Sau những phiên giao dịch lình xình và kém tích cực vào cuối năm Mậu Tuất, thị trường đã khởi sắc trở lại trong năm Kỷ Hợi. Cùng với dòng tiền sôi động được kích hoạt, các chỉ số liên tiếp được kéo lên cao. Tuy nhiên, cùng với việc liên tục phá vỡ các ngưỡng kháng cự cao hơn, giới phân tích cũng lo ngại hơn về áp lực bán sẽ gia tăng và dự báo về những nhịp rung lắc của thị trường.
Trong những phiên gần đây, thị trường đã chịu áp lực bán ra khá lớn khiến sắc đỏ chiếm ưu thế và các chỉ số cũng rung lắc mạnh lên, tuy nhiên, các bluechip và vốn hóa lớn đã làm tốt vai trò gánh vác thị trường khi thay phiên nhau nâng đỡ giúp VN-Index duy trì đà tăng khá tốt.
Bên cạnh đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường với giao dịch khá sôi động và liên tục mua ròng mạnh qua từng phiên. Chỉ tính trong 9 phiên giao dịch khai Xuân Kỷ Hợi, khối ngoại đã mua ròng gần 2.450 tỷ đồng.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/2, kịch bản cũ lại lặp lại. Sau phiên bật cao ngày hôm qua, áp lực bán đã dâng cao và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip, tạo gánh nặng nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ ngay khi mở cửa.
Tuy nhiên, sau khi bị đẩy về mốc 982 điểm, lực cầu gia tăng giúp thị trường khởi sắc trở lại, thậm chí có thời điểm được kéo qua mốc 990 điểm. Nhưng ngay khi tiếp cận ngưỡng kháng cự trên, thị trường đã gặp khó trước áp lực bán thường trực, đáng kể là sức ép đến từ một số cổ phiếu lớn.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE, số mã giảm (152 mã) đã gần gấp đôi số mã tăng (86 mã), trong đó nhóm VN30 có 19 mã giảm và chỉ còn 10 mã tăng.
Đáng kể là VHM. Sau khi bùng nổ về cuối phiên hôm qua giúp VHM đảo chiều ngoạn mục, kết phiên trong sắc tím và thiết lập đỉnh mới, cổ phiếu này đã tiếp tục bị nhấn chìm trong sắc đỏ khi bước vào phiên giao dịch sáng 22/2, sau 4 phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó. Hiện VHM đang giảm 2,2% xuống 94.600 đồng/CP, đang là “tội đồ” chính khiến thị trường điều chỉnh.
Sau hơn nửa phiên giằng co, thị trường đã lấy lại cân bằng nhờ dòng tiền tham gia tích cực. Bên cạnh sự hỗ trợ khá tích cực của một số mã bluechip và vốn hóa lớn, sự trở lại của nhóm “cổ phiếu vua” đã tiếp lửa cho thị trường đi lên và chính thức vượt mốc 990 điểm trong phiên sáng cuối tuần.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 127 mã tăng và 145 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,99 điểm (+0,51%) lên 992,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,53 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.631,48 tỷ đồng, tăng 26,29% về lượng và 23,37% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,36 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 153,63 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở thành điểm sáng nhờ lực cầu gia tăng mạnh, sau những phiên biến động lình xình trước đó. Cụ thể, VCB tăng 2,8% lên 61.900 đồng/CP, TCB tăng 1,1% lên 27.800 đồng/CP, MBB tăng 2,3% lên 22.600 đồng/CP, CTG tăng 2,9% lên 21.000 đồng/CP, HDB tăng 1,2% lên 30.150 đồng/CP, BID tăng 0,7% lên 34.500 đồng/CP.
Thanh khoản của dòng bank cũng khá tốt với CTG khớp 9,72 triệu đơn vị, MBB khớp gần 5,7 triệu đơn vị, TCB khớp 4,43 triệu đơn vị, STB khớp 4,2 triệu đơn vị…
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng khởi sắc với GAS tăng 2,4% lên 99.500 đồng/CP, PLX tăng 1% lên 58.900 đồng/CP, PVD tăng 2% lên 17.950 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng có được sắc xanh như VNM tăng 0,5% lên 149.200 đồng/CP, MSN tăng 0,6% lên 90.200 đồng/CP, VJC tăng 2,3% lên 121.700 đồng/CP, VRE tăng 3,5% lên 35.200 đồng/CP, BVH tăng 1,7% lên 97.000 đồng/CP.
Trái lại, cha con VIC và VHM đóng vai trò lực cản, trong đó VIC giảm 0,6% xuống 117.700 đồng/CP, còn VHM giảm 2,3% xuống 94.500 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, HSG trở lại khá bùng nổ. Mặc dù mở cửa trong sắc đỏ nhưng lực cầu tăng mạnh đã giúp HSG nhanh chóng thiết lập sắc tím. Chốt phiên, HSG tăng 7% lên mức giá trần 7.970 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 9,78 triệu đơn vị và dư mua trần 887.950 đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự, sau hơn nửa phiên rung lắc, lực cầu gia tăng tích cực đã giúp thị trường bứt phá đi lên, thậm chí có thời điểm chạm mốc 107 điểm.
Chốt phiên, với 46 mã tăng và 50 mã giảm, HNX-Index tăng 0,64 điểm (+0,6%) lên 106,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,5 triệu đơn vị, giá trị 287,24 tỷ đồng, tăng 34,67% về lượng và 30,34% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,72 triệu đơn vị, giá trị hơn 30 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng trên sàn HNX giao dịch khởi sắc, trong đó ACB tăng 1,7% lên 30.600 đồng/CP và khớp 2,43 triệu đơn vị; còn SHB tăng 1,3% lên 7.600 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu đạt 4,74 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như PVS tăng 3% lên 20.400 đồng/CP, PVB tăng 1,8% lên 17.300 đồng/CP, PLC tăng 0,6% lên 15.800 đồng/CP, NTP tăng nhẹ…
Trái lại, VGC đảo chiều giảm 1% xuống 20.700 đồng/CP, VCG giảm 1,4% xuống 24.700 đồng/CP, VCS giảm 1,1% xuống 63.500 đồng/CP…
Trên UPCoM, trái với 2 sàn niêm yết, chỉ số UPCoM-Index đứng dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,06%) xuống 55,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,43 triệu đơn vị, giá trị 97,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 30,82 triệu đơn vị, giá trị 668,97 tỷ đồng, đáng kể IDC thỏa thuận hơn 28,9 triệu đơn vị, giá trị 621,38 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn đang giao dịch thiếu tích cực như ACV, BSR, VGT, VIB, VGI, MSR…
Trong đó BSR là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM và cũng là mã duy nhất có khối lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị (1,18 triệu đơn vị).
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là VGT đạt khối lượng giao dịch 541.600 đơn vị và chốt phiên giảm 0,84% xuống 11.800 đồng/CP.