Sau khi chinh phục được mốc 600 điểm ở phiên đầu tuần, VN-Index đã có 2 phiên liên tiếp điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên thanh khoản lại theo chiều hướng giảm dần, trong đó, phiên 23/7 là phiên thanh khoản thấp nhất trong vòng 1 tháng qua.
Việc thanh khoản giảm xuống mức thấp phản ánh tâm lý thận trọng và chờ đợi của cả 2 bên mua và bán khi mà diễn biến thị trường vẫn đang thể hiện sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành theo kết quả kinh doanh quý II.
Điểm tích cực là lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì khá tốt trong những nhịp giảm, giúp thị trường không giảm sâu. Ngoài ra, dòng tiền cũng đã có dấu hiệu dịch chuyển dần từ nhóm cổ phiếu lớn sang nhóm cổ phiếu khác chưa tăng nhiều.
Bước vào phiên sáng 24/7, nhà đầu tư nhập cuộc vẫn trong tâm thế khá thận trọng. Hoạt động giao dịch trên thị trường ở mức trung bình, sự phân hóa vẫn khá rõ ràng.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,47 điểm (+0,08%) xuống 597,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,79 triệu đơn vị, giá trị 62,52 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, hoạt động giao dịch vẫn khá chậm, thị trường trong thế giằng co khi các mã lớn có sự phân hóa mạnh.
Tuy nhiên, tâm điểm thị trường không nằm ở những cổ phiếu này mà tập trung cả vào FLC. Sau phiên tắc thanh khoản hôm qua do bên nắm giữ găm hàng, mã này đã trở lại trong phiên giao dịch sáng nay và hiện đóng góp gần một nửa thanh khoản trên HOSE.
Sau hơn 1 giờ 30 phút giao dịch, FLC đã được khớp 17,6 triệu đơn vị và đã xuất hiện dư mua giá trần.
Tín hiệu tích cực từ FLC lan sang nhiều mã bluechips khác khiến phần lớn các mã trong trong nhóm VN30 tăng điểm, qua đó giúp VN-Index có được sắc xanh.
VNM. MSN, FPT, BVH, HPG, PVD… là các mã đang có được mức tăng khá mạnh. Trong khi GAS, SSI và MBB là 3 mã vẫn giữ nguyên sắc đỏ.
Trên HNX, các mã lớn cũng đang phân hóa mạnh, trong khi giao dịch diễn ra chậm chạp bới lực cầu yếu khiến HNX vẫn chìm trong sắc đỏ từ khi mở cửa.
Hiệu ứng FLC tiếp tục được duy trì cho đến hết phiên sáng. Nhóm VN30 theo đó vẫn giữ được sức mạnh giúp VN-Index bay cao và vượt xa mốc 600 điểm.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 4,64 điểm (+0,78%) lên mức 602,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,26 triệu đơn vị, giá trị 848,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 1,7 triệu đơn vị, giá trị 79,84 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là 1,4 triệu đơn vị PAN được thỏa thuân, trị giá 67,2 tỷ đồng, kết phiên PAN giảm 700 đồng xuống 46.500 đồng/CP và chỉ khớp được hơn 2.000 đơn vị. Chỉ số VN30-Index tăng 4,79 điểm (+0,75%) lên 645,63 điểm.
Lúc này, OGC là mã duy nhất còn giảm giá, còn lại sắc xanh chiếm áp đảo với 20 mã tăng. VNM tăng 2.000 đồng lên 138.000 đồng/CP, MSN và VIC cùng tăng 500 đồng, còn GAS cũng quay đầu tăng 1.000 đồng lên 114.000 đồng/CP góp phần vào đà tăng chung của chỉ số.
Tuy VN30 có sự gia tăng mạnh về điểm số nhưng thanh khoản vẫn là vấn đề khi chỉ có đúng 3 mã là HAG, IJC và PVD là khớp trên 1 triệu đơn vị.
Nếu không có FLC, gần như sàn HOSE trong tình trạng “mắc màn” khi mà giao dịch hết sức trầm lắng. Mặc dù cung giá thấp đã yếu đi đáng kể nhưng bên mua hầu như chỉ đứng nhìn và không có dấu hiệu muốn “động thủ”.
Chỉ riêng FLC phiên sáng nay đã giao dịch hơn 19,7 triệu cổ phiếu, chiếm gần 39% tổng giao dịch trên HOSE. FLC đóng cửa ở mức trần 12.500 đồng/CP và vẫn còn dư mua trần.
Giao dịch ảm đạm khiến thanh khoản thị trường phiên sáng nay tuy có tăng so với phiên hôm qua nhưng vẫn ở mức thấp. Ngoài 3 mã trong nhóm VN30 khớp trên 1 triệu đơn vị, sàn HOSE cũng chỉ có thêm 3 mã là DLG, HQC và VHG khớp được trên 1 triệu đơn vị, trong đó DLC có được màu xanh, HQC đứng tham chiế, còn VHG thì giữ sắc đỏ.
Đối với HNX, do lực cầu quá yếu nên phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ. Chỉ số HNX chỉ có được sắc xanh vào những phút cuối của phiên sáng nhờ được “thơm lây” từ sàn HOSE.
Kết phiên, HNX-Index tăng 0,04 điểm (+0,05%) lên 80,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,16 triệu đơn vị, giá trị 340 tỷ đồng. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,65 điểm (+0,4%), xuống 162,99 điểm.
PVC và PGS với kết quả kinh doanh khả quan đã tăng mạnh, góp phần giúp HNX-Index đảo chiều. PGS tăng 1.200 đồng/CP lên 33.300 đồng/CP và khớp được 2,34 triệu đơn vị.
PVC tăng 900 đồng/CP lên 22.800 đồng/CP và khớp được 1,51 triệu đơn vị.
Mã giao dịch mạnh nhất trong nhóm HNX30 là PVX với 3,57 triệu đơn vị khớp lện và tăng 100 đồng lên 4.500 đồng/CP.
Cũng tương tự như trên HOSE, thanh khoản trên HNX cũng được cải thiện so với phiên trước nhưng vẫn ở mức rất thấp. Ngoài 3 mã trên, chỉ có SHS, SCR và PVS là khớp trên 1 triệu đơn vị.