Thị trường đã trải qua 3 phiên giao dịch đầu tuần khá tích cực, chỉ số Vn-Index liên tiếp tăng điểm và vượt qua mốc 680 điểm. Đà tăng của thị trường được hỗ trợ chính bởi các cổ phiếu bluechip, trong đó, đáng chú ý, “ông lớn” VNM sau 2 phiên làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường đã quay đầu giảm điểm trong phiên hôm qua và thế chân thay mã lớn này là một trụ cột khác MSN.
Lần đầu tiên dự kiến chi trả cổ tức sau 7 năm niêm yết đã giúp MSN có cú bứt phá mạnh trong phiên 23/11. Với mức tăng 6,7%, MSN đã leo lên mức giá cao nhất ngày 68.200 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh cũng tăng vọt đạt 2,16 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 147 tỷ đồng.
Sức nóng của MSN vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi bước sang phiên sáng 24/11. Dù chưa có quyết định chính thức nhưng thông tin sẽ gửi thư xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu thưởng 50% và chia cổ tức bằng tiền mặt 30%, tiếp sức cho đà tăng mạnh của MSN. Giá cổ phiếu MSN không ngừng tăng mạnh, trong hơn 30 phút giao dịch, MSN đã tăng 3.700 đồng/CP.
Tuy nhiên, các mã lớn khác như VNM, VIC, VCB, BID, GAS… vẫn giao dịch thiếu thích cực khi đều quay đầu giảm điểm.
Cộng thêm lực hãm khá lớn từ ROS khiến thị trường nhanh chóng quay đầu giảm điểm sau những phút tăng nhẹ đầu phiên.
Cụ thể, sau cú thoát hiểm vào cuối phiên qua, ROS đã trở lại mốc tham chiếu khi mở cửa sáng 24/11. Tuy nhiên, áp lực bán nhanh chóng quay trở lại và gia tăng đẩy ROS lùi sâu xuống mức giá 120.500 đồng/CP.
Trong khi ROS đang giao dịch khá tiêu cực, FLC chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu thì “người anh em” KLF tiếp tục là tâm điểm của thị trường.
Lực cầu vẫn tăng mạnh tại KLF giúp cổ phiếu này duy trì phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp với khối lượng dư mua trần khá lớn. Sau hơn 40 phút giao dịch, KLF đã chuyển nhượng thành công 1,88 triệu đơn vị và dư mua trần tới 6,26 triệu đơn vị.
Cổ phiếu lớn MSN dần hạ nhiệt sau nhịp tăng nóng trong nửa đầu phiên sáng với biên độ dần thu hẹp, thậm chí có thời điểm cổ phiếu này rơi xuống sát mốc tham chiếu. Chốt phiên, MSN đứng tại mức giá 69.300 đồng/CP, tăng 1,61% và chuyển nhượng thành công 448.090 đơn vị.
Trong khi MSN thu hẹp đà tăng, thì trụ cột VNM tiếp tục rớt giá. Bên cạnh lực bán trong nước, “ông lớn” còn chịu sức ép khá mạnh từ cung ngoại khiến giá rơi về mốc thấp nhất ngày. Với mức giảm 1,15%, VNM đứng tại mức giá 137.300 đồng/CP và khớp 0,87 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 0,54 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, ROS tiếp tục lao dốc mạnh trong phiên sáng nay. Có thời điểm, ROS đã rơi xuống mức giá sàn trước khi đóng cửa tại mức giá 118.000 đồng/CP, giảm 6,65%.
Liệu cổ phiếu hót nhất thị trường - ROS cú đảo chiều ngoạn mục như những phiên trước đây trong phiên chiều không khi mới đây, cổ phiếu này đã nhận được thông tin hỗ trợ. Cụ thể, theo nhận định của ACBS, ROS có thể được FTSE thêm vào danh mục trong đợt review cuối năm với tổng giá trị mua vào khoảng 30 triệu USD.
Tuy nhiên, với việc rớt giá của ROS và VNM, cùng sự suy giảm của một số mã lớn khác như VIC, VCB khiến thị trường giao dịch khá tiêu cực, chỉ số VN-Index rơi xuống dưới ngưỡng 680 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE cân bằng vối 107 mã tăng và 107 mã giảm, chỉ số Vn-Indx giảm 3,82 điểm (-0,56%) xuống 679,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.273,31 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 2,44 triệu đơn vị, giá trị 41,39 tỷ đồng.
Tương tự, sàn HNX cũng quay đầu giảm điểm sau thời gian ngắn có được sắc xanh đầu phiên trước áp lực bán gia tăng. Với 44 mã tăng và 79 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,36%) xuống 81,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,14 triệu đơn vị, giá trị 155,48 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu đáng chú ý, HAG sau phiên giảm hôm qua đã hồi phục tích cực cả về giá lẫn thanh khoản. Với mức tăng 3,7%, HAG chốt phiên tại mức giá 6.430 đồng/CP và khớp hơn 5 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản vẫn là các mã thị trường có tính đầu cơ cao, gồm ITA khớp 3,42 triệu đơn vị; FIT khớp 2,98 triệu đơn vị, FLC khớp 2,61 triệu đơn vị, DLG và KSA khớp hơn 2 triệu đơn vị…
Trong khi đó, PC1 tiếp tục gặp bất lợi trong phiên sáng nay. Sau màn chào sàn tích cực với 3 phiên tăng mạnh vào tuần trước, PC1 đã liên tiếp giảm sâu trong tuần nay. Sáng nay, lực bán dâng cao khiến PC1 nhanh chóng rơi xuống mức giá sàn. Chốt phiên, PC1 giảm 6,9% xuống mức giá sàn 37.700 đồng/Cp với khối lượng khớp hơn 0,9 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 0,3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, trong khi nhiều cổ phiếu trong nhóm HNX30 giao dịch khá tiêu cực khi hầu hết các mã đều giảm điểm hoặc đứng giá tham chiếu thì cặp đôi DST và KLF vẫn trung thành với sắc tím.
Trong khi những “người anh em” ROS, FLC đều quay đầu giảm mạnh, thì sóng lớn KLF vẫn tiếp tục dâng cao. Chốt phiên, KLF giữ mức giá trần 2.400 đồng/CP với khối lượng khớp 1,89 triệu đơn vị và dư mua trần 5,38 triệu đơn vị.