Phiên sáng 15/6: Dòng tiền phân hóa, VN-Index yếu sức

(ĐTCK) Sau khi liên tiếp thiết lập các đỉnh cao mới hơn 9 năm, VN-Index đã tỏ ra yếu sức trong phiên sáng nay khi dòng tiền phân hóa mạnh.
Phiên sáng 15/6: Dòng tiền phân hóa, VN-Index yếu sức

Mặc dù thị trường còn thận trọng sau phiên leo cao nhưng diễn tích tích cực từ nhóm cổ phiếu vua cùng các mã trụ cột, đã giúp VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt và chinh phục ngưỡng kháng cự mới 760 điểm. Đây cũng là đỉnh mới của chỉ số này trong vòng 10 năm qua.

Thông tin được cho là sẽ tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán quốc tế nói chung và chứng khoán Việt Nam nói riêng là quyết định tăng lãi suất của FED. Tuy nhiên, giống như dự đoán trước đó, kết quả cuộc họp của FED được công bố tăng lãi suất 0,25%, đã bị che phủ bởi dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố, cũng như giá dầu thô lao dốc. Vì vậy, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng chủ yếu lình xình trong phiên thứ Tư.

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên sáng 15/6 cũng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống chính là đà giảm sâu của một số mã lớn, điển hình là ROS tiếp tục giảm sàn.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, sau cú rơi xuống dưới ngưỡng 760 điểm, lực cầu hấp thụ gia tăng đã giúp thị trường bật ngược đi lên và dần hồi phục sắc xanh sau khoảng 35 phút giao dịch, dù biên độ tăng khá hẹp.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sau phiên giao dịch sôi động hôm qua đã hạ nhiệt mạnh. Hầu hết các mã trong nhóm bank chỉ nhích nhẹ trên mốc tham chiếu, đáng kể STB thiếu tích cực và chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ.

Bên cạnh đó, thông tin giá dầu thô lao dốc cũng tác động khá tiêu cực tới diễn biến chung của nhóm P. Điển hình là GAS, nếu trong phiên hôm qua đóng vai trò là lực đỡ khá tốt cho thị trường thì ở phiên sáng nay đã quay đầu đi xuống, có thời điểm giảm 1,74%.

Không chỉ có GAS, “ông lớn” VNM cũng lình xình và giằng co dưới mốc tham chiếu sau phiên khởi sắc hôm qua, cũng góp phần đẩy thị trường đi xuống.

Áp lực bán tiếp tục tăng mạnh khiến ROS vẫn giảm sàn. Với mức giảm 7%, ROS tạm đứng ở mức giá sàn 104.300 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 1,98 triệu đơn vị, dư bán sàn 187.740 đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu đầu ngành bất động sản – VIC đã có cú bật mạnh sau phiên lao dốc hôm qua. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, VIC tăng 1,33% lên mức 42.050 đồng/CP. Ngoài ra, nhiều mã lớn khác như SAB, HSG, HPG, KDC, MSN… tăng khá tốt, đóng vai trò là các lực đỡ thị trường.

Cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức cũng không còn giữ “phong độ” như phiên hôm qua. Cùng với thanh khoản suy giảm, cặp đôi HAG và HNG đều mất sắc tím.

Hiện HAG tăng nhẹ 1,53% lên mức 9.280 đồng/CP và khớp 3,54 triệu đơn vị.; còn HNG tăng 5,94% lên mức 10.700 đồng/CP và khớp 3,43 triệu đơn vị.

Sau khi vượt qua đỉnh cũ trong phiên 14/6 và tiến sát mốc 763 điểm, áp lực bán gia tăng khiến thị trường dần thu hẹp đà tăng, VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu. Trong khi đó, sàn HNX vẫn duy trì trạng thái giằng co mạnh và liên tục đổi sắc.

Chốt phiên sáng, trên sàn HOSE khá cân bằng cới 129 mã tăng/119 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,1 điểm (+0,01%) tạm đứng ở mức 760,87 điểm. Thanh khoản duy trì khá tích cực với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 114 triệu đơn vị, giá trị 2.403,19 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 14 triệu đơn vị, giá trị 437,28 tỷ đồng. Riêng BHS thỏa thuận 5,9 triệu đơn vị, giá trị 118,94 tỷ đồng, PDR thỏa thuận 4,16 triệu đơn vị, giá trị 111,13 tỷ đồng.

Tương tự, trên sàn HNX có 77 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,02%) xuống 97,87 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 24,15 triệu đơn vị, giá trị 257,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip có diễn biến phân hóa khi có 13 mã tăng/11 mã giảm. Trong đó điển hình dòng bank có VCB và CTG tiếp tục duy trì đà tăng với biên độ 0,64-1,23%; trong khi đó BID, MBB, STB chốt phiên trong sắc đỏ.

Mặc dù thị trường vẫn nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn như VIC, MSN, SAB… nhưng gánh nặng từ ROS vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Chốt phiên, ROS duy trì đà giảm sàn với khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị và dư bán sàn 286.130 đơn vị.

Bên cạnh đó, “người anh em” AMD và FLC cũng giao dịch khá tiêu cực. Cụ thể, AMD duy trì sắc xanh mắt mèo với lượng dư bán sàn gia tăng mạnh; còn FLC giảm 1,5% về mức thấp nhất trong phiên.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên đang phát đi những tín hiệu tích cực. Điểm sáng là VHG tăng kịch trần với khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng vọt, đạt 5,26 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ sau HPG. Ngoài ra, các mã DPR, PHR, TRC cũng có mức tăng từ 1,3-1,9%.

Ở nhóm cổ phiếu “tân binh” cũng có diễn biến khởi sắc khi đua nhau tăng trần. Bên cạnh LEC tiếp tục giữ sắc tím, 2 mã mới trong phiên sáng nay là TDG và THI cũng tăng hết biên độ, trong đó đáng kể TDG đã chuyển nhượng hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, cũng như phần lớn các mã bank trên sàn HOSE, cặp đôi ACB và SHB cũng giao dịch không mấy khả quan khi cùng chốt phiên trong sắc đỏ. Trong đó, SHB tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HNX với hơn 5 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi KLF và CEO với khối lượng khớp lệnh lần lượt 1,4 triệu đơn vị và 1,16 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, sau 6 phiên giảm liên tiếp đã đảo chiều tăng khá tích cực trong phiên sáng nay.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+1,03%) lên 57,04 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,85 triệu đơn vị, giá trị 55,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn nửa triệu đơn vị, giá trị tương ứng 12,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn DVN tiếp tục có diễn biến khởi sắc. Hiện DVN tăng 4,33% lên mức 24.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất sàn UPCoM, đạt 731.500 đơn vị.

Trong khi HVN quay đầu giảm nhẹ sau phiên quay về mốc tham chiếu hôm qua thì ACV tiếp tục tăng tích cực, đóng góp vào việc nâng đỡ thị trường. Chốt phiên, ACV tăng 2,02% lên ,wvs 50.400 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 83.700 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục