Nghi án thao túng mã FTM: Lộ ra những dấu hỏi

(ĐTCK) Diễn biến giao dịch bất thường của cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, mã chứng khoán FTM - HOSE) nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đại chúng. “Lời qua, tiếng lại” của các bên liên quan đã được các phương tiện truyền thông đăng tải và từ đây cũng bộc lộ ra nhiều dấu hỏi về ranh giới pháp lý và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Nghi án thao túng mã FTM: Lộ ra những dấu hỏi

Câu hỏi thứ nhất: Công ty chứng khoán có vi phạm bảo mật thông tin?

Trước nghi vấn cổ phiếu FTM bị thao túng, ông Lê Mạnh Thường, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị FTM khẳng định, ông không có hoạt động nào liên quan đến làm giá chứng khoán hay tác động đến giá cổ phiếu.

Ông Thường cho rằng, có một công ty đứng đằng sau vụ việc này, ông đã nhờ người trích xuất giao dịch hàng ngày...

Trong khi đó, theo quy định tại Ðiều 57, Luật Chứng khoán năm 2006, “Trung tâm lưu ký và thành viên lưu ký có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến sở hữu chứng khoán của khách hàng, từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tài sản của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng, ngoại trừ khách hàng của Trung tâm lưu ký chứng khoán hoặc thành viên lưu ký muốn biết thông tin liên quan đến sở hữu chứng khoán của chính họ”.

Nếu ông Thường “nhờ được người trích xuất giao dịch hàng ngày” đúng như ông nói thì câu hỏi đặt ra là tại sao ông Thường lại có được thông tin giao dịch của các bên khác?

Ai, tổ chức nào cung cấp các thông tin đó? Quan hệ của ông Thường và cá nhân/tổ chức cung cấp thông tin cũng như mục đích của họ khi cung cấp thông tin đó là gì?

Thông tin báo chí cũng cho biết, “các công ty chứng khoán đã trao đổi thông tin và thống kê, hiện có dưới 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo, để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM”.

Nội dung này tương đương với việc các công ty chứng khoán bị thiệt hại trong vụ FTM đã đem thông tin giao dịch của khách hàng tiết lộ cho bên khác, nhằm mục đích đối chiếu, kiểm chứng...

Lẽ thường, khi bị thiệt hại thì con người có tâm lý co cụm và tìm người bị hại như mình để liên kết.

Hành động nhóm họp của các công ty chứng khoán là điều dễ hiểu, nhưng tiết lộ thông tin giao dịch của khách hàng có thể vi phạm pháp luật về bảo mật thông tin theo quy định tại Ðiều 57, Luật Chứng khoán năm 2006.

Cụ thể, công ty chứng khoán có trách nhiệm bảo mật các thông tin liên quan đến sở hữu của khách hàng; từ chối việc phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tài sản, trích lục, sao chép thông tin sở hữu chứng khoán của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng (trừ một số trường hợp như theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Câu hỏi thứ hai: Ai có quyền “lôi” doanh nghiệp ra nhận trách nhiệm thay cổ đông lớn?

Trả lời câu hỏi của báo chí về biện pháp giải quyết vụ FTM như thế nào, ông Thường cho hay, Công ty sẽ xem xét việc đứng ra đại diện cho nhóm cổ đông liên quan.

Ông Thường không phải là lãnh đạo FTM, mà chỉ là cổ đông lớn, vì vậy cầu trả lời có vẻ khá tùy tiện. Doanh nghiệp là một pháp nhân độc lập, có tiếng nói, quyền và trách nhiệm riêng.

Lãnh đạo doanh nghiệp hay cổ đông lớn không thể tùy tiện “lôi” doanh nghiệp ra nhận trách nhiệm cho mình hoặc bên thứ ba. Trước pháp luật, tất cả mọi chủ thể đều bình đẳng.

Ai làm người đấy chịu, không thể lấy doanh nghiệp ra để đại diện cho nhóm cổ đông liên quan. Việc làm như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp và các cổ đông khác.

Chính lối tư duy đó là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp doanh nghiệp bị rút ruột bởi lãnh đạo, cổ đông lớn tẩu tán tài sản của doanh nghiệp cho công ty “sân sau” nhằm tư lợi. Dường như quy chế quản trị doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi, tư duy này.

Câu hỏi thứ ba: Vai trò của các cơ quan quản lý, giám sát thị trường ở đâu?

Trong thời gian từ 4/3/2019 cho đến trước khi giá cổ phiếu FTM rơi tự do 14/8/2019, phải chăng các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát TTCK không nhận nhận thấy các dấu hiệu giao dịch bất thường ở mã này?

Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường, tại sao không cảnh báo giao dịch bất thường, giao dịch đáng nghi ngờ?

Trước đây, nhiều trường hợp cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất thường, sau đó bị phát hiện có hành vi thao túng chứng khoán và bị xử phạt, nhưng nhà đầu tư chưa từng được nhận thông tin cảnh báo sớm từ phía cơ quan quản lý.

Thực tế này có phải vì Luật Chứng khoán không có quy định chi tiết về thời hạn phải công bố thông tin giám sát thị trường, thông tin cảnh báo cho thị trường, hay nhân lực của các cơ quan giám sát quá mỏng nên không bao quát được hết diễn biến thị trường?

Thực tế, có những vụ vi phạm giao dịch chứng khoán hàng năm sau mới thấy quyết định xử phạt hành chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong khi đó, Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cũng không quy định về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà quản lý; phần công bố thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán liên quan đến nghi ngờ giao dịch bất thường trên thị trường cũng… không có trong thông tư.

Nếu luật hở thì cần sửa Luật cho chuẩn mực, vì điều nhà đầu tư đại chúng cần nhất là thị trường phải minh bạch, công bằng, các chủ thể trên TTCK, kể cả nhà quản lý, cần phải được giám sát mạnh mẽ tính liêm chính trong mọi hoạt động.

Nghi án thao túng giá tại FTM là câu chuyện chưa có hồi kết, nhưng cũng để lộ ra những dấu hỏi lớn hơn về trách nhiệm giám sát và chế tài cho các vi phạm trên TTCK Việt Nam.

Minh Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục