Phiên sáng 21/3: Tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng, sàn UPCoM có đột biến

(ĐTCK) Sau thông tin đầu tư dự án có casino tại Quảng Ninh, cổ phiếu FLC tăng mạnh và có thanh khoản tốt nhất thị trường, nhưng tâm điểm chính trong phiên sáng nay lại đến từ nhóm ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến sự đột biến đến từ sàn UPCoM.
Phiên sáng 21/3: Tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng, sàn UPCoM có đột biến

Sau hoạt động chốt danh mục của các quỹ ETFs, nhà đầu tư đã mạnh dạn rót tiền trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giúp hàng trăm mã tăng giá và kéo VN-Index phục hồi mạnh.

Tưởng chừng có lúc chỉ số này sẽ chinh phục được mức đỉnh cũ 720 điểm trong phiên giao dịch này, nhất là khi VJC khởi sắc tăng lên mức giá trần, nhưng vẫn còn đó những lực cản, khiến con đường lên đỉnh cũ của VN-Index gặp khó khăn.

Trong phiên chiều qua, việc VIC, GAS, BHN đảo chiều, cùng với việc ROS giảm mạnh đã khiến VN-Index quay lại khi chưa kịp đến ngưỡng 718 điểm.

Sau phiên thử thách hôm qua, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index sẽ có đủ sức để chinh phục được mức đỉnh cũ trong phiên giao dịch hôm nay.

Đúng như kỳ vọng, dòng tiền vẫn chảy mạnh giúp sắc xanh tiếp tục được duy trì khi thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Nhiều mã lớn tăng giá, trong đó ROS cũng đã phục hồi trở lại, kéo VN-Index lên sát ngưỡng 719 điểm. Tuy nhiên, cũng giống như phiên trước đó, bước tiến cửa VN-Index vẫn còn đó những chông gai. Khi tiến sát ngưỡng 719 điểm, VN-Index lại bị đẩy lùi trở lại do SAB giảm mạnh và VIC cũng quay đầu sau khi hồi nhẹ đầu phiên.

Chỉ số này có lúc lùi qua mốc tham chiếu khi GAS, PVD đảo chiều, SAB và VIC giảm sâu và sắc đỏ dần chiếm ưu thế so với sắc xanh. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, cuối cùng VN-Index cũng giữ được đà tăng nhẹ khi chốt phiên sáng nay.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 0,3 điểm (+0,04%), lên 715,37 điểm với 109 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 124,78 triệu đơn vị, giá trị 2.374,72 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,2 triệu đơn vị, giá trị 123 tỷ đồng.

Tâm điểm trong phiên giao dịch sáng nay đến từ nhóm ngân hàng. Trong đó, BID là mã hút dòng tiền mạnh khi được khớp tới 7,4 triệu đơn vị và đang tăng 2,09%, lên 17.100 đồng. CTG cũng có thanh khoản tốt khi được khớp hơn 1,9 triệu đơn vị và cũng tăng 1,37%, lên 18.550 đồng. VCB cũng tăng 0,4%, lên 37.700 đồng, nhưng thanh khoản không bằng các mã còn lại. MBB tăng 1,33%, lên 15.250 đồng với 1,45 triệu đơn vị được khớp, trong khi STB đứng ở tham chiếu 10.550 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, EIB lại là mã có mức biến động giá mạnh. Mở cửa ở mức giá tham chiếu, sau ít phút lình xình, lực cầu bất ngờ tăng mạnh, kéo cổ phiếu này lên mức giá trần 12.150 đồng. Tuy nhiên, cũng rất nhanh chóng, lực cung gia tăng tăng, đẩy EIB trở lại xuống dưới tham chiếu, trước khi hồi trở lại và đóng cửa tăng 3,51%, lên 11.800 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.

Ở các mã khác, sau 2 phiên giảm mạnh, ROS đã hồi phục nhẹ 0,59%, lên 152.400 đồng với 2,1 triệu đơn vị được khớp. Hiện lượng dư mua các mức giá từ 152.300 đồng trở xuống khá lớn, trong khi lượng dư bán ở mức giá trên không có nhiều.

FLC cũng duy trì sắc xanh với mức tăng tốt hơn 4%, lên 8.020 đồng với hơn 17,5 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HOSE.

Thông tin quan trọng liên quan đến 2 mã này là Tập đoàn FLC và ROS sẽ trở thành chủ đầu tư quần thể nghỉ dưỡng, nơi có casino đầu tiên cho người Việt tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD ở Vân Đồn, Quảng Ninh.

ITA và HAG cũng duy trì được đà tăng với mức 0,5% và 1,98%, lên 4.060 đồng và 9.290 đồng. Trong khi đó, HQC lại đảo chiều giảm 2,18%, xuống 2.690 đồng với 9,2 triệu đơn vị được khớp, đứng sau FLC.

Đại gia bất động sản VIC sáng nay lại giảm rất mạnh 4,39%, xuống 41.400 đồng với hơn 5 triệu đơn vị được khớp. Tương tự, một mã lớn khác là SAB cũng giảm 1,44%, xuống 206.000 đồng, có lúc đã giảm hơn 2%. BHN cũng giảm 0,43%, BHV giảm 0,82%, GAS giảm 0,36%...

Trên HNX, cũng giống như sàn HOSE, nhóm ngân hàng cũng trở thành tâm điểm chú ý của thị trường. Trong đó, ACB tăng 2,09%, lên 24.400 đồng với 5,3 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thanh khoản trên sàn này. Đây chính là lực đỡ giúp HNX-Index duy trì đà tăng tốt trong phiên sáng nay.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,48%), lên 89,46 điểm với 59 mã tăng và 86 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 28,2 triệu đơn vị, giá trị 271,87 tỷ đồng.

SHB dù không có sắc xanh, nhưng cũng ở mức tham chiếu 5.100 đồng với 1,7 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, HKB tiếp tục có sắc tím với tổng khớp hơn 2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 6.400 đồng gần 430.000 đơn vị. HHC leo lên mức giá 48.000 đồng với dư mua trần lên tới 13,2 triệu đơn vị.

Các mã thị trường khác như KLF, SVN, SHN, KVC, ITQ đứng ở tham chiếu với giao dịch không mạnh như trước. Trong khi HUT giảm 1,36%, xuống 14.500 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp, đứng sau ACB.

Trái ngược với 2 sàn niêm yết, dù nhận được sự hỗ trợ từ đà hồi phục của HVN, VOC, FOX, SAS, nhưng với việc SDI đảo chiều giảm, MSR, MCH, ACV không giữ được đà tăng, chỉ số UPCoM-Index đảo chiều giảm khá mạnh.

Cụ thể, chốt phiên sáng nay, UPCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,67%), xuống 58,2 điểm với 9,4 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 332,49 tỷ đồng, mức kỷ lục của sàn này.

Đột biến về thanh khoản trên UPCoM đến từ việc lực bán diễn ra mạnh mẽ tại HNF sau chuỗi phiên găm hàng. Cũng giống như HHC, HNF cũng có chuỗi phiên tăng trần ấn tượng sau thông tin Vinataba thoái vốn. Trong phiên giao dịch sáng nay, HNF cũng được kéo lên mức trần 44.100 đồng với dư mua trần khá lớn. Tưởng chừng mã này sẽ có phiên tăng trần tiếp theo như HHC, thì lực cung bất ngờ gia tăng, đẩy HNF xuống mức sàn 32.700 đồng với hơn 6 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục