Sở hữu của ông trong Công ty FTM hiện nay là bao nhiêu?
Tôi và những người trong gia đình sở hữu 40% vốn điều lệ.
Tôi là cổ đông sáng lập, nhưng vài năm trước tôi đã chuyển giao một phần vì bận làm công việc khác và vì lý do sức khoẻ.
Về phía Công ty, nếu có chủ đích lái giá cổ phiếu, sẽ không bao giờ để lỗ hai quý như vừa qua. Công ty thành lập từ năm 2003 đến nay chúng tôi có gần 1.000 cán bộ công nhân viên. Hiện các nhà máy vẫn hoạt động, mỗi năm xuất khẩu 65-70 triệu USD, chủ yếu là thị trường Trung Quốc mặt hàng dệt, chăn ga gối đệm. Còn khoảng 10% là thị trường Hàn Quốc, bán nội địa ít.
Khi cổ phiếu bị cắt margin và bị bán tháo ồ ạt, chủ tài khoản bị thâm hụt tài sản mạnh, giá cổ phiếu rớt sàn liên tục, đã gây ảnh hưởng đến Công ty và cá nhân tôi.
Khi đó, tôi mới đi công tác về và có gặp gỡ các công ty chứng khoán (CTCK) để trình bày vấn đề khó khăn của Công ty và có các cổ đông như vậy. Còn hứa hẹn trả nợ vay cho các CTCK thì chưa có hứa hẹn gì.
Vừa qua, bên tôi cũng làm đơn gửi các cơ quan chức năng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để xác minh rõ vụ việc. Phía Uỷ ban cũng cho biết, sẽ có thanh tra xuống Công ty để làm việc về những nội dung báo cáo.
Mối quan hệ của ông với các cổ đông lớn khác là như thế nào?
Cổ đông lớn là cán bộ công nhân viên, trong đó có người đã nghỉ, có người vẫn đang làm việc tại Công ty.
60% vốn điều lệ được sở hữu bởi các cổ đông lớn. Tại sao cán bộ công nhân viên, người lao động lại nắm được lượng cổ phần lớn như vậy, thưa ông?
Họ mua cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Công ty đã có 3 chương trình ESOP dành cho tất cả cán bộ công nhân viên. Một số người cũng ủy quyền cho nhau để tham gia giao dịch.
Có thông tin cho rằng, các cá nhân sở hữu lớn mở tài khoản thực chất là đứng tên giúp ông?
Không phải. Nói thế là quy chụp.
Cổ phiếu FTM đã lau sàn gần 1 tháng qua
Vậy trong vụ việc cổ đông lớn vay ký quỹ, làm thiệt hại của các công ty chứng khoán ước tính 200 tỷ đồng thì ông có biết không? Công ty SMD Holding có vai trò gì?
SMD Holding là bên giao dịch, mua đi bán lại.
Tôi và Tổng giám đốc FTM chủ yếu tập trung vào công tác sản xuất. Tôi không quen biết gì ông Cường (ông Nguyễn Việt Cường) và ông Chung (ông Trần Hữu Chung) đang làm cho SMD. Tôi cũng chưa bao giờ liên lạc với họ.
Cả 8 cổ đông lớn đều thuê một đơn vị luật sư để uỷ quyền làm việc với các công ty chứng khoán, có nghi ngờ họ thông đồng với nhau, ông thấy sao?
Như tôi biết, các cổ đông này phải nhờ luật sư đại diện vì họ chịu sức ép bị đòi nợ dữ quá. Tuy nhiên, những cá nhân này gọi lúc nào sẽ có mặt lúc đó, chứ không phải trốn tránh gì.
Tại thời điểm 28/11/2016, theo bản cáo bạch niêm yết của FTM, ông Lê Mạnh Thường là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT FTM, nắm giữ 12 triệu cổ phiếu, tương ứng 24% vốn. Bà Lê Thuỳ Anh, con gái ông Thường nắm 10,766 triệu cổ phiếu, tương ứng 21,53%.
Cuối năm 2018, ông Thường đã giảm sở hữu FTM xuống còn 10,2% vốn, còn con gái vẫn giữ nguyên tỷ lệ ban đầu.
Tháng 4/2019, ông Thường rời vị trí Chủ tịch HĐQT FTM.
Ông Thường cũng từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đại Cường; Chủ tịch Công ty TNHH Trường Mạnh Holdings Việt Nam; Phó chủ tịch HĐQT CTCP Long Hậu (LHG); thành viên HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (SPD), CTCP Chiếu sáng Công cộng TP.HCM (CHS).
Trong vụ việc này, tôi thấy bản thân các công ty chứng khoán cũng có những sai phạm.
Căn cứ vào đâu ông cho rằng công ty chứng khoán sai phạm?
Cơ bản là có. Khi nào thanh tra vào cuộc thì tìm ra được hết. Tôi cũng có nhờ người trích xuất giao dịch hàng ngày, dòng tiền và tài khoản công ty kia chen vào.
Ông có khẳng định lại rằng ông không có liên quan và không rút tiền margin ra khỏi công ty chứng khoán?
Chắc chắn tôi không rút giao dịch gì.
Tôi hy vọng, khi chưa có xác minh của cơ quan điều tra, các bên tránh những quy chụp, vì sẽ ảnh hưởng đến các công ty khác của tôi và uy tín của tôi.
Vậy theo ông, nên giải quyết bài toán hiện tại như thế nào?
Thiệt hại thì 3 bên đều phải chịu, bao gồm các cổ đông liên quan - Công ty sẽ đứng ra đại diện cho nhóm này, SMD và các công ty chứng khoán.
Tôi không có trách nhiệm trực tiếp, nhưng cũng nghiên cứu tìm cách để các bên ngồi lại được với nhau đề tìm cách giải quyết. Hiện tại, chúng tôi chưa chốt được cụ thể.
Sở hữu 40% vốn cổ phần FTM, ông có ý định gắn bó tiếp với Công ty? Tình hình kinh doanh FTM có gì sáng sủa hơn không?
Tôi chắc chắn ở lại Công ty.
Về tình hình FTM, sắp tới, một số đối tácTrung Quốc sang trụ sở để xem xét cơ hội hợp tác. Giải pháp hoạt động trước mắt là chúng tôi lấy sản phẩm đi gia công, rồi lấy thành phẩm bán lại. Đa dạng hoá sản phẩm.
Trước đây, các nhà máy chạy 100% sản phẩm cotton, thì nay chạy 1 nhà máy cotton, 1 nhà máy sợi pha, 1 nhà máy sợi PE để bán cho các làng nghề, nội địa và các thị trường khác.
Ông Lê Mạnh Thường cho rằng, nhiều công ty chứng khoán đang bị cho là thiệt hại cũng có những sai phạm trong mối quan hệ với “đội lái”. “Đội lái” mà ông Thường nhắc đến có tên Công ty SMD Holding, địa chỉ ở tầng 9, tòa nhà Icon 4, số 243 La Thành, Hà Nội. Ông Thường cũng nhắc đến 2 cá nhân có liên quan là ông Nguyễn Việt Cường và ông Trần Hữu Chung, là người của SMD.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, UBCKNN cho biết, đã nắm được thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân. Hiện tại, UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin. Do sự việc mới đang trong quá trình triển khai nên chưa có thông tin chi tiết, cụ thể, nên khi có thông tin chính xác sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ tới các cơ quan thông tấn, báo chí theo quy định.
Đây là sự việc nhận được sự quan tâm của thị trường và dư luận, do đó, lãnh đạo UBCKNN đã quán triệt tinh thần với các đơn vị chuyên môn là tiến hành một cách nghiêm túc, cẩn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và xử lý nghiêm nếu phát hiện các sai phạm.
UBCKNN rất mong muốn nhận được sự phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông chính xác, kịp thời, minh bạch tới nhà đầu tư và thị trường.