Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, hiệu ứng tiêu cực của tháng 11 có vẻ bắt đầu ảnh hưởng đến giao dịch khi các chỉ số chính đồng loạt giảm mạnh trong phiên hôm qua.
Cụ thể, sau diễn biến giằng co ở phiên sáng, áp lực bán ồ ạt và quyết liệt ngay khi chỉ số Vn-Index gần chạm ngưỡng 850 điểm đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, cả 2 chỉ số chính đều lao dốc và mất hơn 1% điểm số.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều trong xu hướng giảm giá, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản và xây dựng có phần tiêu cực hơn mặt bằng chung và là tác nhân chính tạo sức ép lớn lên thị trường.
Màn lao dốc mạnh hôm qua sẽ là nhân tố tiếp tục tác động tới tâm lý nhà đầu tư khiến dòng tiền vào thị trường càng thận trọng hơn. Và theo nhận định của SHS, trong phiên giao dịch cuối tuần 3/11, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm để chỉ số này kiểm định lại ngưỡng 830 điểm.
Không nằm ngoài dự báo trên, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng 3/11 khá ảm đạm. Lực cầu tham gia khá hạn chế trong khi bên bán có phần chiếm ưu thế hơn khiến VN-Index tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, áp lực bán không quá lớn, nhiều mã bluechip đã đảo chiều hồi phục sau phiên lao dốc mạnh hôm qua, đặc biệt là sự trở lại của mã nóng ROS, đã giúp thị trường có những tín hiệu hồi phục. Chỉ số VN-Index diễn biến rung lắc và liên tục đổi sắc khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục.
Sau khoảng 45 phút giao dịch giằng co, thị trường đã bật mạnh lên nhờ sự hồi phục của các nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán, thép sau phiên điều chỉnh sâu ngày hôm qua, cùng đà tăng mạnh của ROS và nhiều mã lớn khác như VJC, SAB, VCB, MWG…
Cổ phiếu ROS tiếp tục đón nhận những màn co giật mạnh với những phiên tăng giảm gần hết biên độ. Cụ thể, ngay sau phiên giảm sâu về sát mức giá sàn ngày hôm qua, ROS đã đảo chiều và bứt phá mạnh, nhanh chóng khoác lại áo tím trong phiên sáng nay, tiếp tục đóng vai trò chi phối mạnh tới VN-Index.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, ROS tăng hết biên độ gần 7% lên mức giá trần 214.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần nửa triệu đơn vị.
Trong khi nhóm dầu khí, chứng khoán đang diễn biến tích cực thì dòng bank vẫn diễn biến lình xình, ngoại trừ sự hồi phục nhẹ của cổ phiếu VCB.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản và xây dựng cũng có những tín hiệu tích cực khi sắc xanh đang lan rộng hơn như FLC, IDI, HBC, KBC, DXG, SCR, DIG, ITA, HAR… đều giao dịch trên mốc tham chiếu.
Cũng giống phiên sáng qua, sau khi được kéo lên sát mốc 840 điểm trong nửa đầu phiên, áp lực bán bất ngờ gia tăng và lan tỏa khiến thị trường hạ nhiệt và quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, sự hỗ trợ khá tích cực của một số mã lớn đã giúp VN-Index lấy lại sắc xanh và tăng nhẹ khi chốt phiên.
Trong đó, cổ phiếu ROS vẫn là tác nhân chính khiến thị trường dao động mạnh hơn 6 điểm khi từ mức đỉnh hơn 838 điểm rơi xuống mức 832 điểm. Cụ thể, sau khi bị đẩy về sát mốc tham chiếu, ROS đã bứt mạnh và tăng vọt sát lên sát trần, là điểm tựa chính giúp VN-Index trở lại giao dịch trong sắc xanh. Thị trường tiếp tục xu hướng xanh vỏ đỏ lòng khi chốt phiên sáng.
Với 141 mã giảm và 84 mã tăng, VN-Index tăng nhẹ 0,64 điểm (+0,08%) lên 833,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 101,5 triệu đơn vị, giá trị 2.177,47 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,69 triệu đơn vị, giá trị 587,66 tỷ đồng. Riêng VIS thỏa thuận hơn 15,5 triệu đơn vị, giá trị 396,94 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau khi hồi phục tăng nhẹ đầu phiên, sàn HNX đã trở lại giao dịch trong sắc đỏ và diễn biến lình xình suốt thời gian còn lại.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 77 mã giảm và 48 mã tăng, HNX-Index giảm 0,41 điểm (-0,4%) xuống 103,01 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 19,54 triệu đơn vị, giá trị 194,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 757.090 đơn vị, giá trị 4,48 tỷ đồng.
Trái với đà tăng khá tích cực của ROS với biên độ 6,3% lên sát mức giá trần, một số mã lớn khác cũng đã chịu áp lực bán gia tăng và quay đầu giảm điểm như VCB, MSN, VJC, BVH, đáng kể là “ông lớn” VNM nới rộng đà giảm tới 1,22%.
Bên cạnh đó, dòng bank diễn biến xấu hơn về cuối phiên khi bị bao phủ bởi sắc đỏ như BID giảm 1,4%, VCB giảm 0,4%, CTG giảm 0,3%, MBB giảm 0,2%, STB giảm 0,9%, trong khi VPB tiếp tục đi ngược xu hướng chung khi đảo chiều hồi phục sau 3 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 2,1%.
Trong nhóm VN30 chỉ còn lác đác điểm xanh với 7 mã tăng và có tới 16 mã giảm.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp cha con HAG-HNG tiếp tục diễn biến tiêu cực.
Mặc dù các chỉ tiêu lợi nhuận trong quý III và 9 tháng đầu năm của HAG và HNG tăng trưởng mạnh nhờ khoản thu lớn từ mảng trái cây, đồng thời Hoàng Anh Gia Lai đã đặt kỳ vọng lớn vào mảng mới này có thể xoay chuyển tình thế, tuy nhiên số đông nhà đầu tư vẫn không mấy kỳ vọng vào tương lại của Công ty. Vì vậy, diễn biến cặp đôi HAG-HNG chưa thoát khỏi áp lực bán mạnh của thị trường.
Chốt phiên, HAG tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 2 với mức giảm 6,9% và đã chuyển nhượng thành công 4,34 triệu đơn vị, dư bán sàn 2,2 triệu đơn vị; còn HNG giảm 7% xuống mức giá sàn 8.280 đồng/CP với lượng khớp 1,54 triệu đơn vị và dư bán sàn 621.590 đơn vị.
Cổ phiếu FLC sau những nhịp hồi nhẹ cũng đã trở lại giao dịch trong sắc đỏ do lực bán khá lớn, với mức giảm 2,4% xuống 6.170 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 6,77 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Trên sàn HNX, cặp đôi cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch thiếu tích cực, cụ thể SHB giảm 1,28% và khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất sàn đạt 2,48 triệu đơn vị, còn ACB giảm 0,67% và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, còn 4 mã khác cũng có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị gồm KHB, CEO, KLF, PVX.
Bên cạnh ACB, nhiều mã lớn khác như VCG, NTP, PGS, TV2… cũng giảm điểm, góp phần khiến thị trường khó hồi phục.
Trên sàn UPCoM, diễn biến khá tích cực với sắc xanh duy trì suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,44%) lên 52,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,52 triệu đơn vị, giá trị 96,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,66 triệu đơn vị, giá trị 19,79 tỷ đồng.
Sau 2 phiên đứng giá tham chiếu, cổ phiếu LPB cũng hòa nhịp “hơi thở” chung của ngành khi giảm 2,3%, xuống mức 12.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 705.500 đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu GSM biến động khá mạnh trong phiên hôm nay khi được duy trì khá tốt và được kéo lên kịch trần trong đầu phiên, tuy nhiên lực bán gia tăng mạnh khiến cổ phiếu này đột ngột lao mạnh về dưới mốc tham chiếu khi giảm 3,3%, chốt phiên tại mức giá 11.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch tăng vọt đạt 1,13 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.