Phiên sáng 2/10: Lực bán tăng mạnh cuối phiên, VN-Index chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Chịu ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới, chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch sáng nay cũng đang chịu rung lắc với số mã giảm chiếm ưu thế trên bảng điện tử và VN-Index rơi xuống dưới 995 điểm. Tuy nhiên, mọi ánh mắt đang hướng sự chú ý vào FTM.
Phiên sáng 2/10: Lực bán tăng mạnh cuối phiên, VN-Index chìm trong sắc đỏ

Trong phiên giao dịch hôm qua, những phút giao dịch bùng nổ cuối phiên của nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index bứt lên, nhưng không đủ sức giúp chỉ số này chinh phục lại được mốc 1.000 điểm khi chốt phiên.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán trong nước đón nhận không vui từ chứng khoán thế giới khi phố Wall giảm mạnh trong phiên tối qua (1/10 theo giờ Việt Nam) sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố khá tiêu cực, cho thấy những tác động của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc tới nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vốn đã có tâm lý không mấy tích cực, việc nhận thông tin tiêu cực từ bên ngoài sẽ có tác động không nhỏ tới nhà đầu tư trong nước, dù các dữ liệu kinh tế vĩ mô trong nước vừa công bố rất khả quan.

Thị trường trong những phút đầu của phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu, sau đó nới rộng đà giảm với sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Sau nỗ lực trở lại tham chiếu bất thành, VN-Index đã bị đẩy mạnh trở lại trong những phút cuối phiên và xuống dưới ngưỡng 995 điểm. Nhóm cổ phiếu lớn đa số chìm trong sắc đỏ, chỉ còn vài mã có sắc xanh le lói.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 4,88 điểm (-0,49%), xuống 994,71 điểm với 93 mã tăng và 189 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 89 triệu đơn vị, giá trị 1.917 tỷ đồng, giảm 21,4% về khối lượng và 22,7% về giá trị so với phiên sáng qua. Tuy nhiên, sáng nay giao dịch thỏa thuận không sôi động như phiên sáng qua khi chỉ có 8,8 triệu đơn vị, giá trị 214,9 tỷ đồng được chuyển nhượng.

Như đã đề cập, lực bán gia tăng mạnh cuối phiên đã đẩy hàng loạt mã quay đầu hoặc nới rộng đà giảm. Trong đó, Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn chỉ còn 2 mã giữ được sắc xanh là SAB tăng 0,76% lên 264.000 đồng và BID tăng 1,25% lên 40.500 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp, còn lại đều giảm giá.

Trong đó, VIC giảm 0,58% xuống 119.200 đồng, VCB giảm 0,6% xuống 82.900 đồng, VHM giảm 0,56% xuống 88.700 đồng, VNM giảm 1,09% xuống 126.600 đồng, GAS giảm 2,26% xuống 103.800 đồng, MSN giảm 1,52% xuống 77.600 đồng, CTG giảm 0,47% xuống 21.200 đồng.

Sắc đỏ cũng bao trùm nhiều mã khác như VRE, PLX, VJC, HPG, MWG, BVH, MBB, HVN, FPT, POW. Trong khi đó, nhóm ngân hàng ngoài BID, thì VPB cũng tăng tốt 1,34% lên 22.650 đồng với 3,94 triệu đơn vị được khớp, cao nhất sàn HOSE; STB tăng 0,48% lên 10.550 đồng với 1,53 triệu đơn vị và HDB, EIB, TPB trở lại tham chiếu.

Tuy nhiên, tâm điểm của phiên giao dịch sáng nay đến từ FTM khi mã này có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp. Đặc biệt, sau 2 phiên cạn nguồn cung, thì dường như lực cầu bắt đáy trong phiên cuối tuần trước đã về đến tài khoản hôm nay, nên nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ chốt lời sớm, đẩy lực cung lên cao, hấp thụ hết lượng dư mua giá trần.

Tuy nhiên, lực cầu đỡ giá vẫn không hề nao núng khi liên tiếp tung vào và chỉ mất hơn 1 tiếng đã hấp thụ hết lượng dư bán, kéo FTM trở lại mức trần 3.630 đồng và lượng dư mua giá trần xuất hiện trở lại với hơn 1 triệu đơn vị, trong khi lượng khớp đạt 3,18 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE sau VPB.

Một cổ phiếu khác cũng nhận lực cung chốt lời sáng nay là HID. Sau k hi tiếp tục lên mức trần 2.660 đồng khi mở cửa, lực cung chốt lời gia tăng đã đẩy HID lùi trở lại. Do không có lực cầu đỡ giá tốt như FTM, nên HID chưa thể trở lại mức trần và thanh khoản cũng khá cầm chừng. Chốt phiên, HID tăng 3,61% lên 2.580 đồng với 0,73 triệu đơn vị.

Một cổ phiếu đáng chú ý khác là TNA sau thông tin bị MBS cắt margin đã nhanh chóng quay đầu giảm trong phiên hôm qua và tiếp tục giảm sâu hơn trong phiên sáng nay. Chốt phiên sáng nay, TNA giảm 1,44% xuống 13.700 đồng với hơn 343.000 đơn vị được khớp.

HSG sáng nay cũng có giao dịch tích cực với hơn 3,1 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 1,46% lên 6.960 đồng.

Trên HNX, chỉ số chính của sàn này giằng co và liên tục đảo chiều, nhưng cuối cùng cũng không thể giữ được sắc xanh do ACB quay đầu điều chỉnh.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,29%), xuống 105,54 điểm với 39 mã tăng và 66 mã giảm. Tổng khối lượng đạt hơn 12,8 triệu đơn vị, giá trị 189 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng, nhưng nhích nhẹ về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 0,4 triệu đơn vị, giá trị chỉ 17,7 tỷ đồng.

Dù lúc đầu duy trì được sắc xanh, nhưng lực bán cuối phiên khiến ACB đóng cửa giảm 0,42% xuống 23.600 đồng với 1,4 triệu đơn vị được khớp. Cũng đóng cửa trong sắc đỏ còn có VCG, NTP, DGC, NVB…

Trong khi đó, VCS dù đã hãm đà tăng đáng kể, nhưng vẫn giữ được sắc xanh nhạt. Thậm chí, PVI sau thông tin có liên quan đến trách nhiệm bảo hiểm trong vụ cháy xảy ra tại kho Công ty Rạng Đông với ước giá trị bồi thường thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng, nhưng vẫn duy trì đà tăng khá tốt trong phiên sáng nay. Chốt phiên, PVI tăng 2,07% lên 34.500 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chưa tới 100.000 đơn vị.

PVS cũng đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng 0,52% lên 19.400 đồng với 0,8 triệu đơn vị. SHB đứng giá tham chiếu 6.600 đồng với hơn 0,9 triệu đơn vị. Cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất HNX sáng nay bất ngờ là NVB với 1,86 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,19% xuống 8.300 đồng.

Trên UPCoM, sau khi bị đẩy khá mạnh nửa đầu phiên sáng, chỉ số chính của thị trường này đã vươn lên trở lại để hạn chế số điểm bị mất khi chốt phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,25%), xuống 56,7 điểm với 52 mã tăng và 54 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,97 triệu đơn vị, giá trị 105 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,48 triệu đơn vị, giá trị 22,3 tỷ đồng.

Trên thị trường này sáng nay là phiên độc diễn của VIB khi khớp tới 2,88 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,79% lên 18.400 đồng. Đây cũng là mã duy nhất có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên UPCoM sáng nay.

Mã có thanh khoản tốt tiếp theo cũng là một mã ngân hàng là LPB, nhưng cũng chỉ khớp hơn 0,6 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,33% xuống 7.400 đồng.

Các mã đáng chú ý khác có sự phân hóa với CTR, VEA, OIL, SDI, MCH tăng giá, trong khi GVR, BSR, VGI, MSR, ACV, VGT giảm giá.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục