Sau chuỗi tăng mạnh đầu năm và liên tiếp thiết lập đỉnh lịch sử mới, VN-Index đã đảo chiều khi xác lập mức đỉnh lịch sử mới 1.210 điểm trong phiên 10/4 (trước đó, phiên 9/4, VN-Index đã xác lập mức đỉnh đóng cửa lịch sử 1.204,33 điểm).
Thị trường đã có chuỗi 3 tuần giảm mạnh liên tiếp cuối tháng 4 với việc VN-Index mất hơn 124 điểm. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, thị trường hồi phục trở lại, nhưng với kịch bản cũ là thanh khoản sụt giảm, càng gây lo lắng cho nhà đầu tư trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Trước đó, thị trường liên tục có những phiên hồi phục với thanh khoản thấp, thì ngay sau đó là phiên lao dốc mạnh.
Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, cũng là phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, cả 2 chỉ số đều có sắc xanh, nhưng VN-Index nhanh chóng quay đầu đảo chiều và đi thẳng xuống dưới ngưỡng 1.040 điểm do lực bán mạnh diễn ra ở một số mã bluechip. Trong đó, HNX-Index sau hơn 1 tiếng giằng co, cuối cùng cũng đầu hàng trước áp lực bán lớn.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch sáng nay, GAS và PVD bị bán tháo mạnh và đồng loạt xuống mức sàn 103.700 đồng và 15.850 đồng với dư bán sàn còn khá lớn. Trong đó, với GAS, đây là phiên giảm sàn thứ thứ 3 liên tiếp sau thông tin diễn biến về việc thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí chưa có gì mới trong năm nay.
Trong khi đó, PLX lại trái ngược khi tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, lên 66.000 đồng và còn dư mua giá trần.
Cũng bị bán tháo mạnh như GAS và PVD là HSG khi giảm sàn xuống 15.600 đồng với gần 4 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị.
Ngoài các mã trên, VN-Index còn chịu sức ép từ đà giảm khá mạnh của cặp đôi VIC – VRE, hay NVL, BHN…
Nhiều nhà đầu tư lo ngại về tâm lý “Sell in May” khiến thị trường giảm trong tháng 5. Tuy nhiên, theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong 12 năm trở lại đây, số tháng tăng giảm trong tháng 5 là cân bằng nhau. Tương tự, trong 5 phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, số lần tăng giảm của thị trường cũng tương đương nhau.
Sau nhịp rơi xuống dưới 1.045 điểm, những nỗ lực bắt đáy xuất hiện trở lại kéo VN-Index vươn lên trên tham chiếu đôi chút, tuy nhiên, áp lực bán vẫn quá mạnh, trong khi lực cầu mất dần, khiến VN-Index lao dốc trở lại, chốt phiên sáng mất gần 13 điểm cùng dấu hiệu thanh khoản sụt giảm.
Điểm nhấn trong phiên sáng nay là diễn biến tiêu cực ở nhiều cổ phiếu lớn, mất điểm mạnh, kéo theo động lực tâm lý thị trường suy giảm theo như VIC, GAS, HSG, NVL… cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 99 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index giảm 12,92 điểm (-1,23%), xuống 1.037,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 89,84 triệu đơn vị, giá trị 2.612,73 tỷ đồng, giảm gần 17% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên sáng 27/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,59 triệu đơn vị, giá trị 524 tỷ đồng.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn một nửa đã mất điểm, trong đó VIC mất 4,4% xuống 120.400 đồng, khớp 1,53 triệu đơn vị; VNM giảm 0,1% xuống 184.800 đồng; 2 mã ngân hàng lớn là BID giảm 1,4% xuống 35.600 đồng; CTG giảm 1,7% xuống 28.800 đồng. Đặc biệt là GAS, khi vẫn nằm sàn -7% xuống 103.700 đồng.
Nhóm cổ phiếu tăng điểm không mã nào tăng đến 1% như MSN tăng 0,2% lên 92.000 đồng; VCB tăng 0,3% lên 60.200 đồng; SAB tăng 0,9% lên 215.000 đồng; VJC tăng 0,1% lên 187.100 đồng, cùng VRE đứng tham chiếu ở mức 46.300 đồng.
Nhóm ngân hàng ngoài VCB tăng nhẹ thì màu xanh chỉ còn hiện diện ở MBB khi +0,2% lên 29.950 đồng, khớp 1,63 triệu đơn vị, còn lại cũng đều đi xuống.
Cụ thể, VPB giảm 0,7% xuống 53.100 đồng, khớp hơn 900.000 đơn vị STB giảm 1,8% xuống 13.600 đồng, khớp 2 triệu đơn vị; HDB giảm 1,9% xuống 42.000 đồng, khớp hơn 440.000 đơn vị; EIB giảm 2% xuống 14.800 đồng; Tân binh TPB bị đẩy xuống tham chiếu ở mức 30.200 đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí phiên sáng nay với đà giảm mạnh của GAS đã ảnh hưởng xấu đến các mã khác khi PXS, PGC, và đặc biệt là PVD, khi mã này cũng giảm về mức giá sàn -6,8% xuống 15.850 đồng, khớp 2,16 triệu đơn vị,
Ngược lại, PLX lại bất ngờ đi ngược lại xu thế của nhóm, khi tăng lên mức giá trần +7% lên 66.000 đồng, khớp hơn 640.000 đơn vị.
Nhóm bluechip VN30 tuy có sự cân bằng nhất định về số mã tăng và giảm, nhưng với việc nhiều cổ phiếu lớn giảm sâu, trong khi các mã tăng chỉ với biên độ thấp cũng đã góp phần kéo lùi thị trường chung.
Những mã giảm điểm ngoài GAS nằm sàn và VIC lùi sâu thì còn có NVL -5,5% xuống 58.100 đồng, khớp 1,71 triệu đơn vị; ROS -3,6% xuống 82.900 đồng; DHG -2,5% xuống 97.500 đồng, và đặc biệt là HSG, khi cũng về mức giá sàn -6,9% xuống 15.600 đồng, khớp lệnh có hơn 4,25 triệu đơn vị.
Ngược lại, một số mã tăng nhẹ nhưng đi kèm thanh khoản khá tốt chỉ còn SBT +1,9% lên 18.450 đồng, khớp lệnh 5,15 triệu đơn vị, cao nhất nhóm và toàn sàn HOSE; HPG tăng 1,7% lên 54.700 đồng, khớp 2,27 triệu đơn vị; FPT tăng 0,7% lên 57.400 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị…
Nhóm còn lại như MWG, BMP, NT2, GMD, REE chỉ tăng trên dưới 1%, thanh khoản tốt nhất thuộc về REE, nhưng cũng chỉ có hơn 320.000 đơn vị được khớp.
Nhóm cổ phiếu còn lại trên thị trường như bất động sản xây dựng với ảnh hưởng từ VIC, NVL, ROS, cũng bị sắc đỏ lấn át như FLC, KBC, ITA, SCR, HQC, DXG, LDG, PDR, VRC, KDH, DIG, NLG…khớp lệnh cao nhất là FLC với hơn 2 triệu đơn vị. Sắc xanh hiếm hoi chỉ có TCH, TDH và TDC, trong khi một số đứng tham chiếu cùng VRE là QCG, HAR, HDC, OGC.
Đi ngược với xu hướng thị trường còn có một số mã mang sắc tím như PLX còn có ACC, BTP, C47, TMT và đà tăng tốt +4% lên 166.900 đồng của tân binh FRT.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co hơn khi sự phân hóa diễn ra mạnh ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt với màu đỏ của SHB, PVS, CEO, VCG…trong khi ACB, VGC và VCS tăng điểm.
Cụ thể, SHB giảm 2,6% xuống 11.100 đồng, khớp 3,15 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HNX; PVS giảm 2,7% xuống 17.700 đồng, khớp 2,53 triệu đơn vị; CEO giảm mạnh 7,2% xuống 15.500 đồng, khớp 2,11 triệu đơn vị; HUT giảm 1,3% xuống 7.700 đồng, khớp 1,32 triệu đơn vị; VCG giảm 1,6% xuống 18.000 đồng.
Ngược lại, ACB tăng 0,5% lên 42.600 đồng, khớp 1,28 triệu đơn vị; VGC tăng 1,3% lên 23.700 đồng, khớp 1 triệu đơn vị; VCS tăng 5,9% lên 116.500 đồng…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 43 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,28%), xuống 122,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20 triệu đơn vị, giá trị 307,71 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên sáng 27/4. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,42 triệu đơn vị, giá trị 38,8 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chỉ có 1 nhịp tăng nhẹ sau khi mở cửa ít phút, sau đó cũng lao xuống dưới tham chiếu và tạm nghỉ phiên sáng ở mức điểm thấp nhất.
Các mã tăng điểm đáng kể chỉ còn OIL +3,2% lên 15.900 đồng; HVN tăng 3,6% lên 37.800 đồng.
Trong khi BSR giảm 1,5% xuống 19.500 đồng; LPB giảm 0,7% xuống 14.800 đồng; VGT giảm 3% xuống 13.000 đồng; QNS giảm 0,4% xuống 51.000 đồng.
Trong khi đó, POW, DVN, ACV đứng tham chiếu, với thanh khoản cao nhất thuộc về POW và cũng là cao nhất UpCoM với hơn 800.000 đơn vị khớp lệnh.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,53 điểm (-0,94%), xuống 56,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,93 triệu đơn vị, giá trị 63,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 350.000 đơn vị, giá trị 28,11 tỷ đồng.