Phiên sáng 26/12: Đu theo ông lớn

(ĐTCK) Dù số mã tăng chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, nhưng VN-Index chỉ chớm xanh ít phút đầu phiên, rồi quay đầu giảm điểm do sức ép đến từ cặp đôi VNM và SAB.
Phiên sáng 26/12: Đu theo ông lớn

Tâm lý thận trọng, cùng việc nhà đầu tư nước ngoài nghỉ lễ khiến giao dịch thị trường thời gian qua diễn ra khá ảm đạm. Diễn biến của VN-Index cũng bị phụ thuộc lớn vào một vài mã lớn, nhất là cặp đôi VNM và SAB - 2 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Việc VN-Index phụ thuộc vào một vài mã lớn khiến diễn biến của VN-Index bị lệch lạc, không phản ánh đúng diễn biến chung của thị trường và phiên sáng nay cũng như vậy.

Lực cung giá thấp tiết giảm giúp đa số các mã trên sàn hồi phục trở lại, với sắc xanh nhiều gấp 2 lần sắc đỏ, giúp VN-Index mở cửa phiên đầu tuần mới tăng nhẹ.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, số mã tăng giá vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Tuy nhiên, với việc SAB giảm mạnh hơn 3% và VNM giảm gần 1% khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu giảm điểm, bất chấp sự hỗ trợ của hàng loạt mã khác, trong đó cũng có nhiều mã lớn như VCB, GAS, ROS, MSN, HPG...

Với việc VN-Index bị méo mó, nhiều nhà đầu tư đã không còn quá chú ý đến diễn biến của chỉ số được xem là “nhiệt kế” của thị trường này nữa, mà chủ yếu tập trung vào những nhóm, hoặc các cổ phiếu cụ thể.

Trong phiên sáng nay, dòng tiền không bị hút mạnh vào nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ như trước, mà lại tập trung lớn vào các cổ phiếu ngành thép. Trong đó, 2 cổ phiếu đầu ngành là HPG và HSG đang có giao dịch tốt cả về thanh khoản và giá. Hiện HPG tăng 1,16% với 1,35 triệu đơn vị được khớp và HSG tăng 0,39% với hơn 1,17 triệu đơn vị được khớp.

Thông tin quan trọng liên quan đến nhóm cổ phiếu này là việc gần 20 công ty sản xuất thép xây dựng với nhiều tên tuổi lớn đã cùng ký tên trong đơn kiến nghị khẩn thiết mong Bộ Công thương, Bộ Tài chính có các giải pháp kịp thời để bảo vệ sản xuất trong nước trước việc một số nhà nhập khẩu “thay tên đổi họ” thép nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh bị áp thuế tự vệ tạm thời. Trước kiến nghị này, Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, sẽ cân nhắc việc thành lập các đoàn thanh kiểm tra, trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu trong nước. Tinh thần chung là không để xảy ra tình trạng lợi dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo hộ, bảo vệ cho một nhóm hay cá nhân đơn lẻ, hoặc tạo lợi thế riêng cho bất cứ một doanh nghiệp nào.

Về cuối phiên, với việc đà giảm của SAB và VNM được hãm lại, VN-Index đã may mắn đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index tăng 0,36 điểm (+0,05%), lên 664,73 điểm với 119 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,37 triệu đơn vị, giá trị 1.223,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,59 triệu đơn vị, giá trị 461 tỷ đồng với đóng góp chủ yếu từ KBC với 8,7 triệu đơn vị, giá trị 125,7 tỷ đồng.

Từ mức giảm hơn 3%, SAB đóng cửa chỉ còn giảm 1,5%, xuống 197.000 đồng và chỉ được khớp 66.390 đơn vị. VNM cũng chỉ còn giảm 0,65% từ mức giảm gần 1% lúc đầu phiên sáng, đóng cửa ở mức 132.200 đồng với 266.680 đơn vị được khớp.

Trong khi đó, các mã lớn khác như VCB, MSN, ROS đều giữ được đà tăng, dù không quá mạnh. Trong đó, thanh khoản lớn nhất là ROS với gần 1,05 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự hỗ trợ của các mã khác như BVH, STB, SSI, DPM…

Hai cổ phiếu hàng đầu của ngành thép tiếp tục duy trì đà tăng tốt, trong đó HPG đóng cửa tăng 1,98%, lên 43.800 đồng với 2,39 triệu đơn vị được khớp, HSG tăng 0,58%, lên 51.600 đồng với 1,49 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ không có sức hút như trước khi mã có thanh khoản tốt nhất là HQC cũng chỉ được khớp gần 2,44 triệu đơn vị. Biên độ dao động giá của các mã này cũng khá hẹp.

Trong khi đó, trên HNX, sắc xanh của HNX-Index được duy trì lâu hơn VN-Index nhờ sự hỗ trợ của ACB và một số mã bluechip khác. Tuy nhiên, chỉ số này cũng không duy trì được đà tăng khi nhóm dầu khí hạ nhiệt, lùi về tham chiếu, VCG quay đầu giảm.

Sau khoảng thời gian dài dao động trong sắc đỏ, HNX-Index cũng may mắn có được sắc xanh nhạt khi chốt phiên sáng nay khi VCG về tham chiếu, SHB đào chiều tăng, ACB và VCS giữ vững được đà tăng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,04 điểm (+0,06%), lên 79,12 điểm với 53 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 14 triệu đơn vị, giá trị 143 tỷ đồng.

Sức hấp dẫn của KLF cũng không còn được duy trì khi cổ phiếu này chỉ được khớp chưa hơn nửa triệu đơn vị. Tuy nhiên, KLF cũng kịp về mức giá tham chiếu 2.400 đồng khi chốt phiên và đây cũng là mức giá cao nhất trong phiên sáng của KLF.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục