Phiên chiều 23/11: ROS đảo chiều ngoạn mục, VN-Index thoát hiểm

(ĐTCK) Tưởng chừng VN-Index sẽ có phiên điều chỉnh hôm nay, nhưng sự phục hồi ngoạn mục cua ROS, cùng sắc xanh tại VCB, MSN, BVH, FPT..., giúp VN-Index thoát hiểm cuối phiên.
Phiên chiều 23/11: ROS đảo chiều ngoạn mục, VN-Index thoát hiểm

Sau phiên bật tăng mạnh trước đó, những tưởng thị trường sẽ tiếp đà giao dịch hào hứng khi bước vào phiên giao dịch sáng 23/11. Tuy nhiên, sự tích cực đã không tiếp tục phát huy, mà quay trở lại trạng thái giao dịch lình xình. Tâm lý thận trọng khiến dòng tiền vào thị trường khá nhỏ giọt, thanh khoản chỉ nhúc nhắc tăng.

Diễn biến này có phần “chệch nhịp” so với chứng khoán thế giới, khi hầu hết các chỉ số chứng khoán từ Mỹ, châu Âu đến châu Á đều tăng tích cực, bất chấp việc giá dầu giảm khá mạnh trở lại.

Có lẽ chính vì sự rụt rè trên mà diễn biến tiêu cực đã xảy ra ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều này. Áp lực bán dồn dập vào thị trường, tập trung tại nhóm cổ phiếu bluechips và nhóm cổ phiếu đầu cơ, kéo VN-Index chúi đầu đi xuống. Có thời điểm, chỉ số này đã xuyên thủng mốc 680 điểm.

Tuy nhiên, lúc này, cầu bắt đáy đã được khởi động, tập trung tại các cố phiếu vốn hóa lớn. VN-Index ngay lập tức được kéo gần như thẳng đứng trở lại mốc tham chiếu, trước khi đóng cửa ở mức cao gần nhất ngày. Cùng với đó, thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể so với phiên giao dịch trước đó.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/11, với 112 mã tăng và 141 mã giảm, VN-Index tăng 1,253 điểm (+0,18%) lên 683,16 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 3,83 điểm (+0,59%) lên 647,59 điểm với 12 mã tăng và 15 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 116,6 triệu đơn vị, giá trị 2.573,3 tỷ đồng (tăng gần 15% so với phiên trước). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với hơn 7 triệu đơn vị, giá trị trên 238,5 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 1,1 triệu cổ phiếu GTN, giá trị 21,89 tỷ đồng.

Tương tự, với 79 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,31%) lên 81,28 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,04 điểm (+0,02%) lên 146,6 điểm với 9 mã tăng và 14 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 266 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ hơn 25,5 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 1,114 triệu cổ phiếu SDA, giá trị 6,86 tỷ đồng và 1,072 triệu cổ phiếu WSS, giá trị 4,93 tỷ đồng.

Mặc dù đã có sự hồi phục, song nhóm bluechips đã không còn giữ được mức tăng tốt như phiên sáng.

MSN không giữ được sắc tím và lùi 1 bước về còn 68.200 đồng/CP, khớp lệnh 2,15 triệu đơn vị. BID lùi về tham chiếu 16.100 đồng/CP và khớp 3,2 triệu đơn vị. HPG, GAS, HCM, SSI… thậm chí còn quay đầu giảm điểm, trong đó HPG khớp 2,2 triệu đơn vị. Trong khi VNM, MWG vẫn giảm khá sâu, lần lượt mất 1.700 đồng và 2.400 đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn có sự ổn định của VCB, VIC, BVH và đặc biệt là ROS. Sự hồi phục mạnh mẽ của mã có mức vốn hóa lớn thứ 7 thị trường này đã đóng góp không nhỏ trong việc vực dậy VN-Index.

Khép phiên sáng, ROS vẫn giảm tới 4,3%, thậm chí trước đó còn rơi xuống mức sàn 116.500 đồng/CP, thanh khoản chỉ vài trăm ngàn cổ. Tuy nhiên, “đến hẹn lại lên”, thêm một lần ROS được gom mạnh trong phiên chiều và bật tăng trở lại mức 126.500 đồng/CP, trước khi đóng cửa lùi nhẹ về mức 126.400 đồng/CP và khớp gần 3,95 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ riêng giá trị giao dịch của ROS đã đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng, tức gần 1/5 tổng giá trị giao dịch của HOSE.

Thông tin hỗ trợ cho ROS đảo chiều có thể là thông tin khả năng mã này được FTSE ETF thêm vào danh mục trong kỳ review cuối cùng của năm 2016 với tổng giá trị mua vào khoảng 30 triệu USD.

Cùng với đó, “người anh lớn” FLC hay FIT cũng đều có được sắc xanh và đều có thanh khoản cao. FLC khớp 8,58 triệu đơn vị, FIT khớp 5,64 triệu đơn vị.

Mặc dù vậy, ITA mới là mã có sự bứt phá cả về thanh khoản lẫn điểm số. Lực cầu tăng mạnh mẽ, đặc biệt là trong đợt khớp lệnh ATC, giúp ITA tăng trở lại, dù không mạnh, đồng thời khớp lệnh tới 9,96 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường, trong đó có gần 2,4 triệu đơn vị được sang tên trong đợt ATC.

Nhiều mã đầu cơ khác cũng có được sự hồi phục và thanh khoản tốt như GTN, TSC, HQC, SCR, OGC…

Mã KSH có lượng dư mua ở mức giá trần 3.470 đồng/CP khá lớn là 1,164 triệu đơn vị, trong khi chỉ khớp 47.700 đơn vị. Ngược lại, PC1 có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp về 40.500 đồng/CP (6,9%) và khớp 2,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, các mã lớn như ACB, NTP, HUT, PVI, PLC, VND cùng tăng điểm, giúp HNX-Index tăng tốt hơn hẳn so với phiên sáng.

Đáng chú ý, PVX bất ngờ tăng trần lên 2.800 đồng/CP và khớp hơn 4,6 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX, trong khi vẫn còn dư mua giá xanh 1,08 triệu đơn vị. Xếp sau là VCG với 2,4 triệu đơn vị được khớp, nhưng giảm khá mạnh 1,8%.

HKB và KLF vẫn giữ vững sắc tím và cùng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, riêng KLF còn dư mua trần và ATC tới hơn 6,78 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của KLF.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục