Đúng như dự báo của một số công ty chứng khoán, thị trường tiếp tục giữ xu thế tăng khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới và hướng tới “mái nhà xưa” 680 - 690 điểm. Tuy nhiên, ngay khi vừa bước chân đến cổng, chỉ số này đã bị cản lại.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần giao dịch tích cực bất chấp áp lực bán ra lớn trong kỳ tái cơ cấu danh mục cuối năm của 2 quỹ ETF. Trong phiên cuối tuần, là ngày chốt danh mục của 2 quỹ này, trong đó chủ yếu là bán ra tại nhiều mã bluechip, tuy nhiên các mã bị bán ra mạnh đều tăng giá, giúp thị trường bứt phá.
Nhận định về xu hướng thị trường trong tuần này, nhiều chuyên gia chứng khoán và công ty chứng khoán đều có cái nhìn lạc quan và dự đoán đà tăng sẽ được duy trì. VN-Index nhiều khả năng sẽ trở lại chinh phục vùng đỉnh cũ 680 - 690 điểm, trong đó vùng cản thử thách đầu tiên là 680 - 685 điểm. Dù vậy, thị trường sẽ gặp khó khăn và rung lắc sẽ xảy ra tại vùng đỉnh này.
Đúng như nhận định này, dù có chút e ngại khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay do ảnh hưởng từ điều chỉnh của chứng khoán Mỹ cuối tuần qua, cũng như chứng khoán châu Á sáng nay, nhưng VN-Index nhanh chóng trở lại sắc xanh và tiến thẳng đến vùng đỉnh cũ.
Tuy nhiên, ngay khi vừa “bước chân đến ngõ” - 680 điểm, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại về gần sát mốc tham chiếu. Dòng tiền sau một số phiên hưng phấn cuối tuần trước, đã thận trọng trở lại khiến thanh khoản thị trường ở mức thấp.
Đáng chú ý, sau chuỗi tăng mạnh kể từ khi lên sàn với mức tăng 105,7%, từ 110.000 đồng, lên 226.300 đồng, SAB đã bị chốt lời trong phiên cuối tuần, trong khi bên mua đã cảm thấy mức giá không còn hấp dẫn, nên cũng rút lui dần, khiến SAB đóng cửa phiên cuối tuần không thể có được phiên tăng trần thứ 9 liên tiếp.
Diễn biến này tiếp tục duy trì trong phiên giao dịch sáng nay và cổ phiếu này đã chính thức quay đầu giảm giá sau 9 phiên tăng liên tiếp. Chốt phiên, SAB giảm 1,38%, xuống 221.900 đồng với gần 100.000 đơn vị được khớp, chủ yếu là do lực cầu không còn mạnh như trước. Thậm chí, có lúc mã này đã giảm về mức 212.000 đồng, tương đương 5,78%.
Một số mã lớn khác cũng đang gây sức ép với thị trường giữa phiên là VNM, VCB, MSN, KDC, nhưng về cuối phiên, VCB đã phục hồi trở lại, VNM cũng kịp về tham chiếu, cùng với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí và một số mã lớn khác, giúp VN-Index bật trở lại, nhưng vẫn chưa thể về lại sát ngưỡng 680 điểm như đầu phiên sáng.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3,41 điểm (+0,51%), lên 678,57 điểm với 138 mã tăng, 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 69,59 triệu đơn vị, giá trị 1.132,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,54 triệu đơn vị, giá trị 112 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,61 điểm (0,76%), lên 80,32 điểm với 64 mã tăng, 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 21,97 triệu đơn vị, giá trị 204,4 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận 5,78 triệu đơn vị, giá trị 178,95 tỷ đồng.
Với việc giá dầu thô tăng mạnh trở lại, nhóm dầu khi cũng hưởng lợi ít nhiều trong phiên sáng nay khi GAS tăng 0,47%, PVD tăng 1,17%, PGD tăng trần lên 36.350 đồng…
ROS sau 2 tuần điều chỉnh mạnh, cũng phục hồi tốt trong phiên sáng nay khi đóng cửa tăng 1,14%, lên 106.400 đồng với 1,3 triệu đơn vị được khớp. FLC sáng nay cũng tăng 2,99%, lên 5.160 đồng với 2,9 triệu đơn vị được khớp.
VIC cũng tăng 1,18%, lên 43.000 đồng với thanh khoản khiêm tốn hơn, chưa tới 400.000 đơn vị được khớp.
Với mức giá hiện tại của cả 3 cổ phiếu, vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vẫn thuộc về ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup với tổng tài sản trên sàn đạt hơn 31.314 tỷ đồng, còn ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC và là cổ đông lớn nhất của ROS vẫn đứng ở vị trí thứ 2 với tổng tài sản trên sàn đạt hơn 30.334 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, sự phân hóa cũng đang diễn ra, nhưng mức biến động giá không quá lớn. Trong khi FLC, FIT, DLG, HNG, HAG, KBC, HAI tăng giá, thì ITA, IJC, TNT giảm, thậm chí DAH giảm sàn.
Trong số các mã thị trường, HQC đang là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 15 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa ở tham chiếu 2.490 đồng. Mã này chủ yếu lình xình quanh tham chiếu trong suốt phiên sáng nay.
Tưởng chừng sau phiên giao dịch đột biến với lượng cầu khủng hấp thụ hàng chục triệu cổ phiếu bán sàn để kéo mã này lên mức trần sau chuỗi ngày dài giảm sàn liên tục sẽ châm ngòi cho đợt phục hồi thần kỳ của HQC, nhưng điều này đã không xảy ra. Có thể, nhiều nhà đầu tư lo lắng về lượng hàng khủng hơn 78 triệu cổ phiếu khớp trong phiên 14/12 sẽ được tung ra khi lượng hàng mua đuổi sau của họ chưa kịp về tài khoản.
Trên HNX, sắc xanh cũng được duy trì trong phiên sáng nay nhờ sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, dù có đôi lúc gặp khó khăn khi ACB điều chỉnh nhẹ. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự hỗ trợ của các mã bluechip khác như VCG, VCS, NTP.
KLF sáng nay cũng gây chú ý khi lên mức giá trần 2.600 đồng với hơn 5,3 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần nhẹ. Với những diễn biến trong một vài phiên vừa qua và cả phiên sáng nay, chưa thể khẳng định đợt sóng thứ 2 có đến với KLF trong thời gian tới hay không
Cùng với KLF, FID, ACM cũng có mức tăng trần khá tốt hôm nay. Trong khi đó, DST giảm 3,13%, xuống 37.200 đồng với thanh khoản thấp.
HKB cũng không còn giữ được sự sôi động như trước khi chỉ được khớp hơn 200.000 đơn vị và đóng cửa ở mức tham chiếu 2.100 đồng trong phiên sáng nay.