Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/7

VIS: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh của quý II có sự khởi sắc so với cùng kỳ nhưng lũy kế 6 tháng vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Doanh thu trong quý II đạt 1.035 tỷ đồng (+4,2% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 6,3 tỷ đồng (+39,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Theo đó, 6 tháng đầu năm, VIS đạt 1.786,6 tỷ đồng doanh thu (+2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 59% kế hoạch), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 11,9 tỷ đồng (-53,6% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 58,9% kế hoạch).

Mặc dù có kết quả kém khả quan so với cùng kỳ, VIS vẫn có những nét khởi sắc khi quý II/2014 là quý thứ 2 có lãi sau khi lỗ vào năm 2013. Chúng tôi vẫn duy trì dự báo về kết quả kinh doanh năm 2014 của VIS. Cụ thể, VIS có thể đạt 3.392,5 tỷ đồng doanh thu thuần và 19,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. EPS theo dự báo đạt 400 đồng, P/E forward đạt 20,4 lần, tương đối cao so với mức trung bình ngành (13 lần). Do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI VIS

DVP: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

DVP vừa nộp báo cáo tài chính quý II/2014 với kết quả kinh doanh không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước. Tính cho 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt 254,7 tỷ đồng (+3,3%, hoàn thành 51% kế hoạch năm) và lợi nhuận trước thuế đạt 113 tỷ đồng (+2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 58% kế hoạch năm).

DVP đặt kế hoạch năm 2014 với chỉ tiêu sản lượng, doanh thu và lợi nhuận đều thấp hơn so với năm trước. Do hoạt động cảng biển thường tăng cao vào giai đoạn cuối năm, cộng với việc DVP có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 tăng nhẹ so với năm trước và đã hoàn thành 58% kế hoạch đặt ra, chúng tôi cho rằng DVP nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch năm và có thể đạt 211 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+7% so với cùng kỳ năm ngoái), EPS đạt 5.525 đồng/CP, P/E forward ở mức 7,6x, tương đương với các doanh nghiệp cảng khác.

Chúng tôi thấy rằng DVP là doanh nghiệp có lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tận dụng tốt được nhu cầu thông quan hàng hóa ngày càng tăng tại khu vực Hải Phòng mặc dù phải đối mặt với mức độ cạnh tranh cao. Công ty liên tục duy trì được kết quả kinh doanh ổn định và tăng trưởng đều đặn hàng năm với năm 2014 được dự báo sẽ tăng nhẹ so với năm 2013. Do đó chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ DVP cho mục tiêu dài hạn.

Khuyến nghị mua CSM, nắm giữ DRC và theo dõi SRC

CTCK Vietcombank (VCBS)

Cập nhật kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp săm lốp: Kết quả kinh doanh quý II cao hơn quý I theo chu kỳ nhưng giảm so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp săm lốp giảm nhẹ hoặc tương đương với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù giá cao su tự nhiên liên tục giảm kể từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu bình quân tháng 6/2014 giảm 19% so với tháng 12/2013 và giá xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên các doanh nghiệp thường dự trữ nhiều vào cuối năm nên việc cao su giảm chưa phản ánh nhiều trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Trong khi đó thị trường tiêu thụ lốp radial khá cạnh tranh, đặc biệt tồn tại sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của lốp nhập khẩu từ Trung Quốc và việc tiêu thụ lốp bias cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng radial hóa. Do đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của CSM chỉ tương đương cùng kỳ năm trước trong khi lợi nhuận sau thuế của DRC giảm nhẹ (-2% so với cùng kỳ năm ngoái) do nhà máy sản xuất lốp radial vẫn bị lỗ và lợi nhuận sau thuế của SRC giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái do dòng lốp tải nặng bị cạnh tranh mạnh.

CSM và DRC có tiềm năng tăng trưởng lớn với sản phẩm mới – lốp radial. Thêm vào đó, kết quả kinh doanh năm 2014 của hai doanh nghiệp có thể chỉ giảm nhẹ hoặc tương đương so với năm 2013 và vẫn ở mức cao mặc dù hai doanh nghiệp này có nhà máy sản xuất lốp radial đi vào hoạt động khiến chi phí lãi vay và khấu hao sẽ tăng mạnh. Nguyên nhân là do lợi thế nguyên liệu đầu vào, lãi suất thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì. Hiện nay PE trailing của CSM và SRC lần lượt là 8,5 lần và 12 lần. Do đó, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu DRC và có thể xem xét MUA đối với cổ phiếu CSM. Riêng với SRC, do sản phẩm chủ lực hiện đang bị cạnh tranh mạnh và chưa có kế hoạch đầu tư do đó chúng tôi khuyên nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu SRC

HT1: Kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2014 tích cực

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Chuyên viên ngành của Rồng Việt vừa có một trao đổi ngắn với lãnh đạo của HT1 trong sáng nay liên quan đến kết quả kinh doanh quý II/2014. Trong quý II/2014, HT1 ghi nhận 1.727,4 tỷ đồng doanh thu (-7,64% so với cùng kỳ) nhưng đạt được 11,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 11 lần cùng kỳ. Doanh thu từ đầu năm đến nay đạt 3.305,7 tỷ đồng, hoàn thành được 47% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 13,28 tỷ đồng, hoàn thành 74% kế hoạch.

Theo chia sẻ của chuyên viên ngành, sự ấm dần của thị trường vật liệu xây dựng trong nước đã giúp cho sản lượng tiêu thụ nội địa của công ty đạt được mức tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2014 (tăng 11-12% so với cùng kỳ), cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình của khu vực miền Nam (4%) và cao hơn mức tăng chung của ngành (~10%). Trong khi đó, mặc dù xuất khẩu xi măng tăng trưởng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm (+26,7% so với cùng kỳ) song sản lượng xuất khẩu của công ty chỉ duy trì ổn định, tương đương cùng kỳ. Vì vậy, doanh thu của công ty tăng 9,4% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ sự hồi phục của tiêu thụ xi măng trong nước.

Đáng lưu ý, biên lãi gộp giảm mạnh từ mức 22,4% xuống chỉ còn 19%. Nguyên nhân là do sự cố nứt lò ở nhà máy Bình Phước buộc công ty phải nhập khoảng 160.000 tấn clinker từ phía Bắc để sản xuất. Hơn nữa, việc kiểm soát cước vận tải vào đầu tháng 4/2014 cũng ảnh hưởng tiêu cực kép đến biên lợi nhuận của công ty.

Đối với tình hình tài chính, nhờ chuyển đổi nợ và gia hạn nợ nên áp lực trả nợ và lãi vay của công ty đã giảm bớt trong năm 2014. Chi phí lãi vay trong hai quý đầu năm là 408,6 tỷ đồng, giảm 20,8% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, công ty dự kiến sẽ hạch toán toàn bộ lỗ chênh lệch tỷ giá còn lại (200 tỷ đồng) trong năm 2014. Trong năm 2014, HT1 đã phân bổ 100 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá, chúng tôi cho rằng công ty sẽ tiếp tục ghi nhận phần còn lại trong nửa cuối năm.

Dựa trên triển vọng tăng trưởng khả quan của ngành xi măng và hai yếu tố là nợ vay và khấu hao lỗ chênh lệch tỷ giá, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của HT1 trong năm 2014 sẽ tích cực hơn so với cùng kỳ và gấp từ 5-6 lần mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra từ đầu năm.

NKG: Lợi nhuận năm nay có thể vượt 5-10% kế hoạch

CTCK Rồng Việt (VDSC)

NKG vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2014, cụ thể, doanh thu đạt 1.531 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ và tăng 2,4% so với quý I/2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ song nếu tính chung hai quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 36,1 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Mặc dù lợi nhuận giảm so với cùng kỳ nhưng chúng tôi nhận thấy có một số tín hiệu tích cực đối với hoạt động kinh doanh của công ty:

Lý do biên lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ là bởi trong quý I/2013, công ty đạt được tỷ suất sinh lợi tốt nhờ đầu cơ nguyên liệu. Theo chia sẻ của công ty, trong năm 2014, NKG sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động thương mại và tập trung vào sản xuất thành phẩm. Nếu xét riêng 6 tháng đầu năm 2014, biên lợi nhuận gộp của công ty đã có sự cải thiện nhẹ từ mức 4,9% trong quý I lên 5,7% trong quý II/2014.

Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng ống thép và tôn mạ trong 6 tháng đầu năm 2014 đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ với mức tăng lần lượt là 127% và 52%. Mức tăng trưởng đột biến của sản phẩm ống thép nhờ công suất sản xuất tăng gấp đôi, thị phần ống thép cải thiện và đứng vào top 10 trong nửa đầu năm 2014.

Đầu tháng 7/2014, công ty đã phát hành thành công 100 tỷ đồng cho đối tác là Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư P&Q, nâng vốn điều lệ lên 399 tỷ đồng nhằm bổ sung cho vốn lưu động. Trong nửa cuối năm 2014, công ty sẽ đầu tư thêm 1 dây chuyền cán nguội và 1 dây chuyền mạ kẽm dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2015.

Trong năm 2014, công ty đạt kế hoạch doanh thu là 4.800 tỷ đồng và 50-80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, nửa đầu năm 2014, công ty đã hoàn thành được 62% kế hoạch doanh thu, như vậy khả năng vượt kế hoạch doanh thu là khả thi. Triển vọng lợi nhuận của công ty được chúng tôi ước tính dựa trên những giả định thận trọng, kỳ vọng có thể vượt 5-10% mục tiêu 50 tỷ đồng.

TBC: P/E trung bình 4 quý gần nhất đạt 8,3x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

CTCP thuỷ điện Thác Bà (TBC) báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2014 với doanh thu đạt 112,6 tỷ, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 57,5 tỷ, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 176 tỷ, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 81,3 tỷ, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014, công ty đã hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu 221,8 tỷ và hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận ròng 71 tỷ, tuy vậy cũng cần lưu ý rằng kế hoạch lợi nhuận mà công ty đề ra là khá thấp.

Về tăng trưởng doanh thu, theo giải trình của công ty chủ yếu là do công ty đã có chiến lược chào giá phù hợp khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong khi sản lượng không thay đổi. Theo chúng tôi tìm hiểu, sản lượng 6 tháng 2014 của TBC đạt khoảng 207 triệu kWh, hoàn thành 56% kế hoạch năm. Trong 6 tháng 2014, mặc dù giá bán tăng so với cùng kỳ nhưng các chi phí sản xuất kinh doanh cũng tăng tương ứng 33,5%, do vậy tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện vẫn duy trì 51,8% như trong cùng kỳ. Một số chi phí lớn như chi phí nhân công 20,1 tỷ, tăng 72% n/n, chi phí khác 25,8 tỷ, tăng 240,8% n/n (trong đó theo chúng tôi có bao gồm chi phí thuế tài nguyên nước khoảng 12,5 tỷ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ).

Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý về thuế TNDN, 2013 là năm cuối cùng TBC được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN. Trong hai năm 2014-2015, công ty chỉ còn được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 20% cho hoạt động SXKD điện.

Cổ phiếu TBC giao dịch với PE 4 quý gần nhất 8,3x, xấp xỉ PE trung bình ngành 8,9x.

DMC: Khuyến nghị mua dài hạn

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

CTCP XNK Y tế Domesco vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của công ty mẹ khả quan, sát dự báo của chúng tôi với doanh thu và lãi ròng tăng 20,8% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 771,8 và 62,4 tỷ đồng. Như vậy, DMC đã hoàn thành khoảng 49,3% và 47,7% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014.

Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 30% trong 6 tháng đầu năm 2013 xuống 27,3% trong 6 tháng đầu năm 2014 nhưng tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 cũng giảm khoảng 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ, xuống còn 17,4%. Ngoài ra, chi phí tài chính ròng cũng giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái và thu nhập khác tăng gần 3,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2014  của DMC vẫn tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 80,1 tỷ đồng.

Doanh thu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014  đạt 18,3 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy hoạt động xuất khẩu hiện tại chưa đóng góp nhiều trong doanh thu của DMC, nhưng công ty đang định hướng đẩy mạnh hoạt động này. Kế hoạch doanh thu xuất khẩu 2014 khoảng 48,8 tỷ đồng (+32% so với cùng kỳ năm ngoái). DMC hiện đã xuất sản phẩm sang các thị trường Myanmar, Philippines. Trong 2014, công ty dự kiến mở văn phòng đại diện tại Myanmar và xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ. Trong quý I/2014 DMC đã tiến hành xuất chào hàng sang Peru.

CFR Pharmaceuticals S.A, công ty dược phẩm hàng đầu tại Châu Mỹ Latin và hiện đang là cổ đông lớn của DMC (nắm khoảng 46% cổ phần) đã và đang hỗ trợ DMC trong việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, về dài hạn, triển vọng từ CFR còn đến từ việc hợp tác chuyển giao sản xuất và thương mại một số sản phẩm có lợi nhuận cao. CFR và SCIC hiện đang trong tiến trình lên kế hoạch cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc ung thư tại Việt Nam. Cả CFR và SCIC đều đang là cổ đông lớn của DMC nên khả năng lớn là DMC sẽ được lựa chọn tham gia là nhà phân phối cho nhà máy này.

Hệ thương mại (OTC) hiện là kênh phân phối chính của DMC. Các tháng cuối năm thường là mùa cao điểm của OTC, với kỳ vọng DMC sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hiện tại, chúng tôi điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 của DMC từ 1.658 và 125 tỷ lên 1.730 và 133,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 21% và 24,1% so với cùng kỳ. Theo đó, giá mục tiêu của DMC được điều chỉnh tăng từ 46.700 lên 50.000 đồng/cp. Cổ phiếu DMC hiện đang giao dịch ở mức PE 2014 khoảng 8x, thấp hơn nhiều so với bình quân ngành (11-12x) dù DMC đang là công ty dược niêm yết lớn thứ 3 (sau DHG và TRA). Duy trì khuyến nghị Mua dài hạn.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục