Phiên sáng 26/1: Hoảng hồn

(ĐTCK) Thị trường đang bừng bừng đi lên thì bất ngờ trượt chân lao dốc bởi áp lực bán gia tăng mạnh VN-Index co giật mạnh, chỉ trong hơn 10 phút, chỉ số này đã mất tới hơn 20 điểm. Tuy nhiên, sự trở lại nhanh chóng của dòng bank cùng một số mã lớn đã giúp thị trường bật lên và hồi phục tích cực.
Phiên sáng 26/1: Hoảng hồn

Bất chấp những lo ngại về xu hướng tăng nóng hay động thái “ngừng giao dịch” của HOSE, dòng tiền dồn nén đã bung mạnh trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 25/1) khiến thanh khoản thị trường bùng nổ.

Chỉ tính riêng sàn HOSE đã có tới hơn 510 triệu cổ phiếu được giao dịch với tổng giá trị vượt con số kỷ lục 14.000 tỷ đồng.

Không chỉ dòng tiền nội chảy mạnh, nhà đầu tư nước ngoài cũng có phiên giao dịch sôi động chào đón ngày trở lại của HOSE sau 2 phiên liên tiếp ngừng giao dịch. Khối này đã giao dịch mua bán hàng nghìn tỷ đồng và mua ròng tới 740 tỷ đồng trong phiên 25/1. Và dự báo dòng tiền này sẽ tiếp tục chảy mạnh hơn nữa bởi có nhiều trợ lực.

Theo đánh giá của ông Võ Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS), lãi suất vay dự báo năm 2018 sẽ ở mức thấp khoảng 8,5%/năm và chi phí lãi vay các dịch vụ chứng khoán ở mức hợp lý sẽ giúp dòng vốn nội tham gia vào thị trường chứng khoán mạnh hơn. Bên cạnh đó, quy mô thị trường tăng lên cùng nhiều cơ hội đầu tư mới cũng khiến dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót mạnh vào thị trường chứng khoán trong nước.

Với độ dốc tăng mạnh của VN-Index cùng mức thanh khoản cao kỷ lục khiến nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra cảnh báo về mức rủi ro của thị trường cao hơn trong ngắn hạn. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu bluechip và dòng bank sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt, dẫn dắt thị trường duy trì đà tăng điểm trong phiên cuối tuần này.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 26/1, cuộc đua của các cổ phiếu trong nhóm bluechip tiếp tục dẫn nhịp tăng mạnh cho thị trường, chỉ số Vn-Index nhanh chóng tiếp cận mốc 1.120 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch dù dòng tiền tham gia có phần thận trọng hơn.

Các mã bluechip vẫn tiếp tục tăng tốc giúp thị trường nới rộng đà tăng điểm khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, ngay sau khi vượt qua ngưỡng 1.120 điểm, thị trường bất ngờ quay đầu đi xuống trước áp lực bán gia tăng. 

Lực bán chốt lời ngày càng dâng cao khiến sắc đỏ dần chiếm áp đảo, trong đó nhóm cổ phiếu VN30 cũng diễn biến tiêu cực khi nhiều mã quay đầu điều chỉnh và giảm sâu. Chỉ trong hơn 10 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đã có mức biến động tới hơn 20 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên phân hóa, trong khi BID không còn giữ sắc tím nhưng vẫn tăng khá mạnh thì VCB, STB và VPB đảo chiều giảm.

Bên cạnh đó, nhiều mã vốn hóa lớn như VJC, SAB, MSN, PLX, ROS… cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu. Đáng kể, VJC dù mở cửa vẫn giữ sắc tím nhưng đã nhanh chóng lao dốc do chịu lực bán mạnh và đảo chiều sau 2 phiên tăng trần, với mức giảm 4,3% xuống 191.000 đồng/Cp sau hơn 30 phút giao dịch.

Tuy nhiên, màn “trượt chân” chỉ xẩy ra trong chốc lát và VN-Index đã nhanh chóng hồi phục mạnh nhờ sự dẫn dắt của các mã bluechip và vốn hóa lớn. Trong đó, bên cạnh VJC dần lấy lại thăng bằng thì dòng bank cũng đua nhau khởi sắc, trong đó lực cầu hấp thụ mạnh giúp BID trở lại tím trần.

Không còn thuận lợi như phiên sáng qua và dòng tiền cũng có phần thận trọng hơn trong phiên sáng nay 26/1 khiến thị trường biến động khá mạnh. Sau khi rơi xuống dưới mốc tham chiếu và hồi phục, thị trường cũng đã đón nhận thêm những nhịp rung lắc và lùi về sát mốc tham chiếu trước khi bật cao trở lại.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE khá cân bằng với 138 mã tăng và 142 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 13,39 điểm (+1,21%) lên mức 1.117,96 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 162,6 triệu đơn vị, giá trị 5.111,24 tỷ đồng, giảm mạnh 47,78% về lượng và 41,61% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,39 triệu đơn vị, giá trị 421,62 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng “ông lớn” VNM là trụ đỡ chính của thị trường. Trong đó, VNM tăng khá tốt sau phiên điều chỉnh hôm qua, với mức tăng 2,2% lên mức 211.600 đồng/CP.

Ở dòng bank, cổ phiếu BID tăng trần khá ổn định nhờ lực cầu nội và ngoại khá lớn. Chốt phiên, BID tăng hơn 6,9% lên mức giá 32.500 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 5,3 triệu đơn vị và dư mua trần 1,27 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng hơn 0,6 triệu đơn vị.

Các mã khác trong nhóm cũng đua nhau khởi sắc như VCB tăng 1,92% lên mức 69.000 đồng/Cp, CTG tăng 1,68% lên mức 27.200 đồng/Cp, MBB tăng 4,88% lên mức 31.150 đồng/Cp, STB tăng 1,95% lên mức 15.700 đồng/Cp với khối lượng khớp 13,36 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng không còn giữ phong độ như phiên trước, trong đó GAS mất sắc tím và chỉ còn tăng 2,4% lên mức giá 116.000 đồng/Cp, PVD lùi về mốc tham chiếu, còn PLX quay đầu giảm nhẹ 0,1%.

Trong khi đó, cổ phiếu lớn ngành hàng không VJC đã hãm đà rơi mạnh và chốt phiên giảm 0,8%, xuống mức 198.000 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, SAB, MWG, CTD, KDC cũng đảo chiều giảm.

Không chỉ có nhóm cổ phiếu bluechip, các cổ phiếu thị trường cũng khá phân hóa. Trong khi HAG, ASM, HBC, KBC, DIG, QCG… giảm, thì SCR, FLC, HQC, DXG, HAI… có chút rung lắc nhưng vẫn giữ được sắc xanh.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng khá rung lắc khiến chỉ số HNX-Index liên tục đổi sắc. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên, sàn HNX với 48 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index giảm 0,28 điểm (-0,22%) xuống 126,34 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 42,84 triệu đơn vị, giá trị hơn 686 tỷ đồng, giảm 22,74% về lượng và giảm 28,83% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,39 triệu đơn vị, giá trị 58,52 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACB chỉ còn xanh nhạt với mức tăng nhẹ 0,24% lên mức 41.900 đồng/CP và khớp 3,26 triệu đơn vị; trong khi đó SHB quay về mốc tham chiếu 12.200 đồng/CP và khớp 14,53 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, chỉ còn PVS tăng nhẹ, các mã khác như PVC, PLC, PGS, PVI, PVB đều quay đầu giảm điểm.

Nhóm chứng khoán cũng giao dịch thiếu tích cực khi BVS, MBS, SHS, VDS, VIG, VIX… cũng đều đứng dưới mốc tham chiếu.

Trên sàn UPCoM, sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ trước lực cung giá thấp dâng cao.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,61 điểm (-1,02%) xuống mức 59,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,48 triệu đơn vị, giá trị 129,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 40.810 đơn vị, giá trị 1,71 tỷ đồng.

Các mã lớn như HVN, DVN, VGT, MSR, TVN, ACV, LPB… đều đua nhau giảm điểm, là tác nhân chính đẩy thị trường về dưới mốc tham chiếu.

Trong đó, LPB vẫn dẫn đầu về thanh khoản trên sàn UPCoM với 1,84 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Tiếp đó HVN với 1,46 triệu đơn vị, SBS với 1,18 triệu đơn vị và DVN với hơn 1 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục