Phiên sáng 3/1: Tiền chảy ồ ạt, VN-Index bay qua ngưỡng 1.000 điểm

(ĐTCK) Sau phiên khởi sắc ngày đầu năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đuối sức và nhiều mã quay đầu giảm giá trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn khác, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng mạnh và VN-Index đã chinh phục được mốc đỉnh 1.000 điểm ngay khi mở cửa phiên 3/1.
Phiên sáng 3/1: Tiền chảy ồ ạt, VN-Index bay qua ngưỡng 1.000 điểm

Năm 2017 được đánh giá là thành công vượt mong đợi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với dòng tiền nội ngoại hoạt động mạnh, các chỉ số chính cũng đã tạo lập mốc đỉnh trong nhiều năm qua.

Trong đó, VN-Index tăng hơn 48% và kết năm tại mốc 984,24 điểm - mức tăng mạnh nhất của thị trường trong giai đoạn 2010-2017; và HNX-Index cũng có mức tăng ấn tượng gần 46% khi kết thúc phiên cuối năm tại mốc 116,86 điểm.

Theo đánh giá của MBKE, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục có sự phân hóa cao. Thử thách là không nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sức khỏe nội tại của nền kinh tế để đầu tư vào những doanh nghiệp có lợi thế từ sức tiêu dùng nội địa đang gia tăng.

Tiếp nối sắc Xuân đang ngập tràn trên thị trường và tâm lý lạc quan hồ hởi của nhà đầu tư sau 1 năm thắng lớn, thị trường đã tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới ngay trong phiên chào năm mới 2018 ngày 2/1. Nhóm cổ phiếu vua đã tăng mạnh, là điểm tựa chính giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 990 điểm và kết phiên tại mốc đỉnh mới 995 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 3/1, với tâm lý hưng phấn, dòng tiền tiếp tục nhập cuộc sôi động giúp thị trường tăng vọt ngay từ đầu phiên. Chỉ số VN-Index đã chạm mốc mơ ước 1.000 điểm ngay khi mở cửa.

Đà tăng mạnh được duy trì khá ổn định nhờ lực cầu tốt với điểm tựa chính vẫn là nhóm cổ phiếu bluechip. Sau hơn 1 giờ giao dịch, nhóm Vn30 chỉ có 7 mã giảm và có tới 22 mã tăng. Trong đó, sau phiên leo cao và làm trụ đỡ chính cho thị trường ngày hôm qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã hạ nhiệt và trở nên phân hóa.

Trong khi đó, các mã vốn hóa lớn như VNM, SAB, GAS, VIC, MSN, VRE… đều tăng khá mạnh, đóng vai trò chính kéo VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm.

Lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh về cuối phiên với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip, giúp các mã này nới rộng biên độ tăng và chỉ số VN-Index được kéo tăng vọt hơn 10 điểm trong phiên sáng nay.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 144 mã tăng và 132 mã giảm, VN-Index tăng 10,95 điểm (+1,1%) lên đỉnh cao mới 1.006,72 điểm. Thanh khoản tiếp tục sôi động với tổng khối lượng giao dịch đạt 138,93 triệu đơn vị, giá trị 3.583,38 tỷ đồng, tăng 42,29% về lượng và 16,49% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,52 triệu đơn vị, giá trị 330,26 tỷ đồng.

Ngoại trừ giao dịch không mấy tích cực ở các cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm như BID, BVH, PGI quay đầu giảm, VCB trở lại mốc tham chiếu, MBB, STB và CTG tăng nhẹ, còn lại các mã lớn khác đều tăng mạnh.

Trong đó, cổ phiếu STB có giao dịch sôi động nhất thị trường với 10,22 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Dù có chút rung lắc trong phiên, nhưng tạm chốt phiên STB vẫn giữ sắc xanh nhạt với mức tăng 0,7%, lên mức 13.500 đồng/CP.

Trụ cột chính VNM có phiên tăng thứ 6 liên tiếp và chốt phiên sáng nay tại mức cao nhất 215.000 đồng/CP, với mức tăng 1,7%. Tương tự, SAB cũng khởi sắc khi tăng 2,7% lên mức 259.000 đồng/CP.

Các mã vốn hóa lớn khác cũng tăng mạnh hơn về cuối phiên như GAS tăng 2% lên mức cao nhất 97.200 đồng/CP, VIC tăng 3,2% lên mức 80.700 đồng/CP, MSN tăng 4,9% lên mức 83.900 đồng/CP, VRE tăng 1,5% lên mức 48.050 đồng/CP, PLX cũng hồi phục với mức tăng 0,4% lên mức 75.300 đồng/CP…

Trái với diễn biến khởi sắc của hầu hết các mã trong nhóm VN30, cổ phiếu ROS tiếp tục hứng chịu lực bán gia tăng mạnh và giảm khá sâu 5% xuống mức 161.000 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị. Như vậy, sau 6 phiên tăng liên tiếp vào cuối năm 2017, ROS đã có màn chào năm mới khá tiêu cực khi xác lập phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp.

Trong khi “ông lớn” của ngành bất động sản là VIC tăng khá tốt, thì nhiều mã khác lại giảm. Ngoại trừ ROS, còn có FLC giảm 1,% xuống mức 6.850 đồng/CP và khớp hơn 10 triệu đơn vị, HQC giảm 0,4% xuống mức 2.640 đồng/CP, DXG giảm nhẹ 0,2% xuống mức 22.100 đồng/CP…

Trên sàn HNX, giao dịch có phần kém tích cực hơn sau màn tăng vọt đầu phiên do áp lực bán gia tăng mạnh khiến nhiều mã quay đầu giảm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu HNX30 vẫn nâng đỡ tốt giúp thị trường duy trì sắc xanh.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,27%) lên mức 119,18 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 40,64 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 661,51 tỷ đồng, tăng 3,25% về lượng và 14,7% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,29 triệu đơn vị, giá trị 561,12 tỷ đồng, trong đó riêng TAG thỏa thuận 15,93 triệu đơn vị, giá trị 555,93 tỷ đồng.

Cặp đôi ACB và SHB cũng hạ độ cao sau phiên bật tăng mạnh ngày hôm qua, trong đó ACB chỉ còn tăng 0,8% lên mức 39.100 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị; còn SHB tăng 2% lên mức 10.000 đồng/Cp và khối lượng khớp lệnh cao nhất sàn HNX đạt 9,78 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 tăng khá tốt như VCG tăng 4,98% lên mức cao nhất phiên 23.100 đồng/CP; VCS tăng 6,9% lên mức 248.000 đồng/CP, VGC tăng 0,73% lên mức 27.600 đồng/CP, PLC tăng 2,8% lên mức 25.700 đồng/CP, PVS tăng 1,74% lên mức 23.400 đồng/CP, HUT tăng 1,82% lên mức 11.200 đồng/CP…

Cùng với giao dịch khá sôi động ở các mã bluechip này như PVS đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp 7,1 triệu đơn vị, VCG khớp 2,88 triệu đơn vị, SHS, HUT cùng nằm trong top 10 mã thanh khoản tốt nhất sàn với lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà tăng được duy trì khá tốt trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,74%) lên mức 55,77 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 9 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 137,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,16 triệu đơn vị, giá trị 81,19 tỷ đồng, trong đó GEX thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 72 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB giao dịch mạnh nhất trong phiên sáng nay khi đạt khối lượng giao dịch hơn 3,7 triệu đơn vị và đã tăng 3,85%, tạm đứng tại mức giá 13.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng tăng khá tốt như HVN tăng 4,4% lên mức 47.500 đồng/CP, DVN tăng 4,1% lên mức 22.800 đồng/Cp, ACV tăng 2,32% lên mức 119.000 đồng/CP, GEX tăng 1,95% lên mức 26.100 đồng/CP, VGT tăng kịch trần…

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục