Bước đầu tích cực
Liên quan đến tái cơ cấu thị trường tài chính, Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã giao Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành cơ cấu lại, xây dựng chiến lược phát triển thị trường tài chính ổn định, lành mạnh;
Cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng; giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu;
Giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu huy động vốn trung dài hạn của nền kinh tế; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường chứng khoán phái sinh và tín dụng tiêu dùng.
Cơ cấu lại bộ máy quản lý thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Quan tâm bảo vệ người sử dụng các dịch vụ tài chính...
Soi chiếu lại kết quả thực hiện những yêu cầu trên của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết 24/2016/QH14.
Theo đánh giá của Chính phủ, trong số 8 mục tiêu đề ra, đến nay sơ bộ có 4 mục tiêu đã hoàn thành và 4 mục tiêu có khả năng hoàn thành.
Quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng...
Theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu về cơ cấu lại nền kinh tế đến nay cho thấy nhiều kết quả tích cực.
Về việc thực hiện cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất về kết quả đạt được và những bất cập được nêu trong báo cáo của Chính phủ.
Theo đó, từ năm 2016, quá trình cơ cấu lại 3 lĩnh vực này đã có những chuyển biến mang tính căn cơ so với giai đoạn trước.
Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai trên nguyên tắc thận trọng và đạt được một số kết quả.
Các khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu cơ bản hoàn chỉnh, đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của thị trường tài chính đang đặt ra một số vấn đề trong quản lý rủi ro.
Việc cấp vốn trung và dài hạn vẫn dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng. Công tác theo dõi, ứng phó biến động trên thị trường còn một số hạn chế…
Trong khi đó, dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội, kết quả tái cơ cấu thị trường tài chính chưa đạt như mong đợi. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn quá phụ thuộc vốn vào ngân hàng như hiện tại đã kéo dài và gây nên nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Thế nhưng, đến nay quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ chưa khắc phục được rõ nét tình trạng này.
Với kết quả tái cơ cấu thị trường tài chính đến thời điểm này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tư nhân để tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém. Còn một số vướng mắc trong công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành để triển khai hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội…
Tiếp tục nỗ lực tái cơ cấu
Liên quan đến giải pháp tái cơ cấu thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Cùng với đó là giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng đến mức phù hợp so với tăng trưởng GDP (tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14 - 16% vào năm 2020).
Trên cơ sở kết quả thẩm tra kế hoạch của Chính phủ về tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính thời gian tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra những định hướng lớn trong giai đoạn 2019 - 2020.
Theo đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ tập trung bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng.
Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình tổ chức triển khai.
Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời tăng cường tính trách nhiệm và giải trình của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, đặc biệt là nhóm nhiệm vụ về hình thành đồng bộ và phát triển các thị trường yếu tố sản xuất…
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ở mức sơ khai
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Qua quá trình tái cơ cấu, đến nay thị trường tài chính từng bước chuyển dịch lên cấp độ phát triển cao hơn với những thành tựu trong phát triển thị trường vốn, giảm sức ép cho thị trường tiền tệ. Tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường vốn tăng từ mức 28% năm 2016 lên mức dự kiến đạt 36,4% năm 2018. Tuy nhiên, các thị trường yếu tố sản xuất còn lại nhìn chung vẫn chậm phát triển. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ở mức sơ khai, quy mô nhỏ.
Để tiếp tục tái cơ cấu hiệu quả nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng, cần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24 và theo dõi, bám sát tình hình thực hiện để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch, lộ trình triển khai trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thúc đẩy doanh nghiệp huy động vốn từ thị trường vốn
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tại nhiều quốc gia, nếu doanh nghiệp cần 10 đồng để khởi nghiệp, thì họ chỉ cần có 6 đồng, còn lại đi vay 4 đồng. Để có nguồn vốn dài hạn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thường huy động qua thị trường vốn, chỉ lượng vốn lưu động nhỏ mới vay ngân hàng.
Còn ở ta, hễ bắt đầu kinh doanh là người dân nghĩ ngay đến việc vay vốn ngân hàng, trong khi tỷ lệ vốn tự có rất thấp.
Tình trạng doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng không chỉ gây nên những rủi ro cho chính họ, mà cả hệ thống ngân hàng. Điều này đã được thể hiện trong thời gian qua.
Để khắc phục hiện trạng trên, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính cần được thúc đẩy theo hướng đảm bảo cân bằng hơn tỷ lệ vốn mà thị trường tiền tệ và thị trường vốn tài trợ cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần có các hình thức tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường vốn. Về phần mình, để huy động được vốn qua thị trường vốn, ngoài việc nâng cao tính minh bạch, các doanh nghiệp cần có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, khả thi để tạo được sức hấp dẫn trong quá trình huy động các nguồn vốn trong xã hội.