Phiên sáng 29/3: Dòng tiền dần rút lui

(ĐTCK) Dòng tiền chảy vào thị trường giảm dần đều trong mấy phiên gần đây khiến các chỉ số gặp khó khăn. Nỗ lực phục hồi trong phiên sáng nay cũng bất thành khi lực cầu yếu.
Phiên sáng 29/3: Dòng tiền dần rút lui

Dù được được đánh giá đợt sóng cổ phiếu nhóm ngân hàng có thể kéo dài và ổn định nhưng không được như kỳ vọng của giới phân tích. Sau những phiên khởi sắc cuối tuần trước cùng phiên mở đầu tuần này, áp lực bán đã xuất hiện và dâng cao trong phiên hôm qua (ngày 28/3), khiến các mã bank tạo sức ép đẩy VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu và một lần nữa thủng ngưỡng 720 điểm.

Bên cạnh đó, dòng tiền cũng giao dịch hạn chế khiến thanh khoản giảm đáng kể trên 2 sàn chính khi cùng ghi nhận phiên giao dịch thấp nhất trong gần 2 tuần qua.

Với diễn biến thiếu tích cực ở 2 sàn chính, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường chưa thể hồi phục và sẽ tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng hỗ trợ 720 điểm. Thậm chí, IVS còn dự báo VN-Index có thể giảm về mốc 715 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng 29/3, sắc đỏ vẫn bao trùm nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến thị trường tiếp tục giao dịch dưới mốc tham chiếu khi mở cửa.

Tuy nhiên, sang đợt khớp lệnh liên tục, sự hồi phục của các cổ phiếu trong nhóm dầu khí nhờ thông tin tích cực từ việc giá dầu thô bật tăng, cùng các trụ cột chính như VNM, VIC lấy lại phong độ, đã giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm. Tuy nhiên, độ rộng chưa đủ lớn để giúp nhà đầu tư tin tưởng vào sắc xanh của thị trường. Chỉ số VN-Index vẫn tiếp diễn trạng thái rung lắc quanh mốc 720 điểm.

Nhóm cổ phiếu bluechip có sự phân hóa rõ nét. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trong nhóm VN30 có 13 mã tăng và 14 mã giảm, chỉ số của nhóm tăng nhẹ hơn 1 điểm.

Đáng chú ý, trong nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, diễn biến cặp đôi ROS và SAB đã có dự tráo đổi. Trong khi SAB bật tăng 1% sau 6 phiên liên tiếp giảm hoặc đứng giá, thì ROS lại đảo chiều giảm 0,9% cùng sau 6 phiên khởi sắc trước đó.

Trái lại, cổ phiếu vừa và nhỏ QCG tiếp tục khoe sắc khi xác nhận phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp. Hiện QCG tăng 7% lên mức giá trần 6.430 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thành công đạt 105.970 đơn vị và dư mua trần 300.400 đơn vị.

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đẩy các chỉ số trên 2 sàn chính đảo chiều giảm điểm, trong đó VN-Index trở về dưới mốc 720 điểm còn HNX-Index đe dọa ngưỡng 90 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 113 mã tăng và 127 mã giảm, VN-Index giảm 0,13 điểm (-0,02%) xuống 719,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 91,43 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.741 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,76 triệu đơn vị, giá trị 75,1 tỷ đồng.

Trong khi sàn HNX có tới 82 mã giảm và 56 mã tăng, HNX-Index giảm 0,49 điểm (-0,54%) xuống 90,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,27 triệu đơn vị, giá trị 312,59 tỷ đồng. Giao dich thỏa thuận chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip đóng vai trò là lực hãm chính. Trong đó, VN30-Index giảm 2,15 điểm (-0,31%) xuống 686,16 điểm với 11 mã tăng, 18 mã giảm và chỉ 1 mã đứng giá. HNX30-Index giảm 0,77 điểm xuống 165,05 điểm khi có tới 11 mã giảm và chỉ 5 mã tăng.

Mặc dù giữa phiên lấy lại thế cân bằng và một số mã le lói sắc xanh nhưng lực bán về cuối phiên khiến đồng loạt các cổ phiếu ngân hàng vẫn đứng dưới mốc tham chiếu như VCB, BID, CTG, MBB, STB.

Trên sàn HNX, cặp đôi SHB và ACB vẫn giao dịch dịch mạnh với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn lần lượt đạt 6,36 triệu đơn vị và 3,12 triệu đơn vị, nhưng cũng không thoát khỏi sắc đỏ với mức giảm tương ứng 1,62% và 1,72%, đều đứng tại mức giá thấp nhất phiên.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng đua nhau giảm. Lần lượt các mã chứng khoán trên sàn HOSE và HNX cùng lui về dưới mốc tham chiếu như SSI và HCM cùng giảm 0,9%, AGR giảm 5,9%, BVS giảm 0,6%, CTS giảm 1,1%, MBS giảm 1,5%, SHS giảm 2,4%, VND giảm 1,4%, VIX giảm 1,5%.

Trái lại, thông tin giá dầu thô hồi phục vẫn tiếp sức giúp các cổ phiếu họ P duy trì sắc xanh, dù đà tăng còn hạn chế như GAS tăng 0,7%, PVD tăng 0,2%, PLC tăng 1,7%, đáng kể PVI tăng hết biên độ 9,9%.

Các mã trụ cột như VIC, VNM thu hẹp đà tăng, với mức tăng chỉ đạt hơn 0,2%, đã không đủ sức để giúp thị trường bảo toàn sắc xanh trước áp lực bán đang lan rộng.

Mặt khác, các cổ phiếu thị trường quen thuộc cũng chịu lực bán tăng mạnh và chưa thoát khỏi sắc đỏ. Trong đó, ITA giảm 1,2% và khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 8,69 triệu đơn vị.

FLC sau 2 phiên tăng đã đảo chiều giảm trong phiên sáng nay. Với mức giảm 1,1%, FLC chốt phiên tại giá 8.300 đồng/CP và khớp 8,18 triệu đơn vị.

Đáng kể, bộ đôi HAG-HNG chịu sức ép lớn và tiếp tục giảm sâu, thậm chí có thời điểm chạm sàn. Chốt phiên, HAG giảm 4,9% và khớp hơn 7 triệu đơn vị, HNG giảm 6% và khớp 2,83 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, diễn biến thiếu tích cực từ các cổ phiếu lớn đã khiến chỉ số trên sàn hầu hết đứng dưới mốc tham chiếu trong suốt gần hết phiên giao dịch. Tuy nhiên, UPCoM-Index đã bật lên vào cuối phiên và chốt phiên đứng tại mốc tham chiếu 57,33 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,15 triệu đơn vị, giá trị 43,83 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn khá phân hóa. Trong khi HVN, MSH, MSR cùng giao dịch trong sắc đỏ thì VIC, TVB, VIB, VGT đang là lực đỡ chính giúp thị trường lấy lại cân bằng.

Bên cạnh HVN, hầu hết các cổ phiếu khác trong nhóm hàng không cũng giao dịch không mấy khả quan như NCS giảm 1,83%, ACV giảm gần 0,4%.

TIS đang là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn với khối lượng giao dịch đạt 733.200 đơn vị. Dù có thời điểm hồi phục nhưng áp lực bán khiến TIS vẫn đứng dưới mốc tham chiếu khi giảm 1,85%, xuống mức 10.600 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục