Dòng vốn quốc tế dịch chuyển
Theo báo cáo của EPFR Global, dòng vốn đầu tư trên thế giới dịch chuyển đáng kể sang các thị trường mới nổi, một số quỹ nhận được mức vốn vào ròng lớn nhất trong vòng 7 tháng sau khi Fed tăng lãi suất.
Một quan điểm được đưa ra để lý giải diễn biến trên là cổ phiếu ở các thị trường mới nổi đang thấp hơn các cổ phiếu ở thị trường Mỹ, trong khi các nền kinh tế này vẫn ổn định và duy trì tăng trưởng. Nhiều nền kinh tế mới nổi có thể trì hoãn việc tăng lãi suất một thời gian nữa, trong khi Mỹ không thể trì hoãn lâu hơn, nếu không thì rất có thể sẽ phải thực hiện một loạt bước tăng lãi suất cấp bách trong tương lai, điều mà phần lớn thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - những người quyết định lãi suất chiết khấu của Fed, thể hiện quan điểm là họ không muốn như vậy.
Mặt khác, ngày càng nhiều người tỏ ra quan ngại thị trường chứng khoán Mỹ đang trong tình trạng “bong bóng”. Những cá nhân và tổ chức cảnh báo về bong bóng chứng khoán Mỹ bao gồm Robert Shiller (nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2013) và ngân hàng đầu tư hàng đầu Goldman Sachs khi họ lo ngại về mức giá quá cao của cổ phiếu Mỹ, với các chỉ số tăng giá, chỉ số giá trị và chỉ số giá/thu nhập (P/E) ở mức ngang với đỉnh của đợt chu kỳ kinh tế trước.
Một khảo sát gần đây của Bank of America Merrill Lynch cho thấy, 80% nhà đầu tư tham gia khảo sát cho rằng, cổ phiếu Mỹ đang có giá quá cao. Tờ Financial Times đã nhiều lần nhắc đến một số thước đo quan trọng: chỉ số S&P500 đã tăng gần 80% trong 5 năm qua, trong khi lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) chỉ tăng 9%; chỉ số P/E điều chỉnh là 29 lần, cao gần gấp đôi mức bình quân dài hạn. Một số thị trường chứng khoán phát triển khác (như Anh) cũng trong tình trạng tương tự.
Những diễn biến trên chính trường Mỹ đang khiến một số nhà phân tích cho rằng, thị trường có thể xem xét lại những kỳ vọng về chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế do Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn, nhất là chính sách giảm thuế. Liệu Tổng thống sẽ thực hiện được bao nhiêu phần trăm lời hứa, trong khi sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ từ khi ông Donald Trump nhậm chức chủ yếu liên quan đến những kỳ vọng về chính sách kích thích kinh tế của tân Tổng thống.
Bên cạnh thị trường cổ phiếu, người ta cũng nói nhiều đến bong bóng trên thị trường trái phiếu Mỹ, điều mà nhiều người có vẻ đồng thuận hơn là với cổ phiếu, do mối liên hệ chặt chẽ với lãi suất. Lãi suất chính sách tăng thường “ép” lợi suất (yield) của trái phiếu tăng, đồng nghĩa với giá trái phiếu giảm. Báo cáo thị trường trái phiếu lợi suất cao và rủi ro nhiều (junk bond) của Mỹ cho thấy, nhà đầu tư Mỹ đang bán bớt các trái phiếu này, khiến cho tháng 3/2017 có thể đánh dấu một bước ngoặt xấu với thị trường trái phiếu rủi ro cao.
Dòng tiền thoát ra khỏi các trái phiếu này “chạy” vào cổ phiếu Mỹ, hay khiến nhà đầu tư cổ phiếu lo lắng chạy theo là điều chưa biết được. Dòng tiền này đổ mạnh vào các thị trường mới nổi hay sẽ chuyển sang trú ẩn vào vàng là điều cần quan sát thêm. Nếu tiền đổ sang thị trường mới nổi thì điểm đến sẽ là ở đâu?
Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam?
Dòng tiền mới đổ vào cổ phiếu ở thị trường mới nổi có đến Việt Nam hay không và liệu có tiếp sức đẩy thị trường lên hay không, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là ở mặt giá cả và nội lực của nền kinh tế, sau đó là những chuyển động cổ phần hóa và “room” cho khối ngoại ở Việt Nam.
Về mặt giá cả, so với giai đoạn cuối năm 2015, khi giá cổ phiếu Việt Nam được hầu hết nhà đầu tư quốc tế đánh giá là rất rẻ thì hiện tại, giá cổ phiếu đã tăng đáng kể nên không còn thật sự rẻ nữa. Tuy nhiên, mức tăng hơn 10% ở hầu hết các chỉ số và động thái phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cũng như niêm yết của các tập đoàn lớn là một điểm cộng cho thị trường chứng khoán Việt Nam và khiến nhà đầu tư nước ngoài chú ý.
Những bài viết như “IPO Bonanza Shows There's More Juice Left in Vietnam's Stocks Rally” trên Bloomberg ngày 14/3/2017 cho thấy, có nhiều điểm tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bài viết này, tác giả chỉ ra tăng trưởng kinh tế, vốn FDI, chính sách thúc đẩy cổ phần hóa và niêm yết các công ty lớn khiến một số nhà quản lý quỹ và nhà quan sát tỏ ra lạc quan về thị trường cổ phiếu Việt Nam, đồng thời cho rằng, đợt tăng giá vừa qua có thể kéo dài.
Tuy nhiên, giữa lạc quan và thực tế vốn chảy vào thị trường còn có một khoảng cách và cần phải quan sát xem liệu sự lạc quan này có trở thành hiện thực. Nếu không có một lượng vốn ngoại đổ vào đáng kể để kích thích dòng tiền nội, dòng tiền sẽ phân phối ra sao khi có một lượng lớn hàng niêm yết chất lượng cao sẽ được đưa ra thị trường? Đây là câu hỏi dường như đã manh nha xuất hiện đâu đó từ đầu năm nhưng nhanh chóng bị lãng quên sau những đợt tăng giá hứng khởi của thị trường.
Ở khía cạnh kỹ thuật, có vẻ thị trường đang đi vào một sóng tăng giá cuối cùng của đợt tăng giá bắt đầu từ đầu năm ngoái. Sự tăng giá của những cổ phiếu đầu cơ gần đây xem ra ủng hộ quan điểm về sóng tăng cuối này. Khi nào con sóng này dừng lại là điều khó đoán và phụ thuộc nhiều vào sức mạnh của dòng tiền, kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như biến động của dòng tin tức trên thị trường.
Trên quan điểm chủ quan cá nhân, tôi cho rằng, có thể nhiều tin tốt đã được chiết khấu vào giá cổ phiếu, bao gồm lạc quan về kinh tế, các đợt IPO và niêm yết lớn, chính sách “thoáng” hơn với nhà đầu tư ngoại. Những số liệu lạm phát, nhập siêu và động thái chạy đua lãi suất cho thấy, những tin không tốt đang có cơ hội tích tụ.
Do vậy, xu thế tăng giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kích thích lòng tham và thúc đẩy dòng tiền để “giữ lửa” thị trường. Liệu mức tăng hiện tại sẽ kích thích lòng tham của những người thiếu kiên nhẫn? Có lẽ, chúng ta cần thêm những tin tốt mới và có ít tin xấu hơn.