Sau nỗ lực kéo trở lại mốc 1.000 điểm bất thành, thị trường đã lình xình giằng co quanh mức giá 995 điểm trong gần hết phiên giao dịch và đã đột ngột cắm đầu đi xuống trong đợt khớp ATC khiến phiên 21/11 để mất tới gần 13 điểm và thủng luôn mốc 990 điểm. Nhóm cổ phiếu VN30 là “tội đồ” chính bị bị bán mạnh và giảm khá sâu.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những nhân tố thiếu tích cực khi đẩy mạnh bán ròng, với giá trị bán ròng lên tới gần 350 tỷ đồng, gấp gần 20 lần so với phiên trước đó. Tuy nhiên, việc bán ròng mạnh chủ yếu là do giao dịch thỏa thuận cổ phiếu KDH và nếu loại trừ yếu tố đột biến này thì khối ngoại chi bán ròng hơn 86 tỷ đồng.
Nhận định về phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/11, hầu hết các công ty chứng khoán đều có chung quan điểm trung lập về thị trường. Tuy nhiên, theo BVSC, nhiều bluechip trong rổ VN30 đang bị hiện tượng bán quá đà. Do đó, các cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ có phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại trong phiên cuối tuần.
Không nằm ngoài dự đoán trên, mặc dù dòng tiền khá thận trọng và tham gia nhúc nhắc nhưng sự trở lại của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường đảo chiều hồi phục sau 2 phiên giảm sâu.
Cụ thể, thanh khoản thị trường khá yếu với tổng giá trị giao dịch chưa tới 800 tỷ đồng sau khoảng 1 giờ giao dịch.
Trong khi đó, nhóm VN30 chỉ có 3 mã giao dịch dưới mức tham chiếu là EIB, ROS và VRE, còn lại đều khởi sắc nhưng với biên độ khá hẹp chủ yếu là trên dưới 0,5%, ngoại trừ SAB tăng 2% lên 245.800 đồng/CP, GAS tăng 1,1% lên 105.200 đồng/CP, FPT tăng 1,4% lên 56.800 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu đáng chú ý, mặc dù HĐQT đã thông qua việc mua lại 1 triệu cổ phiếu quỹ cùng hàng loạt lãnh đạo đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu nhưng TTB vẫn chưa dừng rơi khi trở lại với sắc xanh mắt mèo. Hiện TTB đứng tại mức giá sàn 10.050 đồng/CP với khối lượng dư bán sàn gần 360.000 đơn vị.
Tuy nhiên, trong những phút cuối phiên, lực cung bất ngờ được đẩy mạnh, khiến VN-Index đột ngột quay đầu lao xuống dưới tham chiếu, xuống mốc 980 điểm trước khi kịp nảy nhẹ trở lại cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 101 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index giảm 4,75 điểm (-0,48%), xuống 983,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 103,4 triệu đơn vị, giá trị 2.137,3 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,68 triệu đơn vị, giá trị 364,6 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể là hơn 7,83 triệu cổ phiếu VPB, trị giá 167,6 tỷ đồng.
Chỉ số lao dốc chủ yếu đến từ 3 mã lớn nới rộng đà giảm là VHM -2,94% xuống 92.500 đồng và VCB -1,6% xuống 86.100 đồng, và VRE -2,86% xuống 34.000 đồng.
Các bluechip khác cũng “tiếp sức” khiến thị trường chịu áp lực là BID -0,9% xuống 40.850 đồng; HVN -2,6% xuống 33.900 đồng; CTD -2,8% xuống 66.100 đồng; PLX -0,8% xuống 59.200 đồng và sắc đỏ khác tại MSN -0,3%; CTG -0,2%; MWG -0,3%...
Giữ cho VN-Index không giảm sâu đáng kể chỉ còn VIC +0,8% lên 116.200 đồng; SAB +1,6% lên 244.500 đồng; HPG +1,1% lên 22.250 đồng, trong khi NVL, VPB, BVH, FPT, GAS tăng chưa đến 1%.
Trong khi đó, 5 cổ phiếu dừng lại ở tham chiếu là VNM, TCB, MBB, VJC và EIB.
Khớp lệnh ngoài ROS vượt trội với gần 10,8 triệu đơn vị, giảm 1% xuống 24.750 đồng. 4 cổ phiếu theo sau là VHM, MBB, VRE và HPG có từ 1,9 triệu đến 2,74 triệu đơn vị.
Nhóm ngân hàng, tài chính như VCB, HDB, SSI, CTG, TCB, STB có từ 0,7 triệu đến 1,55 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường chịu ảnh hưởng chung và đa số giảm như HSG, HAI, DXG, AAA, HQC, AMD, PVD, LDG. Đáng chú ý, TSC vẫn nằm sàn tại 2.830 đồng, khớp gần nửa triệu đơn vị và dư bán giá sàn hơn 1,9 triệu đơn vị.
Một vài sắc xanh có ASM, ITA, DLG, SCR. Trong khi đó, FLC đứng tham chiếu, khớp lệnh chỉ đứng sau “người anh em” ROS với hơn 4,87 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu gây chú ý là TCH, khi hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 4,5% đã tăng mạnh, thậm chí có thời điểm còn chạm mức giá trần, kết phiên tăng mạnh 6,4% lên 26.750 đồng, khớp hơn 3,35 triệu đơn vị.
Trái lại, TTB sau thông tin muốn mua cổ phiếu quỹ, cùng thông báo của Chủ tịch và một số lãnh đạo mua lượng lớn cổ phiếu vẫn chưa thể giúp cổ phiếu này trở lại, chốt phiên giảm sàn -6,9% xuống 10.050 đồng, khớp hơn 260.000 đơn vị và trắng bên mua.
Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng trên HOSE, chỉ số HNX-Index giữ sắc xanh trong khoảng nửa đầu phiên và bị áp lực bán sau đó đẩy chỉ số xuống dưới tham chiếu và giao dịch giằng co nhẹ, trước khi đổ đèo thêm một nhịp vào cuối phiên.
Các mã lớn đa số giảm như là ACB -0,83% xuống 23.800 đồng; VCS -1,5% xuống 85.600 đồng; VCG -0,7% xuống 27.100 đồng; PVS -0,5% xuống 18.300 đồng; PVI -0,9% xuống 31.500 đồng; DGC -1,1% xuống 26.700 đồng; SHS -1,2% xuống 8.200 đồng.
Tăng điểm chỉ còn CEO +2,2% lên 9.400 đồng; TNG +2,1% lên 14.400 đồng và MBG +4,1% lên 35.700 đồng.
Trong khi SHB, DDG cùng nhóm cổ phiếu nhỏ KVC, PVC, TIG, ART, HUT đứng giá tham chiếu.
Khớp lệnh PVS cao nhât sàn với hơn 0,8 triệu đơn vị; MBG có 0,76 triệu đơn vị; DST tăng trần, khớp 0,73 triệu đơn vị; SHB có 0,6 triệu đơn vị; ACB có 0,48 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 26 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,5%), xuống 104,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,26 triệu đơn vị, giá trị 113,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,85 triệu đơn vị, giá trị 6,86 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chịu thiệt hại, mặc dù phần lớn thời gian giao dịch trên tham chiếu.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,16%), xuống 56,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,34 triệu đơn vị, giá trị 63,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,94 triệu đơn vị, giá trị 31,4 tỷ đồng.
20 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất nếu không kể một vài cổ phiếu nhỏ thì đồng loạt giảm như BSR, VIB, GVR, MPC, NHH, CTR, OIL, VEA, VGI, QNS…
Cổ phiếu DLR bất ngờ có thanh khoản khá so với nhiều phiên trở lại đây với hơn 219.000 đơn vị khớp lệnh và tăng kịch trần +39,8% lên 16.500 đồng/cổ phiếu.