Sau phiên đảo chiều thành công chiều qua, thị trường tiếp tục duy trì sự tích cực khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Việc giá dầu thô thế giới tăng vọt, cùng sự trở lại của VNM giúp VN-Index nới rộng đà tăng sau đó và vượt qua ngưỡng 675 điểm.
Trong mấy phiên giao dịch gần đây, các nhà đầu tư thường dõi theo động tĩnh giá của 3 mã ROS - FLC và VIC, bởi sự biến động giá của 3 mã cổ phiếu này quyết định đến ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam giữa ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, cũng là cổ đông lớn nhất của ROS và ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VIC.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sáng nay, sự chú ý đã được lái sang hướng khác là cặp đôi HAG - HNG của bầu Đức.
Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên đã tạo sóng khi giá cao su thiên nhiên thế giới tạo đỉnh 1 năm và tiếp tục gia tăng sau đó. Tuy nhiên, giá HAG và HNG vẫn lình xình quanh tham chiếu, bởi vấn đề lớn nhất hiện nay của HAG hiện nay không phải chỉ là sự biến động của giá cao su, mà là vấn đề cơ cấu nợ.
Vẫn chưa có thông tin chính thức về việc các ngân hàng sẽ cơ cấu nợ cho HAG, nhưng trong phiên sáng nay, cặp đôi cổ phiếu này bất ngờ nổi sóng. Mở cửa với mức tăng hơn 2% mỗi mã, với lượng dư bán ở các mức giá khác nhau còn khá lớn, nhưng rất nhanh chóng, lực cầu lớn đã nhanh chóng hấp thụ hết lượng cung, kéo cả 2 lên mức trần 5.730 đồng (HAG) với lượng khớp 3,15 triệu đơn vị, còn dư mua trần 2,27 triệu đơnvị và 6.760 đồng (HNG) với lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn dư mua trần 1,49 triệu đơn vị.
Trong các mã lớn, VNM sau khi có 3 phiên giảm giá liên tiếp do sức ép từ lực cung ngoại, đã hồi phục khá tốt trong phiên sáng nay. Hiện mã này đang tăng 0,87%, lên 138.500 đồng khi khối ngoại đang có dấu hiệu mua vào trở lại.
Trong khi đó, với việc giá dầu thô tăng vọt hơn 5,9% trong phiên tối qua theo giờ Mỹ, cổ phiếu dầu khí cũng đang có mức tăng khá tốt, ngoại trừ GAS trở về tham chiếu, thậm chí có lúc đã quay đầu giảm, khiến VN-Index bị rung lắc và có lúc chớm có sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu sắt thép dù không còn giữ được sức nóng như các phiên trước, nhưng cũng đang có sắc xanh tại HPG, HSG, trong đó HPG được khớp 2,42 triệu đơn vị. Trong khi đó, TLH bị chốt lời đã quay đầu giảm giá, SMC, NKG cũng đóng cửa dưới tham chiếu, trong khi POM và VIS đứng ở tham chiếu.
Ngoài ra, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ của một số mã lớn khác như MSN, BID, DPM, BVH… Trong khi MWG, KDC, CTG khiến VN-Index không thể bứt phá, thậm chí đang quay đầu giảm điểm.
Trở lại với diễn biến của 3 mã ROS - FLC và VIC. Sau khi có cú đào thoát ngoạn mục hôm qua, từ mức sàn 108.100 đồng, lên mức giá cao nhất ngày 120.000 đồng khi đóng cửa, ROS sáng nay giảm mạnh hơn 6,17%, xuống 112.600 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp, thậm chí có lúc xuống mức thấp nhất ngày là 112.000 đồng. Đổi lại, FLC vẫn duy trì đà tăng nhẹ 1,11%, lên 7.180 đồng với 7,2 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, diễn biến giá của VIC không mạnh như ROS hay FLC khi giằng co nhẹ ở sát trên tham chiếu và đóng cửa với mức tăng 0,58%, lên 43.000 đồng.
Với mức giá của 3 cổ phiếu này, vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết vẫn được duy trì với khoảng cách 1.125 tỷ đồng so với người đứng sau là ông Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, nếu so với cuối phiên hôm qua, tài sản của ông Quyết giảm hơn 2.060 tỷ đồng.
Dù có lúc gặp rung lắc và quay đầu giảm nhẹ do ảnh hưởng của GAS, BID, CTG và ROS, nhưng với sự hỗ trợ của các mã lớn khác như VNM, VIC, MSN, BVH, PVD, DPM…, VN-Index vẫn duy trì được đà tăng khi chốt phiên hôm nay.
Cụ thể, VN-Index tăng 0,83 điểm (+0,12%), lên 675,09 điểm với 114 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.054,49 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 2 triệu đơn vị, giá trị 80,67 tỷ đồng.
HNX-Index phần lớn thời gian phiên sáng nay dao động trên tham chiếu, với việc ACB quay đầu giảm cuối phiên suýt chút nữa khiến chỉ số này mất điểm đáng tiếc nếu không có sự hỗ trợ đặc lực của nhóm dầu khí, trong đó đáng chú ý là PVB đóng cửa ở mức trần 13.000 đồng, PVS cũng tăng 1,7%, PVC tăng 3,61%. Ngoài ra, thị trường còn có sự hỗ trợ của VCG với mức tăng 1,96%, VCS tăng 0,46%, SHB tăng 1,89% với 5,33 triệu đơn vị, dẫn đầu về thanh khoản trên HNX.
Do đó, HNX-Index đóng cửa vẫn có mức tăng nhẹ 0,14 điểm (+0,18%), lên 81,27 điểm với 68 mã tăng, 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,48 triệu đơn vị, giá trị 214,1 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, lực cầu bắt đáy giúp HKB đảo chiều thành công từ mức sàn 2.100 đồng, lên 2.400 đồng khi đóng cửa, tăng 4,35% và cũng là mức giá cao nhất ngày. Trong khi FID, TTH vẫn ở mức sàn. Nhóm cổ phiếu khoáng sản, than cũng chính thức hạ nhiệt và chỉ còn dao động lình xình quanh tham chiếu.