Trong phiên hôm qua, thị trường tăng mạnh lên trên 975 điểm ngay khi mở cửa nhờ lực đỡ từ các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, sự thận trong vẫn còn khiến chỉ số nhanh chóng thoái lui dần.
Sau giờ nghỉ trưa, VN-Index đã lấy lại đà tăng và lên trên ngưỡng 974 điểm. Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh ATC, lực cung bất ngờ gia tăng tại nhiều mã lớn đã đẩy VN-Index rơi thẳng đứng và xuống dưới 970 điểm khi đóng cửa.
Theo nhận định của PHS thì khối lượng giao dịch giảm so với phiên trước cho thấy, lực cầu tham gia không mạnh mẽ. Bên cạnh đó, xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn đang tiếp diễn. Thị trường vẫn đang đóng cửa dưới đường MA50 sau phiên tăng nhẹ hôm nay, do đó, vẫn duy trì khả năng tiếp diễn xu hướng giảm điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 15/8, nhận tin dữ từ phố Wall đêm qua, khi có ngày tồi tệ nhất kể từ đầu năm với việc các chỉ số chính mất trên dưới 3%, thị trường trong nước bị ảnh hưởng mạnh và ngay khi mở cửa đã lao xuống thẳng đứng, mất hơn 13 điểm xuống mốc 955 điểm.
Mặc dù giảm sâu, nhưng biên độ giảm của các cổ phiếu lớn, bluehchip không sâu, chỉ từ trên dưới 1 đến 1,5%, qua đó, khiến tâm lý nhà đầu tư có phần ổn định trở lại, dòng tiền bắt đáy qua đó nhập cuộc đã đưa VN-Index trở lại ngưỡng trên 960 điểm sau khoảng gần 1 giờ giao dịch.
Hôm nay đáng chú ý là ngày hợp đồng tương lai VN30F1908 đáo hạn, và điều này có thể tạo ra những biến động mạnh ở các bluechip trong rổ VN30.
Diễn biến trong nước đang khá tương đồng với các thị trường trong khu vực như Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông, khi đều lao dốc khi mở cửa và được kéo dần lên, thậm chí Hang Seng tại Hồng Kông còn đã lên trên tham chiếu.
Càng giao dịch, thị trường càng ổn định hơn, chỉ số VN-Index theo đó dần dần đi lên và gần chạm tham chiếu, nhưng nhịp rơi nhẹ về những phút cuối đã đẩy chỉ số trở lại ngưỡng 965 điểm, thu hẹp đà giảm đáng kể so với đầu giờ sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 74 mã tăng và 218 mã giảm, VN-Index giảm 3,55 điểm (-0,37%), xuống 965,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 88,24 triệu cổ phiếu, giá trị 1.887,12 tỷ đồng, tăng gần 20% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,1 triệu đơn vị, giá trị 454,6 tỷ đồng.
Việc chỉ số được cải thiện đến từ một số cổ phiếu thu hẹp mức giảm, thậm chí còn tăng điểm trở lại, trong đó đáng kể là VIC +1% lên 119.800 đồng; VHM +0,6% lên 83.500 đồng.
Các cổ phiếu bluechip khác tăng điểm còn có SAB +0,1%; NVL +0,5%; PNJ +1,2% lên 87.600 đồng; GMD +0,4%; lên 27.100 đồng; REE +2,1% lên 36.650 đồng.
Số còn lại ngoài VCB, STB, DPM đứng tham chiếu thì đồng loạt giảm. Trong đó, giảm sâu có ROS -2,6% xuống 26.000 đồng; HPG -1,9% xuống 23.000 đồng; PLX -1,9% xuống 61.200 đồng; HVN -1,5% xuống 38.600 đồng; CTG -1,5% xuống 20.200 đồng; GAS -1,3% xuống 99.600 đồng; VJC -1,3% xuống 129.900 đồng; TCB và BID giảm 1,2% xuống lần lượt 20.600 đồng và 34.700 đồng. Phần còn lại giảm thấp hơn như VNM, MSN, VRE, MWG, FPT…
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng đa số chịu áp lực giảm, trong đó, ITA và FLC là 2 mã khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 5,4 triệu và 4,09 triệu đơn vị, giảm lần lượt 2,7% và 2%.
Các mã ngược dòng xu hướng có PHR, HSL, DRC, HAH, TNI và GAB. Trong đó, GAB biến động mạnh, khi mở cửa tiếp tục đà giảm sàn của phiên hôm qua, nhưng đã nhanh chóng được kéo lên và chạm mức giá trần khi kết phiên +6,7% lên 15.050 đồng, khớp hơn 0,45 triệu đơn vị.
Các mã đáng chú ý khác có VIS +6,5%; VDP +3,3%; CMG +3,1%; DVP +3%...YEG -3,8%; FMC -3,7%; SZL -2,6%; AST -2,5%...
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng mở cửa giảm sâu, và hồi phục nhẹ vào giữa phiên, nhưng áp lực bán gia tăng trở lại đã đẩy chỉ số thoái lui và chạm gần mức thấp nhất phiên vào những phút cuối.
Trong 20 mã khớp lệnh cao nhất sàn, trong đó nhiều cổ phiếu lớn đã không còn mã nào tăng điểm, với SHB, CEO, PVI, HUT, VCR, ART, PVX đứng tham chiếu.
Còn lại như ACB -1,8% xuống 21.300 đồng; VCS -0,3% xuống 88.800 đồng; VCG -0,8% xuống 26.200 đồng; PVS -1,5% xuống 20.100 đồng; NVB -5,3% xuống 7.100 đồng; TNG -1,7% xuống 17.900 đồng; NDN -1,1% xuống 17.800 đồng.
Khớp lệnh cao nhất sàn là PVX với hơn 3,1 triệu đơn vị; SHB có 1,73 triệu đơn vị; PVS có 1,73 triệu đơn vị; ACB có 0,99 triệu đơn vị CEO cớ 0,89 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 20 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index giảm 1,1 điểm (-1,08%), xuống 100,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 15 triệu đơn vị, giá trị 209,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,66 triệu đơn vị, giá trị 14,8 tỷ đồng.
Trên UpCoM, diễn biến tích cực hơn, khi chỉ số UpCoM-Index đã lên trên tham chiếu từ giữa phiên sau khi trước đó cũng đổ đèo lúc mở cửa.
Mặc dù vậy, sự phân hóa cũng khá mạnh với sắc đỏ chủ đạo hơn, nhưng đáng chú ý là một số cổ phiếu được chú gần đây vẫn duy trì sức hút như VIB, VGI, CTR, NTC, SIP.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,14%), lên 57,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,85 triệu đơn vị, giá trị 104,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.