400 mã “chết” thanh khoản: Doanh nghiệp cần tìm nhà tạo lập cho cổ phiếu “sống dậy”

(ĐTCK) Thanh khoản là một trong những tiêu chí có yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư. Những cổ phiếu thanh khoản thấp thường không thu hút dòng tiền bởi rủi ro “mắc cạn” , không kịp "thoát hàng" để bảo toàn vốn trong trường hợp doanh nghiệp (DN) xuất hiện thông tin tiêu cực. 
400 mã “chết” thanh khoản: Doanh nghiệp cần tìm nhà tạo lập cho cổ phiếu “sống dậy”

Hơn 400 mã “chết” thanh khoản trên sàn

Thống kê sơ bộ trên cả 3 sàn cho thấy, mặc cho thị trường giao dịch rất sôi động, thanh khoản ở mức cao so với vài năm gần đây, nhưng vẫn có hơn 400 mã có bình quân giao dịch 90 ngày gần nhất dưới 1.000 cổ phiếu/phiên, trong đó có nhiều cổ phiếu không có giao dịch, hoặc chỉ giao dịch dưới 100 cổ phiếu/phiên. Có hơn 480 mã cổ phiếu có giao dịch chỉ từ 1.000-10.000 cổ phiếu/phiên.

Tình trạng không có thanh khoản được lý giải bởi nhiều lý do, chẳng hạn: cơ cấu cổ đông cô đặc; kết quả kinh doanh yếu kém; quy mô DN quá nhỏ, hoặc DN thuộc những ngành nghề có biên lợi nhuận thấp…

Đối với những DN có kết quả kinh doanh khả quan, nhưng thanh khoản thấp thường do số lượng cổ phiếu lưu hành ít, cổ đông lớn và cổ đông nội bộ năm giữ nhiều không bán ra.

Đơn cử, cổ phiếu DRL của CTCP Thủy điện - Điện lực 3, từ đầu năm 2017 đến 12/6/2017, bình quân giao dịch của mã này chỉ hơn 1.866 cổ phiếu/phiên. Từ đầu tháng 5 đến nay, thanh khoản cải thiện hơn, nhưng cũng chỉ hơn 4.100 cổ phiếu/phiên.

Số lượng cổ phiếu đang lưu hành của DRL là 9,5 triệu, trong đó Tổng công ty Điện lực miền Trung sở hữu 30,42% vốn cổ phần. Cũng chính vì “hàng không thanh khoản”, nên thị giá dễ bị tác động tăng/giảm mạnh, dù lệnh mua/bán không đáng kể trong phiên.

Tuy vậy, nhìn vào hoạt động của doanh nghiệp, DRL có doanh thu, lợi nhuận ổn định, ROA trung bình 4 năm 25%, ROE trung bình gần 30%...

Cổ phiếu D2D của CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 có thanh khoản trung bình từ đầu năm đến nay hơn 23.000 cổ phiếu/phiên. Đây là cổ phiếu thanh khoản ở cấp thấp, nhưng lại được nhà đầu tư săn đón, bởi hiệu quả kinh doanh của Công ty ổn định, tăng trưởng và cổ tức cao đều đặn hàng năm.

Cơ cấu cổ đông lớn của D2D gồm Tổng Công ty Phát triển khu công nghiệp (tỷ lệ 57,7%) và Chủ tịch HĐQT Hồ Đức Thành (hơn 26%).

Trên thị trường còn nhiều cổ phiếu mà DN phát hành có kết quả kinh doanh ổn định, EPS cao, nhưng thanh khoản kém như THG của CTCP Đầu tư và xây dựng Tiền Giang (EPS từ mức hơn 1.600 đồng năm 2013-2014, tăng lên 4.980 đồng năm 2015 và 8.020 đồng năm 2016), thanh khoản THG khoảng 22.500 cổ phiếu/phiên. VFG của CTCP Khử trùng Việt Nam và WCS của CTCP Bến xe miền Tây cũng trong tình trạng tương tự…

Nhà đầu tư dễ dàng nhận ra điểm tốt của DN, nhưng để mua được cổ phiếu là câu chuyện khó. Với hiện trạng nhà đầu tư tự tìm nhau để khớp lệnh, nhiều cổ phiếu chịu tình trạng bị treo giá và giá không phản ánh giá trị thực của DN, vì cung cầu không có, hoặc có nhưng méo mó, không đủ sức xác lập nên giá hợp lý trên thị trường.

Hãy tìm nhà tạo lập để cổ phiếu thanh khoản hơn

Từ ngày 1/7/2/2017, Quy chế thành viên tạo lập thị trường tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) sẽ có hiệu lực. Đánh giá từ nhiều CTCK cho thấy, quy chế mới nếu được DN đại chúng đón nhận, thực thi, sẽ góp phần không nhỏ phá tan hiện trạng “chết” thanh khoản của cổ phiếu trên sàn.

Tuy nhiên, để DN biết và sử dụng nhà tạo lập thị trường làm người hỗ trợ thanh khoản, đòi hỏi công tác đào tạo, cập nhật kiến thức cho các bên (DN phát hành, các tổ chức tài chính trung gian) cần được làm mạnh mẽ, mới mong DN hiểu và tự tin sử dụng công cụ mới từ thị trường.

Theo đánh giá từ khối CTCK, các DN sắp lên sàn, hoặc DN có tình hình kinh doanh tốt, nhưng cổ phiếu chưa được định giá đúng, là những chủ thể đầu tiên, nên tìm hiểu Quy chế về nhà tạo lập thị trường, để có thêm công cụ giúp DN duy trì và nâng giá trị trên TTCK. 

Bản thân các CTCK khi thực hiện chức năng tạo lập thị trường, chắc chắn cũng hướng đến việc chọn cổ phiếu tốt để song hành.

Trong trường hợp thị trường chỉ có người bán, CTCK sẽ phải ra lệnh mua và mua làm sao để không lỗ tự doanh, đòi hỏi cổ phiếu được tạo lập phải đủ chất lượng.

Để giảm rủi ro cho CTCK, quy định pháp lý cho phép tổ chức phát hành được quyền chỉ định đồng thời một số CTCK đảm nhận vai trò tạo lập thị trường cho chứng khoán của mình.

Về phía nhà tạo lập, trong giai đoạn đầu cũng không nhất thiết phải ra lệnh đối ứng với 100% lệnh 1 chiều từ thị trường, mà nhà quản lý sẽ đánh giá hoàn thành nghĩa vụ tạo lập khi thực hiện tốt thiểu 10% số lần phát sinh nghĩa vụ yết giá tạo lập thị trường theo quy định.

Được biết, HNX sắp tổ chức chương trình đào tạo DN phát hành và tổ chức tài chính trung gian, để đưa quy định mới vào thực thi.  

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục