tỷ trọng nắm giữ trái phiếu Chính phủ của hệ thống ngân hàng thương mại giảm từ 78% vào cuối năm 2016 xuống 53% vào năm 2017 và đến hết tháng 9/2018 giảm còn 31,6%. Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm đến tháng 9/2018 tăng lên mức 68%, trong khi năm 2016 là 19,6%.
Khi TTCK có những diễn biến đột xuất, lãnh đạo các bộ, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời công bố các thông tin định kỳ cho thị trường nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Sự chỉ đạo quyết liệt, bám sát diễn biến thị trường của Chính phủ cũng như tính hiệu quả của sự phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ đã mang lại những kết quả tích cực rõ nét.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đến nay, nhiều chỉ tiêu trên thị trường tài chính đã đi trước kế hoạch 5 năm. Quy mô TTCK tăng trưởng tích cực, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu hiện đạt 84% GDP, vượt xa mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là đạt 70% GDP. Điều này giảm nhẹ được gánh nặng cho hệ thống ngân hàng về cung ứng vốn trung và dài hạn.
Tiếp tục phối hợp đồng bộ
Về định hướng phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian tới, Tư lệnh ngành Ngân hàng cho biết: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp để điều tiết lượng tiền gửi của kho bạc ở hệ thống ngân hàng nhằm giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường tiền tệ, cũng như giảm nghĩa vụ nợ cho ngân sách nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính tính toán thời điểm, liều lượng phát hành trái phiếu phù hợp để không gây những áp lực lên thị trường tiền tệ”.
“Chúng tôi rất mong tới đây sẽ cùng với Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét bố trí nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật, tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, vì nhu cầu trong thời gian tới rất lớn. Điều này giúp cho các ngân hàng có nền nền tảng tài chính bền vững hơn, tiếp tục hoạt động tốt trên thị trường”, ông Hưng chia sẻ.
Giờ là lúc canh giá tốt để mua
Ông Nguyễn Văn Bách, Một nhà đầu tư tại Hà Nội có quy mô đầu tư trăm tỷ đồng
Những phiên điều chỉnh với biên độ rộng đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thị trường, nhiều mã cổ phiếu giảm giá 30% trong 1 tháng qua, bất chấp thông tin kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp ổn định và tăng trưởng.
Thị trường giảm điểm đến từ diễn biến tiêu cực của TTCK thế giới, xu hướng lãi suất tăng…, nhiều hơn là đến từ việc giải chấp, bởi thời gian gần đây, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán đã giảm đáng kể, nhu cầu margin tập trung vào những mã blue-chips nên rủi ro giải chấp khá thấp.
Tất nhiên, do thị trường điều chỉnh nhanh nên số cổ phiếu mà nhà đầu tư đang bị “kẹt” khá nhiều, nhưng chưa đến mức phải giải chấp. Giờ là lúc canh giá tốt để mua, bởi xu hướng trung hạn của thị trường vẫn được đánh giá khả quan.
Với kinh nghiệm đầu tư nhiều năm, tôi đánh giá, thị trường đang ở giai đoạn quá bán và đây là thời điểm hợp lý để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Dù vậy, để thị trường có thể sớm hồi phục thì vẫn cần dòng tiền nhập cuộc mạnh hơn, tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn.