Trong phiên ngày hôm qua, VN-Index tăng lên gần 995 điểm ngay khi mở cửa nhờ sự trở lại của các mã lớn như nhóm Vingroup, VNM, MSN, dầu khí, nhưng sau đó đuối sức do lực cung gia tăng.
Thậm chí có thời điểm VN-Index còn bị đẩy xuống sát tham chiếu khi áp lực bán gia tăng mạnh tại nhóm ngân hàng và MSN, VJC, HPG… Tuy nhiên, nhờ dòng tiền chảy mạnh, chỉ số một lần nữa thoát hiểm đi lên và đóng cửa trên 990 điểm.
Theo nhận định của TVSI, rủi ro điều chỉnh vẫn cần được lưu ý, nhất là khi những tín hiệu bán mạnh đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra thì đây vẫn được đánh giá là yếu tố cần thiết giúp ổn định lại thị trường và củng cố cho xu hướng tăng giá mới.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 28/2, ngay khi mở cửa, áp lực bán đã xuất hiện, khiến VN-Index nhanh chóng chạm xuống ngưỡng 985 điểm.
Mặc dù lực bán không quá cao, các mã cổ phiếu lớn và bluechip theo đó không giảm sâu, nhưng lại diễn ra trên diện rộng khiến bảng điện tử bị sắc đỏ lấn át.
Ngay cả nhóm cổ phiếu thị trường hút dòng tiền gần đây cũng giao dịch thiếu tích cực. Tuy nhiên, đi ngược lại xu hướng đáng chú ý là GTN, khi tăng kịch trần từ sớm và còn dư mua khá lớn, mặc dù bị khối ngoại bán ròng gần 6,5 triệu cổ phiếu.
HBC cũng đang cho thấy sự tích cực, khi tiếp tục xanh, và thanh khoản cao, sau thông tin chuẩn bị phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược và thu hồi 2.900 tỷ đồng công nợ.
Nhóm cổ phiếu họ FLC duy trì mức thanh khoản cao nhất HOSE, nhưng đồng loạt giảm, trong đó ROS giảm sâu nhất khi mất hơn 3%; AMD mất hơn 2,5%, còn FLC chỉ giảm nhẹ.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, một số cổ phiếu lớn bắt đầu có dấu hiệu nới rộng đà giảm như VHM, VRE, MSN, TCB...,qua đó khiến VN-Index tiếp tục đi xuống dưới 985 điểm.
Sau khi thủng mất ngưỡng 985 điểm, VN-Index nhanh chóng bật trở lại sau đó, tuy nhiên, khi chỉ còn cách tham chiếu không xa, chỉ số thêm một lần nữa bị đẩy ngực trở lại, nhưng may mắn khi một số mã lớn tăng trở lại và hãm lại đà rơi của chỉ số.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 96 mã tăng và 151 mã giảm, VN-Index giảm 4,59 điểm (-0,46%), xuống 985,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 98,3 triệu đơn vị, giá trị 2.138,23 tỷ đồng, giảm gần 23% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,9 triệu đơn vị, giá trị 261,8 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và bluechip đồng loạt suy yếu, trong đó, giảm sâu nhất là nhóm cổ phiếu họ Vingroup với VRE -2% xuống 33.800 đồng; VHM -1,9% xuống 90.900 đồng; VIC -0,9% xuống 116.400 đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoại trừ VCB vươn lên được tham chiếu, thì phần còn lại giao dịch trong sắc đỏ với BID -0,8% xuống 33.350 đồng; TCB -0,9% xuống 26.950 đồng; CTG -0,2% xuống 21.100 đồng; VPB -1,2% xuống 20.950 đồng; MBB -0,7% xuống 21.900 đồng; HDB -0,3% xuống 30.500 đồng; STB -0,4% xuống 12.650 đồng và EIB -1,7% xuống 17.600 đồng…
Bên cạnh đó, giảm điểm đáng kể còn có VJC -1,5% xuống 120.900 đồng; ROS -2% xuống 35.000 đồng; MSN -1% xuống 89.000 đồng…
Điểm sáng gần như duy nhất trong nhóm cổ phiếu lớn là GAS, khi tăng khá tốt hỗ trợ chỉ số không giảm sâu. Kết phiên sáng, GAS tăng 2,1% lên 100.600 đồng, khớp lệnh có hơn 0,4 triệu đơn vị.
Ngoài GAS thì chỉ còn 2 bluechip giữ được sắc xanh là DHG +0,1% lên 116.100 đồng và DPM +0,2% lên 20.450 đồng.
Khớp lệnh cao nhất là CTG với gần 3,6 triệu đơn vị; ROS có 3,2 triệu đơn vị; STB có 2,3 triệu đơn vị; MBB có 2,1 triệu đơn vị. Nhóm các mã VPB, CII, TCB, HPG có từ 1 triệu đến 1,9 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa, trong đó FLC, HAG, AMD, ITA, KBC điều chỉnh, trong đó FLC khớp lệnh cao nhất HOSE với gần 8 triệu đơn vị.
Ngược lại thì giao dịch trong vùng tích cực là ASM, SCR, PVD, DXG, EVG, OGC, và đặc biệt vẫn là GTN khi giữ vững sắc tím, +6,8% lên 14.050 đồng, khớp hơn 1,22 triệu đơn vị.
Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của GTN sau phiên hôm qua. Trong phiên hôm nay, ngoài sắc tím và còn dư mua giá trần gần 1,3 triệu đơn vi, GTN còn gây chú ý với giao dịch của khối ngoại. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán mạnh tới hơn 6,5 triệu cổ phiếu GTN, tương đương hơn 87 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa số giao dịch diễn ra ở phiên thỏa thuận, nên không tác động tiêu cực lên diễn biến giá của GTN trong phiên khớp lệnh.
Bên cạnh đó, một số mã khác đáng chú ý là HBC +2,3% lên 20.200 đồng; C32 +3,5% lên 29.400 đồng; KSB +5% lên 27.400 đồng; STK tăng trần +6,8% lên 18.150 đồng; DCL tăng trần lên 12.700 đồng…
Trên sàn HNX, diễn biến của chỉ số HNX-Index khá tương đồng so với phiên sáng hôm qua, khi phần lớn ở trên vùng xanh trong khoảng nửa đầu phiên, nhưng sau đó cũng dần đuối sức và tạm kết phiên ở dưới tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 35 mã tăng và 51 mã giảm, HNX-Index giảm 0,26 điểm (-0,25%), xuống 107,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,6 triệu đơn vị, giá trị 226,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,36 triệu đơn vị, giá trị 11,5 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa, nhưng phần lớn giảm điểm với ACB -0,7% xuống 30.400 đồng; SHB -1,3% xuống 7.500 đồng; SHS -2,5% xuống 11.700 đồng; VCG -0,7% xuống 28.200 đồng; VGC -0,9% xuống 21.400 đồng; CEO -0,7% xuống 13.400 đồng; VCS -0,6% xuống 67.000 đồng; TV2 -2,3% xuống 127.000 đồng…
Ngược lại thì PVS +1% lên 21.000 đồng; PVI +0,9% lên 34.000 đồng; PGS +5,7% lên 37.000 đồng; DBC +2,4% lên 25.400 đồng; HUT +2,8% lên 3.700 đồng…
Đáng chú ý, cổ phiếu nhỏ PVX tăng trần +7,1% lên 1.500 đồng và khớp lệnh cao nhất sàn HNX với khối lượng đột biến hơn 10 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp của PVX, từ 1.000 đồng, lên 1.500 đồng, tương đương mức tăng 50%.
Tiếp theo là PVS với hơn 2,88 triệu đơn vị; HUT có 1,4 triệu đơn vị; ACB có 0,97 triệu đơn vị; VGC có 0,89 triệu đơn vị…
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chỉ chớm xanh khi mở cửa, và sau đó nhanh chóng bị đẩy xuống vùng dưới tham chiếu trong phần còn lại của phiên.
Nhóm cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực là MPC, LPB, VIB, NTC, VEA, VGT, BSR, QNS, ACV…Trong khi giữ được sắc xanh chỉ còn HVN, VGI, OIL, MSR.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,34%), xuống 55,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,58 triệu đơn vị, giá trị 134,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,36 triệu đơn vị, giá trị 105,8 tỷ đồng, trong đó, phần lớn là 6,3 triệu cổ phiếu GVR trị giá 69,3 tỷ đồng.