Thị trường dậy sóng vì ETF ngoại, ETF nội ở đâu?

(ĐTCK) Trong khi ETF ngoại giao dịch sôi động, tốn không ít giấy mực của báo chí và các đội ngũ phân tích thì tình cảnh giao dịch của 2 quỹ ETF nội hoàn toàn trái ngược. 
Thị trường dậy sóng vì ETF ngoại, ETF nội ở đâu?

Đến hẹn lại lên, thị trường chứng khoán Việt Nam đầu tháng 3 “dậy sóng” bởi kỳ cơ cấu danh mục quý I của 2 quỹ ETF nước ngoài.

Trước đó cả tháng, nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và cả các nhà đầu tư cá nhân liên tục dự báo, cập nhật, theo dõi những thông tin mới nhất về khả năng những mã cổ phiếu được ETF thêm vào, loại ra nhằm đón đầu cơ hội đầu tư. Trong khi đó, các quỹ ETF nội dường như bị nhà đầu tư quên lãng.

ETF ngoại “nóng”

Trên thị trường hiện có 2 quỹ ETF ngoại thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhiều nhất là Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF) và FTSE Vietnam Index ETF (FTSE ETF).

Dù có một số khác biệt, hoạt động của 2 quỹ này có nhiều điểm tương đồng như có mô hình quỹ mở, tái cơ cấu danh mục đầu tư hàng quý, mô phỏng bộ chỉ số VN-Index với danh mục cổ phiếu lựa chọn theo bộ tiêu chí công bố công khai (thời gian niêm yết, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại còn lại, thanh khoản bình quân…).

Công ty quản lý quỹ dựa theo biến động mua ròng/bán ròng chứng chỉ quỹ đang được niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài mà thực hiện mua/bán chứng khoán trong danh mục nắm giữ để giá trị tài sản ròng sát với giá trị rổ chứng khoán cơ sở.

Thị trường dậy sóng vì ETF ngoại, ETF nội ở đâu? ảnh 1

* Sáng 11/3 theo giờ Việt Nam, MV Index Solutions thông báo sẽ thêm cổ phiếu NVL, với tỷ trọng 7%, vào danh mục MVIS Vietnam Index - chỉ số tham chiếu cho Quỹ V.N.M ETF, đồng thời loại cổ phiếu ITA ra khỏi danh mục. Việc thay đổi các cổ phiếu thành phần của MVIS Vietnam Index có hiệu lực sau giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/3 và chính thức được giao dịch từ ngày 20/3. 

Trước đây, chiến thuật của các nhà đầu tư thường sử dụng là dự báo những mã được ETF thêm vào/loại ra danh mục, sau đó mua/bán trước các mã này. Đến phiên cuối cùng cơ cấu danh mục quỹ - trong phiên này, các giao dịch của ETF thường mạnh mẽ, quyết liệt, khối lượng giao dịch lớn bằng lệnh giao dịch tại giá đóng cửa (ATC), tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ mua bán ngược lại theo hiệu ứng thị trường.

Gần đây, việc nhiều nhà đầu tư tìm hiểu và “bắt bài” ETF hơn, giao dịch của quỹ cũng linh động hơn, khiến cơ hội kiếm lợi nhuận trở nên khó khăn, chiến thuật của nhà đầu tư cũng dần thay đổi sang dự báo trước danh mục của quỹ và mua/bán “ngược vị thế” sớm vào ngày chính thức ETF công bố danh mục. Tuy nhiên, việc hẹn nhau xem “phim ETF” vào 15 phút cuối phiên giao dịch thứ Sáu thứ ba của tháng cơ cấu vẫn là một thói quen của nhiều nhà đầu tư, với hy vọng kiếm được những “món hời” bất ngờ.

ETF nội “lạnh”

Từ thành công tại thị trường nước ngoài, được đánh giá là có nhiều ưu điểm như giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục với chi phí thấp, dễ dàng tham gia và rút lui khỏi thị trường, thông tin minh bạch…, cơ chế giao dịch của quỹ ETF tại thị trường Việt Nam đã được hoàn thiện vào quý III/2014.

Sau đó, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 mô phỏng danh mục VN30 do Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý đã được niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từ ngày 6/10/2014.

Thị trường dậy sóng vì ETF ngoại, ETF nội ở đâu? ảnh 3

Đến ngày 29/12/2014, chứng chỉ quỹ E1SSHN30 mô phỏng danh mục HNX30 được Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đưa vào giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Loại hình quỹ ETF nội được kỳ vọng sẽ thu hút được đông đảo nhà đầu tư tham gia, khi nhiều loại hình quỹ trước đó không hấp dẫn nhà đầu tư.

Thế nhưng, trong khi ETF ngoại giao dịch sôi động, tốn không ít giấy mực của báo chí và các đội ngũ phân tích thì tình cảnh giao dịch của 2 quỹ ETF nội hoàn toàn trái ngược. E1VFVN30 hiện được giao dịch với thanh khoản khá thấp, bình quân 10 phiên gần nhất đạt hơn 13.000 chứng chỉ quỹ/phiên, thậm chí có những phiên không có giao dịch, kể cả giao dịch hoán đổi ngoài sàn. Với chứng chỉ quỹ E1SSHN30, thanh khoản còn kém hơn. Tại sao một loại hình quỹ rất thành công tại nước ngoài, lại không được các nhà đầu tư Việt Nam quan tâm?

Thị trường dậy sóng vì ETF ngoại, ETF nội ở đâu? ảnh 4

* Ngày 3/3, FTSE thông báo thêm cổ phiếu ROS, HBC và DXG vào rổ tính chỉ số FTSE Vietnam Index - tham chiếu cho Quỹ FTSE ETF, trong đợt cơ cấu danh mục đầu tiên của năm 2017, đồng thời loại cổ phiếu KDC, PVT, PDR, HVG và HQC ra khỏi danh mục, có hiệu lực từ ngày 17/3. Theo đó, các cổ phiếu Việt Nam trong danh mục mới sẽ là: VIC, MSN, VNM, HPG, VCB, SSI, CII, HSG, PVD, GTN, DPM, BVH, KBC, SBT, NT2, HAG, FLC, ITA, ASM, BHS, ROS, HBC, DXG. 

4 nguyên nhân cơ bản

Theo thống kê, tại ngày 14/3/2017, quy mô Quỹ VNM ETF đạt triệu 285 USD, Quỹ FTSE ETF đạt 242 triệu USD. Tổng quy mô 2 quỹ tương đương trên 11.000 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng phân bổ tại thị trường Việt Nam là 70 - 80%.

Với nguồn vốn lớn, giao dịch tập trung vào một số mã cổ phiếu, phong cách mua bán quyết liệt, thường sử dụng lệnh ATC, đặc biệt là trong phiên cuối cùng của kỳ tái cơ cấu danh mục, các quỹ ETF ngoại tác động không nhỏ đến thanh khoản và giá cổ phiếu, nhất là những mã được thêm vào hoặc loại khỏi danh mục trong mỗi đợt tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, với bộ tiêu chí, thời gian cơ cấu công khai nên các tổ chức, thậm chí là các nhà đầu tư cá nhân có thể “mô phỏng” danh mục của quỹ, tính toán, dự báo các mã sẽ được thêm vào/loại ra. Thực tế cho thấy, tuy không chính xác mọi lúc, nhưng nhiều kỳ cơ cấu, những dự báo của công ty chứng khoán, quỹ đầu tư trùng khớp hay khớp một phần không phải là hiếm, đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư và tạo nên sức hấp dẫn với thị trường.

Với quỹ ETF nội, nguyên nhân dẫn đến sự chưa thành công của loại hình này, theo các chuyên gia trong ngành quản lý quỹ, tập trung vào 4 yếu tố.

Đầu tiên là các quỹ ETF nội có quy mô nhỏ, mô phỏng theo chỉ số VN30 hoặc HNX30 là quá rộng và không dễ dàng “đánh lên” hay “đánh xuống” như cổ phiếu. Giao dịch của các ETF nội chưa tác động nhiều đến thanh khoản, giá cổ phiếu trong danh mục. Đơn cử, giá trị tài sản ròng tại ngày 13/3/2017 được Quỹ E1VFVN30 công bố là 441 tỷ đồng (tương đương khoảng 20 triệu USD).

Với 30 mã chứng khoán được phân bổ, vốn bình quân chỉ hơn 10 tỷ đồng/mã, giao dịch của Quỹ khó có thể tạo “sóng” nên không tạo ra sự cuốn hút riêng, nhà đầu tư không mặn mà phán đoán mã nào sẽ được quỹ thêm, bớt.

Yếu tố thứ hai là về cơ chế giao dịch, tại Việt Nam vẫn chưa được phép bán khống cổ phiếu, thời gian thanh toán bù trừ còn dài, hoạt động cho vay và vay chứng khoán có giới hạn. Với quỹ ETF, giao dịch chênh lệch giá (arbitrage) dựa trên sự chênh lệch giữa giá thị trường của chứng chỉ quỹ và giá trị tài sản ròng là một điểm hấp dẫn nhà đầu tư. Sự hạn chế trong cơ chế giao dịch tại Việt Nam khiến giao dịch abitrage chưa thực hiện được, khiến ETF mất đi lợi thế. Giao dịch chứng chỉ quỹ hiện cũng chưa được phép sử dụng đòn bẩy ký quỹ, qua đó giảm sức hấp dẫn với không ít nhà đầu tư.

Thứ ba là từ năm 2013 trở về trước, một số công ty quản lý quỹ nội hoạt động kém hiệu quả nên khi sản phẩm mới ra đời đã không được nhà đầu tư mặn mà đón nhận.

Thứ tư, các nhà đầu tư trên thị trường hiện phần lớn là nhà đầu tư cá nhân, với tính chuyên nghiệp thấp, thích tự đầu tư, lời ăn, lỗ chịu, thích đầu cơ, kiếm lợi nhuận theo dòng tiền “nóng” hơn là đầu tư thụ động theo danh mục mô phỏng. Thêm vào đó, biên độ biến động giá chứng chỉ quỹ ETF không lớn để tạo cơ hội mang lại mức sinh lợi hấp dẫn.

Với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 10.400 đồng/chứng chỉ quỹ, trong 3 năm qua, giá chứng chỉ quỹ E1VFVN30 dao động trong khoảng 8.700 - 10.900 đồng/đơn vị, trong khi giá nhiều cổ phiếu trong danh mục quỹ biến động mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư sau quá trình theo dõi đã chán nản và bỏ cuộc.

Hướng đi nào cho ETF nội?

Một số ý kiến cho rằng, câu chuyện của các quỹ ETF nội là “chưa thành công”, chứ không hẳn là “thất bại”, bởi sau khi các sản phẩm đầu tay không được đón nhận tích cực, cơ chế chưa hoàn thiện, tổ chức phát hành e ngại, không tung ra các sản phẩm mới để đa dạng hóa khiến thị trường càng thiếu lựa chọn, món ăn đã không hợp khẩu vị, lại không được nêm nếm lại, khó tránh khỏi kém hấp dẫn nhà đầu tư.

Thực tế tại nhiều nước trên thế giới, các quỹ cũng mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng chục năm để hoàn thiện, cải tiến và thuyết phục thị trường chấp nhận.

Trong khi đó, các hạn chế về cơ chế giao dịch, kiểm tra, giám sát tại thị trường Việt Nam sẽ từng bước được cải cách, tiến theo chuẩn và thông lệ quốc tế.

Ở góc nhìn lạc quan, khi các cơ chế dần hoàn thiện, nhiều sản phẩm mới như phái sinh, bán khống, ký quỹ chứng chỉ quỹ, rút ngắn thời gian thanh toán, cho vay chứng khoán… được áp dụng, sẽ tự động kích thích nhiều công ty quản lý cung cấp các danh mục chứng chỉ quỹ đa dạng, phong phú hơn, đáp ứng nhiều “gu” khác nhau của nhà đầu tư, từ đó thu hút dòng tiền tìm đến. Quy mô thị trường, quy mô nhà đầu tư, quy mô quỹ tăng lên là tất yếu.

Sau thành công của các quỹ ETF ngoại, việc các quỹ ETF nội đi vào hoạt động mang khát vọng góp phần đưa TTCK Việt Nam dần tiến tới chuẩn quốc tế, thu hút dòng vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian để quỹ ETF nội phát triển, trưởng thành, đóng vai trò lớn vào sự sôi động và chuyên nghiệp của thị trường chứng khoán Việt Nam.                     

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục