Quản trị rủi ro danh mục: khác biệt lớn giữa lý thuyết và thực tế
“Tôi đọc sách của Damodaran nhưng tôi không thể làm theo ông ấy trong phân tán quản trị rủi ro được. Chúng tôi không thể dễ dàng phân bổ đầu tư của mình theo các quốc gia vì vướng đầu tư ra nước ngoài.
Tôi chỉ có thể đầu tư tại Việt Nam, nhưng cũng chẳng ai cho chúng tôi biết mức độ rủi ro của Việt Nam là bao nhiêu nếu tôi muốn chạy mô hình”, ông Nguyễn Quang Thuân, Giám đốc Stoxplus - công ty cung cấp dữ liệu về lĩnh vực tài chính, chứng khoán mở đầu cuộc hội thảo.
Đây cũng là ý kiến được nhiều chuyên gia phân tích, đầu tư quan tâm, bởi những lý thuyết về quản trị rủi ro dù được thế giới đánh giá cao nhưng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả, nhất là khi quy mô tài sản quản lý và những cơ hội phân tán rủi ro không có sẵn.
Với các nhà đầu tư trong nước, không có nhiều cơ hội phân tán rủi ro như các quỹ đầu tư quốc tế lớn thì đầu tư theo hướng tập trung trên cơ sở hiểu biết rõ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn
- Ông Phạm Thiên Quang, Phụ trách Phân tích đầu tư CTCK MBS
Từ quan sát cá nhân của mình, ông Phạm Thiên Quang, Phụ trách Phân tích đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ, ông mất nhiều năm để làm theo và quan sát hiệu quả các trường phái đầu tư, nhưng kết quả đôi khi không giống như những gì các lý thuyết quốc tế đưa ra.
“Có một thực tế là, nếu bạn phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa danh mục nhiều thì cuối cùng, hiệu quả của bạn không cao bằng việc đầu tư có trọng điểm vào những doanh nghiệp mà bạn đã phân tích kỹ, am hiểu và thấy có câu chuyện lớn.
Với các nhà đầu tư trong nước, không có nhiều cơ hội phân tán rủi ro như các quỹ đầu tư quốc tế lớn thì đầu tư theo hướng tập trung trên cơ sở hiểu biết rõ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn”, ông Quang nói.
Làm cách nào để phân tích doanh nghiệp chính xác?
Khi không có cơ hội phân tán rủi ro lớn, vấn đề quan trọng là phải hiểu doanh nghiệp để đầu tư tập trung. Nhưng làm cách nào để có thể phân tích, dự báo chính xác doanh nghiệp, bởi nếu chỉ dựa vào những mô hình thì sẽ không có sự khác biệt giữa các báo cáo và có thể báo cáo một đằng, thực tế doanh nghiệp một nẻo.
Về vấn đề này, ông Thuân đặt câu hỏi: Ở Việt Nam, mỗi năm có bao nhiêu doanh nghiệp tuyên bố phá sản? Con số này rất ít, thậm chí gần như không có.
Điều này có nghĩa, các nhà phân tích, các đầu tư cần nghiên cứu kỹ hơn thực trạng doanh nghiệp, thay vì những con số trên bảng cân đối kế toán hay báo cáo kết quả kinh doanh.
“Số liệu có thể xào nấu, nhưng doanh nghiệp dù có giấu vẫn sẽ phải thể hiện đâu đó trên báo cáo tài chính. Bạn có thể hỏi chúng tôi để có được bức tranh chi tiết”, ông Thuân nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, để có cái nhìn chính xác hơn về doanh nghiệp, ngoài phân tích báo cáo tài chính, các chuyên gia cần phải am hiểu rõ hoạt động của doanh nghiệp, xu hướng ngành và tìm hiểu từ các nguồn xung quanh.
“Hãy ra ngoài nhiều hơn, nói chuyện nhiều hơn. Tôi tin, đó sẽ là yếu tố quan trọng giúp bạn tăng được chất lượng các báo cáo phân tích của mình”, ông Lực nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Quang cho biết, tại MBS, để đưa ra các báo cáo đánh giá phân tích sâu về các doanh nghiệp, ông cùng các đồng nghiệp phải tham gia nghiên cứu trực tiếp không chỉ báo cáo tài chính, mà cả từ đối thủ, nhà cung cấp, khách hàng.
“Chúng tôi đang nghiên cứu một doanh nghiệp mà trước đó công ty này đã mất niềm tin với nhà đầu tư vì liên tục thất bại ở các mảng kinh doanh. Những dự báo tích cực về triển vọng kinh doanh sắp tới khiến mọi người cảm thấy lo lắng.
Chúng tôi đã tới trực tiếp doanh nghiệp để xem doanh nghiệp có quy mô vùng nguyên liệu như họ thông báo không, sang biên giới để hỏi xem giá cả, khối lượng hàng xuất đi từ doanh nghiệp như thế nào…, rồi so sánh với những thông tin doanh nghiệp đưa ra, trước khi làm báo cáo.
Tôi tin rằng, đó sẽ là cách để đưa ra những báo cáo phân tích phù hợp hơn với thực tế hoạt động, giúp các dự báo có tính chính xác cao hơn để phục vụ công tác đầu tư”, ông Quang chia sẻ..