Trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, phản ứng tích cực với gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD mà Mỹ sắp triển khai (2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tiến gần tới thỏa thuận để thông qua tại Quốc hội), cùng các gói kích thích kinh tế ở các nước khác, chứng khoán toàn cầu đã có phiên giao dịch bùng nổ. Trong đó, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của phố Wall tăng từ hơn 8% đến hơn 11%, riêng Dow Jones với mức tăng 11,37% xác lập mức tăng kỷ lục trong 1 phiên kể từ năm 1933.
Trước đó, chứng khoán châu Âu và châu Á cũng đóng cửa phiên thứ Ba với mức tăng rất mạnh.
Hòa cùng chứng khoán thế giới, chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên sáng nay cũng nhảy vọt gần 18 điểm với sắc xanh bao trùm bảng điện tử (số mã tăng gấp hơn 2 lần số mã giảm).
Chốt phiên, VN-Index tăng 16,2 điểm (+2,46%), lên 675,41 điểm với 259 mã tăng, trong khi chỉ có 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 157,6 triệu đơn vị, giá trị 2.565 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,65 triệu đơn vị, giá trị 909 tỷ đồng.
Các mã bluechip đa số đã đảo chiều tăng trở lại, kể cả VIC, VHM cũng có lúc có sắc xanh, trước khi đóng cửa ở tham chiếu, đặc biệt VCB, BVH, PNJ còn leo lên mức giá trần, sau đó chỉ còn BVH giữ được sắc tím. Chỉ còn một số mã giảm như VRE, EIB, MSN, NVL, TPB, nhưng mức giảm cũng không còn quá mạnh.
Cụ thể, VCB tăng 6,72% lên 61.900 đồng, có lúc lên mức trần 62.000 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị. VNM tăng 6,16% lên 91.400 đồng, khớp 1,63 triệu đơn vị. BID tăng 5,06% lên 33.200 đồng, khớp 0,74 triệu đơn vị. GAS tăng 5,52% lên 59.300 đồng, khớp 0,6 triệu đơn vị. CTG tăng 4,1% lên 19.050 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị. SAB tăng 1,3% lên 117.000 đồng, khớp dưới 100.000 đơn vị. TCB tăng 2,48% lên 16.500 đồng, khớp 1,97 triệu đơn vị.
Các mã khác cũng có mức tăng tốt như VPB, HPG, MBB, GVR, MWG, HDB, BHN, STB với mức tăng từ hơn 2% đến hơn 3%, thậm chí PLX tăng 5,07% lên 39.400 đồng, POW tăng 4,38% lên 7.860 đồng. Hai mã hàng không là VJC và HVN cũng hồi phục trở lại, trong đó VJC tăng 1,14% lên 97.600 đồng, còn HVN tăng tốt hơn với 3,83% lên 19.000 đồng.
Trong số các mã này, STB có thanh khoản tốt nhất với gần 5,3 triệu đơn vị, tiếp đến là HPG hơn 4,5 triệu đơn vị, MBB gần 4 triệu đơn vị, VPB, HDB, POW hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu nhỏ, cặp đôi cổ phiếu thị trường AMD và HAI tiếp tục chịu cảnh bán tháo mạnh. Dù lực cầu đã gia tăng đáng kể so với các phiên trước, nhưng chỉ đủ để hấp thụ cả triệu dư bán sàn trước đó, chứ không đủ sức giúp cặp đôi này tiếp tục xuống sàn và vẫn còn dư bán sàn hàng triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, AMD khớp gần 13 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE, đóng cửa ở mức sàn 3.640 đồng và còn dư bán sàn gần 11,8 triệu đơn vị. HAI cũng đóng cửa ở mức sàn 3.420 đồng, khớp 8,4 triệu đơn vị và còn dư bán sàn gần 8,8 triệu đơn vị.
ROS là mã có thanh khoản đứng giữa AMD và HAI với 9,73 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 3,97% xuống 4.360 đồng.
Các mã khác cũng có sự phục hồi, nhưng biến động không lớn như FLC tăng 2,23% lên 3.210 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị. HQC tăng 1,8% lên 1.130 đồng, khớp 3,36 triệu đơn vị. DLG đứng giá tham chiếu 1.800 đồng, khớp 2,9 triệu đơn vị…
Tương tự, sàn HNX cũng nhảy vọt khi mở cửa phiên sáng nay dù số mã tăng không quá áp đảo so với số mã giảm, nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,08 điểm (+2,15%) lên 99,03 điểm với 72 mã tăng và 56 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27 triệu đơn vị, giá trị 236 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 35,6 tỷ đồng.
Cũng như HOSE, các mã lớn trên HNX đều lấy lại phong độ rất tốt, trong đó ACB tăng 3,57% lên 20.300 đồng, khớp 2,15 triệu đơn vị. SHB tăng 3,36% lên 12.300 đồng, khớp 2,32 triệu đơn vị. VCS tăng 3,05% lên 54.000 đồng, PVI tăng 2,61% lên 27.500 đồng, IDC tăng 4,82% lên 17.400 đồng. Ngoài ra, PVS tăng 3,92% lên 10.600 đồng, khớp 2,29 triệu đơn vị. NVB tăng 4,76% lên 8.800 đồng, khớp 1,94 triệu đơn vị. VCG đứng giá tham chiếu 24.500 đồng.
Trong số các mã lớn, chỉ có VIF giảm 2,75% xuống 17.700 đồng, nhưng thanh khoản lẹt đẹt.
Trong khi đó, KLF tiếp tục bị bán tháo và đóng cửa ở mức sàn 1.800 đồng, khớp 3,79 triệu đơn vị, còn dư bán sàn 0,7 triệu đơn vị.
Trên thị trường UPCoM, diễn biến tích cực cũng giống 2 sàn niêm yết khi chỉ số chính của thị trường này tăng tốt ngay từ đầu và duy trì mức tăng này đến hết phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (+1,29%), lên 49,14 điểm với 95 mã tăng 42 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,9 triệu đơn vị, giá trị 106 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,8 triệu đơn vị, giá trị 24,6 tỷ đồng.
Toàn bộ các mã lớn đáng chú ý trên thị trường này đều tăng giá, ngoại trừ MSR đứng giá và KLB không có giao dịch.
Trong đó, LPB và BSR vẫn la 2 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. Đóng cửa, LPB tăng 4,92% lên 6.400 đồng, BSR tăng 1,79% lên 5.700 đồng.
Mã tăng tốt nhất là VTP với mức tăng 13,86% lên 99.400 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ 80.000 đơn vị được khớp.