Giá trị thương hiệu đạt tầm khu vực
Tạp chí Forbes vừa bình chọn 40 công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam, trong đó thương hiệu Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) trị giá 1,52 tỷ USD, đứng đầu danh sách. Giá trị thương hiệu Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) xếp thứ 3, đạt 247 triệu USD.
Giá trị thương hiệu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - CTG) là 147 triệu USD, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank-VCB) là 135 triệu USD, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group - MSN) là 126 triệu USD, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) là 125 triệu USD, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) là 77 triệu USD, Ngân hàng Quân đội (MBBank - MBB) là 61,7 triệu USD…
Có thể thấy, Top những thương hiệu dẫn đầu hầu hết thuộc về các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán, đóng góp không nhỏ vào giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh thành công với các công ty nước ngoài tại thị trường trong nước, mà còn hướng đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chẳng hạn, Vinamilk hiện chiếm khoảng 49% thị phần sữa trong nước, cạnh tranh ngang ngửa với các công ty đa quốc gia như FrieslandCampina, Abbot, MeadJohnson, Nestle, Nutrifood… Bên cạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa, Vinamilk còn đẩy mạnh xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới và coi đây là một trong hướng phát triển chủ lực, tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu doanh thu ngày càng tăng, từ mức 13% năm 2011 lên 20% năm 2015.
Hay Sabeco, tuy mới lên sàn ngày 6/12/2016, nhưng những sản phẩm của Tổng công ty đã tạo dựng được vị thế trong lòng người tiêu dùng từ hàng chục năm trước.
Với 24 nhà máy, tổng công suất khoảng 1,8 tỷ lít bia/năm, Sabeco hiện đứng vị trí thứ 17 trong các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, Top 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á, chiếm trên dưới 40% thị phần tại Việt Nam - thị trường tiêu thụ bia lớn thứ ba châu Á và được đánh giá là còn dư địa tăng trưởng lớn.
Nhiều doanh nghiệp khác đứng đầu trong ngành hoạt động kinh doanh chính như: Vingroup dẫn đầu trong mảng chuyển nhượng, cho thuê bất động sản và khách sạn giải trí; Masan Group được mệnh danh là “ông vua” ngành hàng tiêu dùng; tương tự là MWG trong ngành bán lẻ điện máy, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) trong lĩnh vực phân phối khí…
Vốn lớn, lợi nhuận lớn
Không chỉ nhóm ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MBBank, với đặc thù kinh doanh tiền tệ, có nguồn tiền mặt dồi dào, áp dụng các chuẩn mực an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, mà các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thuộc Top đầu cũng đều có cơ cấu tài chính lành mạnh, nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo báo cáo tài chính, Vingroup gây ấn tượng với số lượng tiền mặt dồi dào, khác với nhiều doanh nghiệp cùng ngành bất động sản, dù Công ty duy trì cơ cấu tài chính sử dụng nhiều nợ vay. Báo cáo tài chính quý III/2016 của Vingoup cho thấy, tiền và tương đương tiền thời điểm cuối quý III là hơn 9.650 tỷ đồng.
Năng lực tài chính mạnh giúp Vingroup chủ động thực hiện các dự án, thâu tóm thêm quỹ đất, vươn lên trở thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu và thành công khi mở rộng sang các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế (Vinmec), giáo dục (Vinschool), bán lẻ (Vinmart), nông nghiệp sạch…
Với GAS, khó khăn của ngành dầu khí khiến kết quả kinh doanh và mức vốn hóa của Tổng công ty giảm đáng kể trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cơ cấu tài chính của GAS lan toàn, có nguồn vốn dồi dào để tài trợ cho các dự án mới.
Tính đến hết quý III/2016, GAS có khoản tiền và tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn các loại lên đến 23.400 tỷ đồng, chiếm 40% tổng tài sản. Trong cơ cấu tài chính, tổng nợ phải trả chỉ chiếm 27,4%, trong đó nợ vay ngắn hạn và dài hạn chiếm 12,4% tổng nguồn vốn; các chỉ số về khả năng thanh toán đều ở mức cao.
Trừ một vài doanh nghiệp đặc thù, lọt vào Top vốn hóa tỷ USD do vốn điều lệ và giá cổ phiếu tăng quá “nóng”, hầu hết doanh nghiệp vốn hóa lớn, kết quả kinh doanh có xu hướng tăng trưởng trong thời gian dài, thể hiện sức tăng trưởng bền vững, chứ không “sớm nở, tối tàn”.
Theo ước tính mới nhất về kết quả kinh doanh năm 2016 của Vinamilk, doanh thu dự kiến cả năm đạt 46.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9.310 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 20% so với năm 2015, vượt xa kế hoạch và gấp lần lượt 12 lần và 20 lần so với năm 2003 khi tiến hành cổ phần hóa.
Mức tăng trưởng doanh thu bình quân trong giai đoạn 2010 - 2015 của Vinamilk là 20% (lợi nhuận tăng trưởng 16,53%), trong khi mức tăng trưởng bình quân của ngành thực phẩm, đồ uống là 14%.
Với Vingroup, doanh thu và lợi nhuận trong 5 năm vừa qua tăng trưởng bình quân lần lượt 95,6% và 8,5%. 9 tháng đầu năm 2016, với sự phục hồi của thị trường bất động sản, Vingroup có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm VN-30, với mức tăng 210% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, trong giai đoạn 2010 - 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sabeco tăng trưởng bình quân 9,4% và 5,37%. 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Sabeco tăng 8,88%, lợi nhuận trước thuế tăng 21%. Lợi nhuận của Massan Group trong 9 tháng đầu năm tăng 117%.
Thông tin tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2016 của GAS vừa qua cho biết, ước tính, năm nay Tổng công ty sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 4 - 9%.
Theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, chỉ tiêu doanh thu là 54.751 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 7.085 tỷ đồng, dựa trên kịch bản giá dầu 60 USD/thùng. Hoàn thành vượt mức kế hoạch là nỗ lực đáng ghi nhận của GAS trong bối cảnh năm 2016, giá dầu chưa bao giờ đạt đến con số như trong kịch bản và hàng loạt doanh nghiệp trong ngành dự báo không đạt kế hoạch kinh doanh đề ra.