Phiên sáng 29/6: OGC mất sắc tím, VN-Index duy trì đà tăng

(ĐTCK) Mặc dù dòng tiền vẫn khá thận trọng nhưng sự quay lại của các mã bluechip với tâm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã giúp thị trường duy trì đà tăng khá tốt trong phiên sáng 29/6.
Phiên sáng 29/6: OGC mất sắc tím, VN-Index duy trì đà tăng

Trong phiên hôm qua (28/6), mặc dù có thời điểm thị trường giảm khá mạnh, nhưng lực cầu hấp thụ tốt, trong khi lượng cung giá thấp được tiết giảm đã giúp các chỉ số chính lần lượt hồi phục với thanh khoản sụt giảm.

Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên gần đây hỗ trợ khá tốt cho tâm lý thị trường khi xu thế mua ròng được duy trì và đẩy mạnh trong từng phiên.

Trong phiên hôm qua, khối này đã mua ròng hơn 140 tỷ đồng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip. Cũng chính vì nhận được sự hậu thuẫn của khối ngoại đã giúp cho các mã này không điều chỉnh sâu và sự phân hóa không quá lớn.  

Thị trường đang bước vào những phiên giao dịch cuối cùng của quý II. Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, nhà đầu tư vẫn đang tích cực cơ cấu lại danh mục và hướng tới các mã lớn đầu ngành có triển vọng kết quả kinh doanh quý II tích cực.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, sắc xanh lan rộng thị trường, trong đó hầu hết các mã bluechip cũng khởi sắc, đã giúp thị trường duy trì đà tăng. Trong khi VN-Index nhanh chóng lấy lại mốc 770 điểm thì HNX-Index cũng đang dành lại ngưỡng 99 điểm.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến thanh khoản khá thấp và thị trường thiếu động lực để bật cao. Đà tăng nhẹ được bảo toàn khi sang đợt khớp lệnh liên tục.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trong nhóm VN30 chỉ còn lác đác điểm đỏ như BMP, BVH, DHG, GMD, HSG, STB; trong khi đó, hầu hết các mã còn lại đứng giá hoặc chỉ tăng nhẹ.

Trong đó, BID là điểm sáng với đà tăng khá tốt cả về giá và thanh khoản. Hiện BID tăng 2,76% lên mức 20.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,45 triệu đơn vị.

Theo một báo cáo mới đây của VCSC, BID sẽ là ngân hàng được lợi nhiều nhất từ Nghị quyết xử lý nợ xấu mà Quốc hội vừa thông qua ngày 21/6.

“Chúng tôi cho rằng BID có khả năng sẽ là ngân hàng có câu chuyện phục hồi hấp dẫn nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam”, VCSC cho biết.

Theo VCSC, nghị quyết xử lý các tài sản tồn đọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho vay và BID nâng dự báo về tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016-2019 từ 10% lên 17%. Đồng thời, NIM năm 2017, 2018, 2019 cũng được dự báo tăng lần lượt 14 điểm cơ bản, 35 điểm cơ bản và 49 điểm cơ bản đạt 2,8%, 3,0% và 3,2% từ mức cơ sở 2,7% năm 2016.
Bên cạnh đó, các mã ngân hàng khác cũng đua nhau khởi sắc, hỗ trợ tốt cho đà tăng thị trường, như MBB tăng 2,06%, CTG tăng gần 1%, VCB tăng 0,56%.

Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, sau khi ITA hạ nhiệt, sức nóng của OGC cũng “giải nhiệt”, thay vào đó, thị trường đón những đợt sóng mới tại TSC và DIG. Lực cầu khá tốt đã giúp cặp đôi này nhanh chóng thiết lập sắc tím.

Hiện TSC tăng 6,91% lên mức 4.330 đồng/CP với khối lượng khớp 4,49 triệu đơn vị; còn DIG tăng 6,85% lên mức giá trần 15.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,39 triệu đơn vị.

Mặc dù VNM điều chỉnh nhẹ sau 4 phiên tăng liên tiếp nhưng đà tăng được nới rộng hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip với sự dẫn dắt của các mã ngân hàng và việc đảo chiều của các trụ cột như VIC, GAS, đã kéo VN-Index lên mức cao nhất trong phiên.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 3,41 điểm (+0,44%) lên mức 772,45 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 127,28 triệu đơn vị, giá trị 2.101,96 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 4,7 triệu đơn vị, giá trị 120,15 tỷ đồng. VN30-Index tăng 5,73 điểm (+0,76%) lên 762,83 điểm với 23 mã tăng, chỉ 5 mã giảm và 2 mã đứng giá.

Trong khi đó, sàn HNX diễn biến đi ngang trong hơn nửa thời gian còn lại của phiên và chưa thể dành lại mốc 99 điểm.

Cụ thể, HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,44%) lên 98,78 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 20,23 triệu đơn vị, giá trị 304,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá thấp, chỉ đạt hơn 4,1 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 1,81 điểm (+1%) lên 181,84 điểm khi có tới 18 mã tăng, 7 mã giảm và 5 mã đứng giá.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt khởi sắc. Bên cạnh STB đã lấy lại được mốc tham chiếu, các mã khác như BID, CTG, VCB, MBB, hay trên sàn HNX có ACB và SHB đều tăng điểm.

Nhóm dầu khí với các mã PVD, GAS, PVC, PGS, PVI… cũng đều chốt phiên trong sắc xanh.

Ở nhóm cổ phiếu lớn, cặp đôi SAB và PLX cũng đã đảo chiều tăng nhẹ 0,1-0,3%, sau những phiên “gây nhiễu” thị trường.

Tâm điểm đáng chú ý vẫn là các cổ phiếu đầu cơ. Với việc chứng kiến một loạt sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo, OGC đã liên tiếp khoe sắc tím trong 4 phiên vừa qua. Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, OGC không giữ được mức tăng trần khi áp lực chốt lời duy trì mạnh.

Dù mất sắc tím, nhưng biên độ tăng vẫn khá tốt khi kết phiên tại mức giá 1.980 đồng/CP, tăng 6,5% và chuyển nhượng thành công 13,8 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trong khi đó, TSC vẫn duy trì sắc tím với mức tăng 6,91% và khối lượng khớp lệnh 4,65 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị.

Sáng nay, QCG đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2017 và diễn biến cổ phiếu này cũng khá tích cực. Ngay từ đầu phiên, QCG đã được kéo lên kịch trần, tuy nhiên việc dự án Phước Kiểng chưa được ký các thủ tục chuyển nhượng cho đối tác ngoại khiến giới đầu tư phần nào thất vọng và đà tăng của cổ phiếu này đã thu hẹp đáng kể. Hiện QCG tăng 4,5%, kết phiên tại mức giá 30.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,34 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã đầu cơ khác như ITA, DXG, HAR, SCR, DLG, KBC, HHS, HAI… cũng đều duy trì đà tăng điểm.

Trên sàn UPCoM, dù có chút rung lắc đầu phiên nhưng giao dịch khá tích cực ở nhóm cổ phiếu lớn đã giúp đà tăng nhanh chóng được lấy lại.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,31%) lên 57,14 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,83 triệu đơn vị, giá trị 41,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 367.269 đơn vị, giá trị 18,74 tỷ đồng.

PVM tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng giao dịch đạt 1,65 triệu đơn vị. Tiếp đó, SBS đã chuyển nhượng thành công 730.300 đơn vị.

Cổ phiếu ngân hàng KLB giao dịch khá tích cực trong phiên sáng nay. Dù không giữ được sắc tím nhưng KLB vẫn tăng khá tốt với biên độ 10% và khối lượng giao dịch đứng ở vị trí thứ 3, đạt 167.100 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục