Sau những rung lắc và thử thách thành công tại ngưỡng 745 điểm, thị trường đã đảo chiều hồi nhẹ trong phiên 18/3. Có thể thấy những chính sách hỗ trợ của nhà nước như giảm giá dịch vụ chứng khoán, hạ lãi suất điều hành… đã có những tín hiệu tác động tích cực.
Tuy nhiên, không nằm ngoài phân tích và dự đoán của các chuyên gia, chứng khoán Việt vẫn chịu tác động mạnh bởi thị trường quốc tế.
Cụ thể, sau phiên hồi nhẹ 18/3, thị trường trong nước đã ngay lập tức quay đẩu lao dốc mạnh trong phiên 19/3.
Đồng loạt bluechip giảm sâu cùng những mã vừa và nhỏ tăng nóng bị chốt lời khiến VN-Index có thời điểm để mất hơn 31 điểm, trước khi dừng chân dưới mốc 725 điểm.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố tác động tiêu cực tới thị trường là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đã kéo dài chuỗi ngày bán ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng qua từng phiên giao dịch.
Theo nhận định của BVSC, thị trường có thể sẽ tiếp tục chịu biến động mạnh do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs sẽ diễn ra trong phiên cuối tuần. Mặc dù vậy, với việc nhiều nhóm cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán mạnh trong bối cảnh chỉ số đang dao động ở vùng hỗ trợ mạnh, giúp chúng tôi tiếp tục kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ sớm bước vào nhịp hồi phục tăng điểm trở lại.
Bước vào phiên sáng cuối tuần 20/3, thị trường đảo chiều hồi nhẹ ngay khi mở cửa nhờ sự khởi sắc của một số bluechip. Tuy nhiên, dòng tiền khá yếu khiến thị trường tăng kém bền vững.
Chỉ sau hơn 20 phút giao dịch, khi VN-Index tiếp cận mốc 930, áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh.
Trong khi nhiều bluechip tăng trong biên độ hẹp, đáng kể là bộ đôi dầu khí GAS và PLX tăng khá tốt, thì gia đình Vingroup lại đóng vai trò cản trở thị trường, khiến chỉ số VN-Index chỉ biến động lình xình quanh ngưỡng 720 điểm.
Bên cạnh đó, các mã thị trường vừa và nhỏ như HQC, DLG, FLC, FIT, TSC… tiếp tục mất điểm, trong đó AMD có phiên giảm sàn thứ 2 sau chuỗi 13 phiên tăng trần liên tiếp và hiện dư bán sàn gần 5,8 triệu đơn vị.
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến sắc đỏ lan tỏa và thị trường tiếp tục lùi sâu, chỉ số VN-Index bị đẩy về mức thấp nhất khi thủng mốc 715 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 104 mã tăng và 207 mã giảm (21 mã giảm sàn), VN-Index giảm 12,05 điểm (-1,66%), xuống 713,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,89 triệu đơn vị, giá trị gần 1.717 tỷ đồng, giảm 45,86% về khối lượng và 19,7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,36 triệu đơn vị, giá trị 458 tỷ đồng.
Sau tín hiệu hồi nhẹ đầu phiên, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đảo chiều mất điểm trong khi VCB tiếp tục lùi sâu hơn khi giảm 4,2% xuống 63.200 đồng/CP, HDB -5% xuống 19.850 đồng/CP.
Bên cạnh đó, 3 mã nhà Vin cũng nới rộng biên độ khi VHM -4,96% xuống 65.100 đồng/CP, VIC -3,83% xuống 85.300 đồng/CP, VRE -5,94% xuống 20.600 đồng/CP. Ngoài ra, các bluechip khác như SAB, MSN, HPG, NVL cũng gia tăng sức ép.
Trái lại, tín hiệu tích cực từ giá dầu thô hồi phục đã giúp dòng P giao dịch khởi sắc, cụ thể GAS +3,4% lên 57.200 đồng/CP, PLX +0,7% lên 40.400 đồng/CP, PVD +3,2% lên 8.460 đồng/CP.
Cổ phiếu lớn VNM cũng có tín hiệu khởi sắc sau thông tin hàng loạt nhân sự cấp cao đăng ký mua vào cổ phiếu. Tuy nhiên, về cuối phiên, VNM thu hẹp biên độ, thậm chí có lúc lùi về mốc tham chiếu. Chốt phiên sáng, VNM +1,46% lên 90.300 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu AMD chốt phiên tại mức giá sàn 4.510 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt hơn 7,1 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 7,44 triệu đơn vị. Ngoài ra, HQC, FLC, DLG, FIT… đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, HAI, TCH, DRH đứng tại mức giá sàn.
Trên sàn HNX, giao dịch giằng co và đã để mất điểm khi tạm dừng phiên sáng do lực bán gia tăng về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 28 mã tăng và 54 mã giảm (trong đó có 24 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,21%), xuống 100,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 207,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,46 triệu đơn vị, giá trị 56,6 tỷ đồng.
Bộ 3 ngân hàng có SHB hồi nhẹ khi +0,8% lên 11.900 đồng/CP, ACB đứng giá tham chiếu, trong khi NVB -2,4% xuống 8.300 đồng/CP, với thanh khoản lần lượt 2,58 triệu đơn vị, 1,7 triệu đơn vị và 1,97 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí PVS có phiên hồi phục tích cực khi +4,8% lên 10.900 đồng/CP; trái lại VCS, VCG, CEO, DGC… điều chỉnh nhẹ.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trên HNX cũng bị áp lực bán chốt lời, điển hình ART tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 2 về mức 2.800 đồng/CP, khối lượng khơp lệnh lớn nhất, đạt 4,72 triệu đơn vị; KLF đứng giá tham chiếu và khớp 4,28 triệu đơn vị; DST, MBG, VAT, TKC, DXP, BII, BLF… chốt phiên tại mức giá sàn.
Trên UPCoM, lực bán gia tăng cuối phiên cũng khiến UPCoM-Index “trượt chân” dù trong phần lớn thời gian đều giao dịch trên mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,16%), xuống 49,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6,4 triệu đơn vị, giá trị gần 53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,56 triệu đơn vị, giá trị 6,24 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR cũng đảo chiều khởi sắc khi +1,6% và tạm đứng tại mức giá 6.400 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất với hơn 1,82 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Trong khi đó, nhiều mã lớn khác như LPB, VGT, QNS, VEA, ACV, MSR… để mất điểm, là tác nhân chính khiến thị trường quay đầu điều chỉnh.