Diễn biến phân hóa ở nhóm bluechip khiến thị trường giằng co và rung lắc khá mạnh trong sáng hôm qua. Tuy nhiên, với sự khởi sắc VNM cùng đà hồi phục ở nhóm dầu khí, VN-Index bảo toàn được mốc 970 điểm.
Bước sang phiên chiều, thị trường không có gì đột biến, VN-Index vẫn lình xình trên mốc 970 điểm. Nhưng sau đó, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng quay đầu đi xuống, là gánh nặng chính khiến thị trường thu hẹp đà tăng.
Theo SHS nhận định, dòng tiền đang có dấu hiệu suy yếu dần khi giữ ở mức dưới trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý đang dần thận trọng của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh mà xu hướng ngắn hạn hiện tại là chưa rõ ràng và thị trường có thể sớm có một phiên bứt phá khỏi vùng tích lũy thì quyết định chưa vội giải ngân, mà đứng ngoài quan sát của nhà đầu tư là có thể hiểu được.
Bước và phiên giao dịch sáng nay 21/8, diễn biến trong nửa đầu phiên sáng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy một xu hướng khác thay thế cho sự giằng co, đi ngang và phân hóa hiện tại, VN-Index vẫn chỉ lình xình quanh tham chiếu, với độ rộng thị trường cân bằng về số mã tăng/giảm trên bảng điện tử, biên độ giá dao động cũng chỉ ở mức khiêm tốn.
Điểm nhấn trên thị trường vẫn là FLC, khi đang có thanh khoản khớp lệnh vượt trội so với phần còn lại và tăng từ sớm. Theo sau là một số mã thị trường khác như SCR, GTN, HAG, cùng một số bluechip với VPB, MBB, HPG…
Tân binh chào sàn phiên hôm nay là YBM của CTCP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái với giá tham chiếu 14.900 đồng, đã vọt ngay lên mức giá trần +19,8% lên 17.850 đồng, và có hơn 33.000 đơn vị khớp lệnh.
Một mã khác mới chào sàn là CRC của CTCP Create Capital Việt Nam vào ngày hôm qua đã tiếp tục tăng trần trong phiên sáng nay, +6,9% lên 16.250 đồng, khớp gần 70.000 đơn vị.
Phiên hôm qua, mã này tăng kịch trần trong ngày đầu tiên giao dịch +19,7% lên 15.200 đồng, khớp hơn 176.000 đơn vị.
Diễn biến chỉ số VN-Index không có bất ngờ nào sau nửa phiên sau, khi vẫn duy trì trên tham chiếu, nhưng mức tăng không cao, tuy nhiên, thanh khoản thị trường tiếp tục vọt lên so với phiên sáng hôm qua.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 148 mã tăng và 110 mã giảm, VN-Index tăng 2,11 điểm (+0,22%), lên 971,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 113,46 triệu đơn vị, giá trị 2.354,76 tỷ đồng, tăng 25% cả về về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 21,47 triệu đơn vị, giá trị 666,9 tỷ đồng, trong đó có hơn 10,46 triệu cổ phiếu GEX, giá trị 320 tỷ đồng.
Nhóm 10 mã cổ phiếu trụ cột, vốn hóa lớn nhất thị trường chỉ tăng/giảm nhẹ trên dưới 1%, chỉ duy có 2 mã giảm sâu là GAS -1,9% xuống 96.300 đồng và SAB, cũng mất 1,9% xuống 209.000 đồng.
Đối trọng là BID +1,9% lên 32.000 đồng và MSN +1,8% lên 91.500 đồng, cùng CTG +1,2% lên 26.000 đồng.
Còn lại VIC đứng tham chiếu, VHM +0,83%; VNM +0,81%; VCB +0,33% và TCB -0,38%.
Khớp lệnh CTG vượt trội với 2,86 triệu đơn vị; BID có 1,72 triệu đơn vị; VCB và TCB có nửa triệu đơn vị; còn lại từ trên dưới hơn 200.000 đến 400.000 đơn vị.
Điểm đáng chú ý sáng nay là 20 mã thanh khoản cao nhất sàn, có trên 1 triệu đơn vị khớp lệnh trở lên đa số tăng, mất điểm chỉ còn ASM -0,4% xuống 12.550 đồng cùng HPG và GEX đứng tham chiếu.
Trong đó, tâm điểm vẫn là nhóm cổ phiếu thị trường, với điểm nhấn FLC, khi khớp lệnh cao nhất với hơn 16,5 triệu đơn vị, bỏ xa phần còn lại của sàn, chốt phiên FLC +4,4% lên 6.610 đồng.
Theo sau là các mã thị trường GTN, SCR, HAG, ITA với hơn 3,4 triệu đến 5,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong đó, SCR tăng tốt nhất khi +5,1% lên 9.290 đồng; ITA +4% lên 2.850 đồng; GTN + 3,2% lên 11.350 đồng.
Tiếp theo là một số bluechip như SBT, khớp 2,5 triệu đơn vị; tăng 1,6% lên 19.000 đồng; VPB +1,2% lên 25.200 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị; MBB +1,1% lên 23.150 đồng, khớp 2,67 triệu đơn vị; SSI +1,5% lên 29.600 đồng, khớp 1,85 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu khác trên thị trường đáng kể là tân binh YBM vẫn đứng ở mức giá trần +19,8% lên 17.850 đồng, và khớp lệnh dừng lại vẫn tại con số hơn 33.000 đơn vị; THI +5,1% lên 45.000 đồng; DRC +6,2% lên 25.700 đồng, khớp hơn 620.000 đơn vị; CRC +6,9% lên 16.250 đồng, khớp 123.000 đơn vị; PLP +6,4% lên 15.800 đồng; POM +6,6% lên 14.500 đồng…
Ngược lại, bluchip DHG -2,6% xuống 93.500 đồng; KDC -2,4% xuống 32.000 đồng; TNI -3% xuống 11.150 đồng; TMT -6,3% xuống 6.650 đồng cùng TDG giảm sàn xuống 6.060 đồng…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng giằng co và rung lắc, nhưng lại là trên tham chiếu, do các mã lớn chi phối phần lớn chỉ dừng ở tham chiếu đã không phá hỏng cuộc vui.
Theo đó, SHB, PVS, HUT, NVB, PVI, VC3, NDN, MBS… cùng 2 mã nhỏ DST và MST cùng đứng ở tham chiếu khi chốt phiên.
Tăng điểm còn lại là CEO +8,7% lên 13.800 đồng; ACB +0,8% lên 37.000 đồng; SHS +0,7% lên 14.600 đồng; VGC +1,2% lên 16.500 đồng; VCG +1,8% lên 17.100 đồng...
Khớp lệnh cao nhất sàn là CEO với hơn 2,5 triệu đơn vị; SHB có 2,26 triệu đơn vị; PVS có 1,97 triệu đơn vị; ACB có 1,48 triệu đơn vị; DST có hơn 700.000 đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 45 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,4%), lên 108,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 237,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 200.000 đơn vị, giá trị gần 6 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index rung lắc mạnh hơn, và kết phiên chỉ có sắc xanh nhạt với sự phân hóa cao.
Trong đó, tăng điểm lác đác có VGT +4,2%; VFC +2%. Trong khi đó, BSR, OIL, POW, LPB, VIB, GVR đều đứng giá tham chiếu.
Giảm điểm gồm HVN -0,5%; ACV -1,6%; QNS -0,5%; VEA -3,3%; DVN -0,7%; ART -2,6%; KOS -0,5%...
Khớp lệnh tốt nhất là ART với hơn 720.000 đơn vị; BSR có hơn 700.000 đơn vị; LPB, VGT và VEA có hơn nửa triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,1%), lên 51,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,37 triệu đơn vị, giá trị 82,05 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 2,7 triệu đơn vị, giá trị 50,19 tỷ đồng.