Trong khi nhà đầu tư trong nước thận trọng cao độ khiến thanh khoản sụt giảm mạnh và thị trường có những phiên giao dịch ảm đạm trước kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới, thì khối ngoại lại là nhân tố khá tích cực khi duy trì trạng thái mua ròng khá tích cực. Trong 4 phiên giao dịch, khối ngoại đã mua ròng gần 570 tỷ đồng và vẫn ưu tiên giải ngân các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC), nền tảng thanh khoản của thị trường vẫn đang có xu hướng giảm dần, trong đó, những phiên giảm điểm lại có khối lượng giao dịch cao hơn những phiên phục hồi, đây vẫn là dấu hiệu của một thị trường điều chỉnh.
Đồng thời, ông Đức cho rằng, nhiều khả năng trong tuần tới, chỉ số VN-Index sẽ có xu hướng giảm, hướng về ngưỡng kháng cự mạnh quanh 950 điểm. Tuy nhiên, đây đang là mùa ĐHCĐ cũng như công bố kết quả kinh doanh quý I của các công ty niêm yết, do đó, sự phân hóa có thể diễn ra tùy vào việc thị trường đánh giá đó là những thông tin tích cực hay tiêu cực.
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, dòng tiền vẫn tham gia khá hạn chế khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần (ngày 22/4) bởi tâm lý kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đang cận kề. Nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng gánh nặng bên cạnh sắc đỏ chiếm áp đảo thị trường bởi lực bán khá lớn, đã nhanh chóng đẩy VN-Index về dưới mốc 965 điểm.
Thậm chí, chỉ số này đang rung lắc và thử thách mốc 960 điểm trước sức ép đến từ cặp đôi lớn VNM và VIC.
Mặc dù cuối tuần qua, tại ĐHCĐ thường niên, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên khẳng định: "Kể cả năm mà ngành sữa tăng trưởng âm thì Vinamilk vẫn lấy được thị phần".
Bên cạnh đó, về những thông tin liên quan đến vụ sữa học đường gần đây, vị nữ tướng này cho rằng: "Nếu ai cạnh tranh không công bằng thì người đó sẽ lãnh hậu quả. Chúng tôi không khơi dậy cuộc chiến, nhưng ai động đến thương hiệu Vinamilk, bôi nhọ thương hiệu Việt là không thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu lớn này lại giao dịch thiếu tích cực khi tiếp tục gia tăng sức ép cho thị trường. Sau hơn 80 phút giao dịch, VNM đã giảm 2,6% và tạm đứng tại mức 129.600 đồng/CP.
Bên cạnh đó, VIC cũng đảo chiều giảm sau phiên khởi sắc cuối tuần trước, góp phần gia tăng khó khăn cho thị trường khi giảm 1%, xuống 109.000 đồng/CP.
Sau hơn 2 giờ giao dịch giằng co, áp lực bán có phần dâng cao hơn đã đẩy VN-Index về dưới mốc 860 điểm. Tuy nhiên, ngay khi thủng ngưỡng kháng cự này, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Dù chưa thể lấy lại mốc tham chiếu nhưng đà giảm đã được thu hẹp.
Chốt phiên sáng, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo sàn HOSE với 197 mã giảm và 85 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 3,04 điểm (-0,31%) xuống 963,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 81,55 triệu đơn vị, giá trị 1.537,14 tỷ đồng, tăng 56,83% về lượng và tăng gần 50% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,82 triệu đơn vị, giá trị 230,46 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, một số mã hồi phục hoặc duy trì đà tăng, giúp thị trường hãm đà giảm sâu, như VHM khởi sắc với mức tăng 1,1% lên 90.000 đồng/CP, GAS tăng 0,8% lên 107.100 đồng/CP, MSN tăng 0,3% lên 87.900 đồng/CP, SAB tăng 0,5% lên 241.800 đồng/CP, VIC đảo chiều nhích nhẹ 0,1% lên 110.200 đồng/CP.
Trái lại, VNM tiếp tục gia tăng sức ép khi nới rộng biên độ giảm hơn 2,7% xuống 129.400 đồng/CP.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là một trong những nhân tố cản trở thị trường đi lên khi hầu hết đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, điển hình như BID giảm 1,7% xuống 34.250 đồng/CP, CTG giảm 1,2% xuống 20.550 đồng/CP, TCB giảm 1,7% xuống 23.800 đồng/CP, VCB giảm 0,6% xuống 67.600 đồng/CP… Thanh khoản nhóm này vẫn khá thấp với chỉ MBB và CTG có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE vẫn là ROS với khối lượng khớp lệnh hơn 3,58 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá 30.900 đồng/Cp, giảm 1,9%, sau nhịp hồi nhẹ trong phiên cuối tuần trước.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã cũng đã đảo chiều giao dịch trong sắc đỏ như HAR, QCG, AAA, HSG, HQC, DXG… Tuy nhiên, cặp đôi tí hon PPI và VHG tiếp tục bảo toàn sắc tím.
Như vậy, VHG đã xác lập phiên tăng trần thứ 24 liên tiếp và chốt phiên tại mức giá 1.940 đồng/CP với lượng dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị. Như vậy, tính trong hơn 1 tháng qua (từ ngày 18/3 đến nay), giá cổ phiếu VHG đã tăng tới hơn 340%.
Trên sàn HNX, sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, áp lực bán gia tăng đã nhanh chóng khiến thị trường đổi sắc.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,63 điểm (-0,6%) xuống 105,24 điểm với 38 mã tăng và 60 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch hơn 20 triệu đơn vị, giá trị 219,4 tỷ đồng, tăng 41,24% về lượng và hơn 99% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm hơn 5,3 tỷ đồng.
Dòng bank cũng giao dịch kém tích cực khi ACB giảm 1% xuống 29.300 đồng/CP, SHB giảm 1,3% xuống 7.400 đồng/CP.
Trái lại, các mã dầu khí lại đảo chiều khởi sắc sau những phiên điều chỉnh trước đó như PVS tăng 0,9% lên 22.500 đồng/CP, PVI tăng 1,7% lên 41.000 đồng/CP, PGS tăng 1,8% lên 34.500 đồng/CP, PVB tăng 1,1% lên 18.900 đồng/CP…
Trên sàn HNX có 14 mã tăng trần, trong đó hầu hết đều là các mã tí hon như KVC, DPS, BII, NHP, PVV, HKB, SPI… Đáng kể, KVC có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 1,57 triệu đơn vị và lượng dư mua trần 637.600 đơn vị.
Ngoài ra, DPS và BII cũng nằm trong top 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn HNX và dư mua trần khá lớn. Cụ thể, DPS khớp 1,39 triệu đơn vị và dư mua trần 304.100 đơn vị; BII khớp 1,27 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1,5 triệu đơn vị.
Giao dịch tương tự cũng diễn ra trên thị trường UPCoM khi sắc xanh chỉ kịp le lói đầu phiên và nhanh chóng bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu với mức giảm ngày càng sâu hơn về cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,8%) xuống 55,61 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,23 triệu đơn vị, giá trị hơn 86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp chưa tới 2,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu quen thuộc BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch 813.300 đơn vị và chốt phiên bị đẩy về mốc tham chiếu sau nhịp khởi sắc đầu phiên.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng giao dịch thiếu tích cực, là tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống như ACV giảm 0,2% xuống 81.800 đồng/CP, MSR giảm gần 1% xuống 20.400 đồng/CP, VEA giảm 2,9% xuống 46.500 đồng/CP, VGI giảm 1,33% xuống 22.300 đồng/CP, NTC giảm 8,1% xuống 101.600 đồng/CP…