Sau cả tháng trời lình xình với những phiên tăng, giảm đan xen, cùng thanh khoản thấp, QCG bất ngờ được nhà đầu tư quan tâm trong phiên giao dịch hôm qua, giúp cổ phiếu này có lúc lên mức giá trần 4.610 đồng trước khi đóng cửa ở mức 4.600 đồng với 0,7 triệu đơn vị được khớp, cao hơn rất nhiều so với các phiên trước đó.
Trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu này tiếp tục được nhà đầu tư săn đón khi nhanh chóng được kéo lên mức trần 4.920 đồng với gần 1,5 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần 0,47 triệu đơn vị.
Việc cổ phiếu QCG bất ngờ được nhà đầu tư nội gom vào lại là cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài thoát hàng. Trong phiên sáng nay, khối ngoại bán ra 1 triệu cổ phiếu QCG, sau khi đã bán ra 0,29 triệu cổ phiếu trong phiên trước đó.
Ngoài QCG, cặp đôi HAG và HNG cũng tiếp tục có phiên giao dịch tích cực sáng nay. Sắc tím vẫn xuất hiện tại HNG với thanh khoản 3 triệu đơn vị, nhưng không còn dư mua giá trần. Trong khi đó, dù không có được sắc tím, nhưng HAG vẫn tăng tốt với mức tăng 2,48%, lên 9.920 đồng, tổng khớp 7,89 triệu đơn vị.
FLC sau 2 phiên bùng nổ về giao dịch sau thông tin đầu tư dự án 2 tỷ USD có casino cho người Việt tại Quảng Ninh, đã trở lại trạng thái bình thường trong phiên sáng nay. Dù vậy, mã này cũng lấy lại được sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,24%, lên 8.260 đồng với 14,4 triệu đơn vị được khớp, giảm mạnh so với phiên sáng qua. Cổ phiếu này chiều qua đã bị đẩy mạnh về tham chiếu dù có lúc tăng rất mạnh, hơn 6%. ROS cũng duy trì đà tăng nhẹ 0,52% trong phiên sáng nay, lên 154.800 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp.
Trong các mã lớn, VNM, VCB, GAS, VIC, MSN, PVD, VJC, BID… đều có sắc xanh. Trong đó, VNM tăng 1,53%, lên 138.700 đồng, GAS tăng 0,94%, lên 53.500 đồng, VCB tăng 1,19%, lên 38.150 đồng…
Chính lực đỡ này giúp VN-Index lấy lại đà tăng sau phiên điều chỉnh chiều qua và mở cửa phiên sáng nay. Giống như 2 phiên vừa qua, VN-Index cũng đang thử thách lại mức đỉnh cũ trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, khi vừa đến gần ngưỡng 719 điểm, chỉ số này lại bị đẩy lùi trở lại, nhưng vẫn giữ được mức tăng tốt.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 4,12 điểm (+0,58%), lên 717,06 điểm với 111 mã tăng và 114 mã giảm. Thanh khoản sụt giảm mạnh so với 2 phiên trước khi tổng khối lượng giao dịch chỉ là 99,28 triệu đơn vị, giá trị 1.909,3 tỷ đồng, chủ yếu là do thanh khoản sụt giảm tại FLC. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,65 triệu đơn vị, giá trị 74 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, chỉ ngoại trừ MBB có sắc đỏ, còn lại đều tăng giá trong phiên sáng nay. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường, ITA và HQC ngược chiều với FLC, HAG, HNG khi cùng giảm nhẹ 1 bước giá với thanh khoản lần lượt 7,9 triệu đơn vị và 6,32 triệu đơn vị.
Trong khi đó, trên HNX, với việc ACB, CEO, VGC, LAS, HUT giảm giá khiến HNX-Index chủ yếu dao động dưới tham chiếu.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,26%), xuống 89,53 điểm với 50 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,9 triệu đơn vị, giá trị 270,8 tỷ đồng.
Trên sàn này, 2 mã ngân hàng là SHB và ACB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất khi được khớp trên dưới 2,2 triệu đơn vị, trong đó SHB đứng ở tham chiếu 5.100 đồng, còn ACB giảm nhẹ 0,4%, xuống 24.900 đồng.
Sắc tím tại HKB cũng không còn duy trì được đến cuối phiên khi mã này tăng 6,45%, lên 6.600 đồng với 1,76 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, HHC đã không còn xuất hiện tình trạng dư mua trần cả triệu, thậm chí là cả chục triệu đơn vị, thay vào đó mã này đã bị đẩy xuống mức sàn 47.600 đồng trong phiên sáng nay, dù lực cung không lớn. Chốt phiên sáng, HHC được khớp hơn 254.000 đơn vị và còn dư mua giá sàn.
Như vậy, sau chuỗi đua mua để đón sóng thoái vốn của Vinataba, giá cổ phiếu HHC đã lên mức quá cao và không còn hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.
Tương tự, trên UPCoM, cổ phiếu HNF cũng tiếp tục giảm sàn xuống 31.900 đồng trong phiên sáng nay và cũng chỉ có chưa tới 30.000 cổ phiếu đang chuyển nhượng.
Sau 2 phiên tăng trần nhờ hiệu ứng thoái vốn của Vinataba, HNF được đẩy lên mức giá 44.100 đồng trong phiên thứ Ba, nhưng ở mức giá này, lực cung gia tăng mạnh, kéo HNF trở lại mức sàn 32.700 đồng, trước khi hồi nhẹ đóng cửa ở mức 35.000 đồng với hơn 6 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Sau phiên đột biến này, HNF đã có 2 phiên giảm sàn liên tiếp sau đó với mức thanh khoản thấp như thường thấy.
Trên sàn này, ngoài HNF còn có 8 mã khác đóng cửa ở mức sàn, trong khi HVN không giữ được sắc xanh, một loạt mã lớn khác như MSR, VOC, MCH đảo chiều, cùng đà giảm tại VIB và SDI khiến UPCoM-Index cũng đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm 0,18 điểm (-0,31%), xuống 57,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,37 triệu đơn vị, giá trị 40,5 tỷ đồng.
Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất sàn là HVN với 466.700 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa giảm 1,29%, xuống 30.500 đồng.