Phiên giao dịch ngày hôm qua chứng khiến VN-Index rung lắc mạnh, nhưng một lần nữa, chỉ số này thoát hiểm vào những phút cuối, nhờ vào những cái tên quen thuộc như VNM, VIC… và sự hậu thuẫn đến từ nhóm cổ phiếu đang nằm trong danh sách thoái vốn như BMP, DMC, NTP…
Ngoài ra, nhóm bất động sản cũng khởi sắc, tạo đà hưng phấn cho thị trường khi lần lượt FLC, KBC, SCR, DXG, ITA… đều tăng điểm.
Theo một số công ty chứng khoán, sự phân hóa trên thị trường ngày càng mạnh, nhất là sau kết quả bán đấu giá cổ phần thành công tại VNM. Mặt bằng giá mới của VNM được xác lập ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thị trường.
Cùng với việc VN30 tiếp tục giữ vai trò leader, trong khi các cổ phiếu vừa và nhỏ chỉ hưởng ứng với một biên độ dao động rất hẹp.
Trạng thái này cho thấy cơ hội lợi nhuận ngắn hạn vẫn chỉ tập trung ở một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu có liên quan đến việc thoái vốn như VNM, FPT, BMP…
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (16/11), ngay khi mở cửa, VN-Index đã điều chỉnh xuống sát 880 điểm, nhưng nhờ lực cầu lớn lan tỏa, sắc xanh đã quay trở lại nhanh chóng và chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Tại thời điểm 10h, sàn HOSE có 149 mã tăng và chỉ có 83 mã giảm. Nhóm VN30 tiếp tục giao dịch tích cực, khi chỉ có một vài mã giảm là CTD, MSN, BVH, NT2, còn lại đều tăng.
Trong đó, tăng mạnh nhất có DHG, KDC, FPT…và thanh khoản tốt nhất thuộc về 2 mã ngân hàng mà STB và CTG.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ còn SHB và VIB giảm nhẹ, cùng BID và EIB chưa thể bứt giá ở tham chiếu, còn lại cũng đang được phủ xanh và thanh khoản khá tốt như STB đang khớp hơn 2,4 triệu đơn vị; CTG khớp 1,66 triệu đơn vị; ACB và MBB lần lượt cũng khớp hơn 1,5 và 1,3 triệu đơn vị…
Ngoài ra, không thể không thể đến các cổ phiếu họ “FLC”, như ROS, FLC, HAI, AMD đều đang tăng mạnh. Trong đó, AMD thậm chí còn lên mức giá trần.
Một cổ phiếu penny cũng đang nhận được lực cầu khủng là OGC, hiện OGC đang tăng trần và thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE.
Cổ phiếu hot VRE sáng nay tiếp tục giảm mạnh, tuy nhiên thanh khoản khớp lệnh vẫn khá sôi động và đến cả từ khối ngoại.
Dòng tiền tiếp tục lan tỏa, lực cầu đến từ khắp các nhóm ngành, 10 mã thanh khoản lớn nhất sàn HOSE chỉ có VRE giảm, còn lại đều tăng.
Trong đó, VN30 vẫn là đầu tàu chính, kéo VN-Index vọt lên trên 888 điểm khi kết thúc phiên sáng nay.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 153 mã tăng và 104 mã giảm, VN-Index tăng 5,62 điểm (+0,64%), lên 888,21 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 105 triệu đơn vị, giá trị 3.292,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11 triệu đơn vị giá trị hơn 1.092 tỷ đồng.
Nhóm VN30 sáng nay đã ít phân hóa hơn, với 20 mã tăng và 10 mã giảm, tuy nhiên, thanh khoản lại tập trung vào các mã tăng, cùng với đó là các trụ đỡ như SAB, VNM, ROS, VIC, MWG… đều đảo chiều và tăng điểm đã góp phần không nhỏ tạo đà hưng phấn cho thị trường.
Cụ thể, khớp lệnh lớn nhất thuộc về STB với hơn 3,44 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 3,5% lên 11.850 đồng/cổ phiếu; 2 cổ phiếu ngân hàng khác lần lượt theo sau là MBB và CTG với lần lượt 2,82 triệu và 2,41 triệu đơn vị được khớp và tăng 0,4% và 0,2%.
FPT và PVD theo sát ngay sau với 2,37 triệu đơn vị và 2,29 triệu đơn vị. Chốt phiên sáng, FPT tăng 1,1% lên 57.500 đồng/cổ phiếu, PVD tăng 2,7% lên 17.500 đồng/cổ phiếu.
FPT phiên sáng nay được khối ngoại trao tay lớn nhất với lượng mua và bán khá cân bằng, hơn 3,5 triệu đơn vị.
Các mã khác có thanh khoản tốt và tăng điểm còn có, HPG, SSI, SBT, VCB, NVL...khớp từ hơn 1 triệu đơn vị đến 2,1 triệu đơn vị..
Các trụ đỡ chính cũng tăng tốt như SAB chấm dứt 7 phiên giảm liên tiếp, tăng 2,2% lên 276.900 đồng/cổ phiếu, tuy thanh khoản không cao.
VNM tăng 0,5% lên 182.700 đồng/cổ phiếu và chỉ khớp hơn 200.000 đơn vị, nhưng giao dịch khối ngoại vẫn ấn tượng khi nhóm này mua 3,45 triệu đơn vị và bán ra hơn 1,84 triệu đơn vị, trong đó có hơn 3,37 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị hơn 622 tỷ đồng.
VIC tăng 1,2% lên 69.800 đồng/cổ phiếu và khớp hơn gần 600.000 đơn vị; ROS tăng 0,6% lên 180.100 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 500.000 đơn vị;
Đóng vai trò hãm đà tăng đáng kể nhất chỉ có CTD khi giảm 1,3%; BVH giảm 1,1%; HSG giảm 1,2%; BID giảm 0,2%, CII giảm 0,3%...
Nhóm cổ phiếu thị trường sáng nay cũng nổi sóng khi rất nhiều mã tăng, trong đó nhóm cổ phiếu “họ FLC” nhận được lực cầu khủng khi cả FLC, AMD, HAI, ROS đều tăng, với FLC khớp hơn 3,48 triệu đơn vị và tăng 1% lên 6.170 đồng/cổ phiếu, đứng thứ 2 thanh khoản chỉ sau sắc tím của OGC với gần 4 triệu đơn vị được sang tay.
AMD duy trì sắc tím với 1,5 triệu đơn vị, chốt phiên ở mức 7.160 đồng/cổ phiếu; HAI tăng nhẹ 1% lên 7.400 đồng/cổ phiếu và khớp 1,16 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau ít phút ngập ngừng cũng đã bứt hẳn lên nhờ lệnh mua đã lấn át lệnh bán, mặc dù số chốt phiên số mã giảm vẫn chiếm ưu thế.
Đáng chú ý nhất có lẽ là cổ phiếu người anh em với FLC bên HOSE là KLF sáng nay đã nhận được lực cầu lớn, thanh khoản đứng đầu sàn với gần 4 triệu đơn vị được khớp, tăng 5,9% lên 3.600 đồng/cổ phiếu.
PVX sau khi lên được giá trần đã gặp áp lực chốt lời, nhưng may mắn vẫn giữ được tham chiếu 2.300 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 3,2 triệu đơn vị, đứng thứ 2 trên sàn.
Một cổ phiếu dòng P khác là PVS cũng có diễn biến tương tự với PVX, đóng cửa tham chiếu 16.000 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh tương đối tốt với 2,52 triệu đơn vị.
May mắn hơn là VCG và ACB khi đã kịp phục hồi, lấy lại sắc xanh và khớp lần lượt 3,26 triệu và 2,8 triệu đơn vị.
Trái lại, CEO và SHB lại không thể giữ được đà tăng, chốt phiên cả 2 đều giảm và khớp 1,8 triệu và 1,64 triệu đơn vị.
Cổ phiếu DTD của CTCP Đầu tư và Phát triển Thành Đạt, ngày đầu lên sàn HNX đã tăng hết biên độ 30% lên 15.600 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 1,11 triệu đơn vị.
Chốt phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,49 điểm (+0,45%) lên 107,97 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 29,42 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 395,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,29 triệu đơn vị, giá trị 16,7 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, sắc xanh cũng được bao phủ lên các mã quen thuộc như LPB, DVN, HNV, ART, MSR, GEX. Trong đó, LPB thanh khoản cao nhất và bỏ xa phần còn lại với hơn 1,38 triệu cổ phiếu, chốt phiên LPB tăng 3,1% lên 13.100 đồng/cổ phiếu.
Các mã còn lại khớp từ 250.000 đến 750.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,25%) lên 53,02 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,34 triệu đơn vị, giá trị 72,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1,3 triệu đơn vị, giá trị 2,87 tỷ đồng.