Chứng khoán, nghề khắc nghiệt

(ĐTCK) Chỉ số chứng khoán đã lập lại đỉnh cũ được xác lập trong năm 2007, nhưng trong cả nghìn nhân sự từng háo hức đầu quân vào công ty chứng khoán giai đoạn thăng hoa trước kia đã có nhiều biến động.   
Gắn bó được với nghề chứng khoán cũng cần một chữ "duyên" Gắn bó được với nghề chứng khoán cũng cần một chữ "duyên"

“Đến với nghề chứng khoán như một cái duyên và khi đã là duyên thì khó có thể từ bỏ”, anh N, Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội lý giải về sự gắn bó gần 13 năm với nghề chứng khoán.

Nhưng mối duyên ấy không chỉ có niềm vui. Anh N tâm sự, có nhiều giai đoạn anh chán nản, mệt mỏi, tưởng chừng phải “dứt áo ra đi”, nhưng rồi không bỏ được. Phần vì anh vẫn còn nhiều khoản nợ dây dưa với công ty, phần vì nghĩ nếu không làm chứng khoán thì khó tìm một nghề nào có thể sinh lời nhanh để trả nợ. Đó chính là các khoản đầu tư của cá nhân nhân anh và của cả những khách hàng do anh quản lý.

Chuyện của N cũng giống như bao broker khác trong giai đoạn thị trường chứng khoán rơi sâu sau khi đạt đỉnh lịch sử 1.170 điểm vào năm 2007. Nhiều broker cứng nghề nhận thêm các khoản tiền ủy thác của khách hàng để đầu tư và ăn chia phần trăm quản lý nên khi thị trường đi xuống, họ phải chịu rủi ro kép.

Nhưng bên cạnh những rủi ro, nghề môi giới cũng chứa đựng nhiều rất yếu tố hấp dẫn, đủ để níu kéo rất nhiều người. “Nhà đầu tư chứng khoán luôn là người có tiền, có sự hiểu biết và dĩ nhiên khi đã tham gia đầu tư chứng khoán, một lĩnh vực nhiều rủi ro, họ đều chấp nhận quy luật được - thua. Nhiều khách hàng hào phóng, khi có lãi sẵn sàng chia sẻ với broker”, anh Dũng, một broker cho biết.

Đã thành quy luật, khi thị trường tốt, giao dịch gia tăng, cả khách hàng và môi giới đều được hưởng lợi. Nhưng khi thị trường xấu thì mọi việc đi theo chiều hướng ngược lại.

Đơn cử như cú lao dốc của thị trường trong hai tuần cuối tháng 4 trở lại đây khiến không ít người làm chứng khoán lao đao, lãnh đạo công ty chứng khoán thì chịu áp lực về các khoản tự doanh, cho vay giao dịch ký quỹ , trong khi broker lo lắng về các khoản đầu tư cá nhân và của khách hàng mà mình quản lý… Vì vậy, trên các diễn đàn chứng khoán, chủ đề “nghề chứng khoán” lại được đưa ra bàn luận sôi nổi.

Một broker chia sẻ, khi chỉ số chứng khoán gần mốc 1.200 điểm và quy mô hàng hóa trên thị trường lớn hơn trước rất nhiều thì chỉ cần một phiên giảm, giá trị vốn hóa toàn thị trường đã có thể “bốc hơi” hàng trăm nghìn tỷ đồng. Việc chỉ số VN-Index liên tục rơi trong nửa cuối tháng 4/2018 đang khiến những người làm nghề buồn nhất.

Một broker có 14 năm kinh nghiệm chia sẻ, nhiệm vụ của broker với khách hàng là vừa phải gia tăng NAV tối ưu cho khách hàng, nhưng vẫn phải bảo vệ an toàn NAV cho khách. Đây là hai điều rất mâu thuẫn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, một thực tế chỉ ra rằng, thành công trên thị trường chứng khoán luôn thuộc về số ít. Số đông còn lại tất nhiên là một áp lực vô cùng lớn cho các broker.

Có những tiếng than về sự khắc nghiệt của thị trường chứng khoán, nhưng cũng nhiều người cho rằng, đã dấn thân vào nghề chứng khoán thì phải hiểu và vượt qua mọi giai đoạn. Thị trường không thể “win-win” cho tất cả mọi người, càng không thể chỉ tăng mãi mà không có thời gian điều chỉnh.

Thị trường chứng khoán nhiều thăng trầm và nhân sự ngành chứng khoán chứng kiến nhiều biến động. Giai đoạn thị trường thăng hoa những năm 2006 - 2007, các công ty chứng khoán trăm hoa đua nở, có thời điểm lên tới gần 100 công ty, chứng khoán trở thành lĩnh vực có sức hấp dẫn lớn với nhân sự từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là ngành tài chính.

Còn nhớ, nhiều công ty kiểm toán giai đoạn đó kêu trời vì tình trạng chảy máu chất xám khi các kiểm toán viên bị các công ty chứng khoán câu kéo với mức lương cao. Nhưng qua giai đoạn thị trường sụt giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư thất bại cay đắng rời bỏ thị trường, nhân sự ngành chứng khoán cũng có sự biến động lớn.

Cũng có không ít người từng bỏ công việc ở doanh nghiệp, ngân hàng, trường đại học để sang làm chứng khoán nay đã trở về công việc cũ, dứt hẳn mối lương duyên với chứng khoán.

Ngược lại, có nhiều người dù phải làm các nghề tay trái để tạo thêm thu nhập như mở kinh doanh quán ăn, cafe, nhưng vẫn kiên trì bám trụ. Và khi thị trường khởi sắc trong khoảng hai năm trở lại đây, họ lại gặt trái ngọt từ nghề. Nhiều nhân sự sau một thời gian đi tìm công việc khác cũng quay trở lại khi các công ty chứng khoán dồn dập tuyển người đón lõng cơ hội từ thị trường.  

Nghề nào cũng có kẻ đến, người đi, nhưng với chứng khoán, sự sàng lọc dường như dữ dội hơn. Và như tâm sự của nhiều broker, đã là cái duyên thì cứ để nghề chọn người.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục